Mối quan hệ thầy – trò bình đẳng trong mắt của một du học sinh

28/12/2019 06:25
Vũ Ninh
(GDVN) - Thử đặt trường hợp: Nếu thầy giáo hỏi “Các em cảm thấy giờ học hôm nay như thế nào?". Học sinh trả lời: Em buồn ngủ lắm thì chắc sẽ có chuyện lớn.

Xây dựng mối quan hệ bình đẳng trong trường học

“Nếu trong các trường công lập tại Việt Nam tồn tại những mối quan hệ bình đẳng thì sẽ không có chuyện học sinh bị ép đi học thêm, bị bắt quỳ, bị trừng phạt…mà gia đình không dám ý kiến vì sợ bị trù dập” – ông Nguyễn Văn Hiên (Hà Nội) mở đầu vấn đề bằng một nhận định.

Là người đã học tập và thụ hưởng tại nền giáo dục Liên Xô (trước đây), ông Hiên đã có những chia sẻ quý báu về mối quan hệ bình đẳng trong trường học.

Tôn sư trọng đạo, đừng để cái xấu làm lu mờ điều tốt đẹp
Tôn sư trọng đạo, đừng để cái xấu làm lu mờ điều tốt đẹp

Ông Hiên nói: “Tôi quan sát những đứa trẻ tại Việt Nam trong đó có cháu tôi học tập tại nhiều ngôi trường công, tư hầu hết chưa bao giờ có cái quyền gọi là bình đẳng.

Quyền bình đẳng ở đây là quyền được khen, được chê, được phản biện, nêu ý kiến.

Nếu một đứa trẻ khoảng 10 tuổi, 12 tuổi dám bày tỏ: Con không thích cách dạy của thầy/ cô. Đứa trẻ đó sẽ bị quy thành láo, hỗn. 

Có một thực tế tồn tại trong nhiều trường học tại Việt Nam thầy cô luôn cho mình là đúng, cho mình là người ban phát kiến thức, nhà trường là bề trên, phụ huynh/ học sinh là những người thụ hưởng bị động”.

Vì sao chúng ta không cấm được dạy thêm, không cấm được bạo lực học đường?” ông Hiên đặt câu hỏi.

Theo ông Hiên: Việc chúng ta không cấm được dạy thêm, con cái đi học bị đòn đau mà không dám phản ứng phản ánh mối quan hệ bất bình đẳng. Trong đó phụ huynh/ học sinh luôn ở “cửa dưới”.

Ông Hiên giải thích: “Nhiều gia đình con cái bị ép đi học thêm cũng vì chỉ sợ bị cô trù dập. Một vài sự việc báo chí đã phản ánh con cái đi học bị thầy cô mắng, phạt, bắt quỳ cũng không dám phản ứng vì sợ con đi học bị gây khó dễ. 

Đây chẳng phải là biểu hiện của một mối quan hệ không bình đẳng trong trường học hay sao?”.

Sau cánh cổng nhiều trường mối quan hệ thầy - trò, phụ huynh - nhà trường có bình đẳng? (Ảnh:V.N)
Sau cánh cổng nhiều trường mối quan hệ thầy - trò, phụ huynh - nhà trường có bình đẳng? (Ảnh:V.N)

Ông Hiên dẫn chứng từ cuộc đời mình, ông kể: “Tôi có một kỷ niệm chuyện học thời ở Liên Xô. Hôm đấy, giảng đường rất rộng và có nhiều người học. Tôi và một nhóm bạn ngồi bàn đầu rủ nhau chơi cờ.

Khi đó thầy giáo quay xuống hỏi: Các cậu làm gì? Tôi thưa: Bọn em đang chơi cờ. Thầy dặn: Chơi cũng được nhưng giữ trật tự.

Lát sau thầy lại hỏi: Ai có ý kiến gì về bài giảng? Tôi trả lời: Thưa thầy, em thấy có một đoạn không đúng. Rôi thầy mời tôi lên bảng và chỉ ra khúc thầy sai. Một lúc sau thầy gật gù: Cậu làm như vậy là đúng?

Câu chuyện này thể hiện sự bình đẳng trong mối quan hệ  thầy – trò. Tuy nhiên ở Việt Nam nếu một đứa trẻ hành xử như tôi khi ấy chắc chắn sẽ bị mời phụ huynh vì thái độ không tôn trọng thầy cô”.

Nói về mối quan hệ không bình đẳng, nhiều chuyên gia, phụ huynh, học sinh thừa nhận: Nếu xây dựng được mối quan hệ bình đẳng trong trường học chắc chắn sẽ giải quyết phần nào vấn nạn dạy thêm, lạm thu.

Phụ huynh cắn răng đóng tiền lạm thu nhưng cũng không dám có ý kiến (Ảnh:V.N)
Phụ huynh cắn răng đóng tiền lạm thu nhưng cũng không dám có ý kiến (Ảnh:V.N)

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng:

“Mối quan hệ giữa thầy – trò trong hệ thống các trường công lập vẫn là mối quan hệ ban – cho, chưa bình đẳng. 

Trong khi đó với hệ thống các trường tư các mối quan hệ vẫn rất rõ ràng giữa bên cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. 

Người sử dụng dịch vụ có quyền từ chối hoặc phản đối bên cung cấp dịch vụ không đáp ứng tiêu chuẩn họ đưa ra”.

Anh N.B.D có con đang học tại trường cấp 2 thị trấn Văn Điển thở dài: “Con tôi và các cháu nếu không đi học thêm sẽ bị cô giáo ghét, cho điểm thấp hoặc đánh trượt môn. Còn nếu phản ánh việc này với báo chí thì các cháu còn khổ hơn.

 Cho nên nói đi nói lại phụ huynh cũng chỉ còn cách nhẫn nhịn, không lên tiếng. Thôi thì thấp cổ bé họng cũng chẳng kêu được”.

Đã đến lúc cần có cách đánh giá khác về mối quan hệ thầy – trò

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: Đã đến lúc mối quan hệ thầy – trò cần thay đổi để theo kịp bước chuyển mình của nền giáo dục.

Ngay như chuyện thưởng/ phạt thời này, Tiến sĩ Khuyến cũng nhấn mạnh: Từ bỏ tư duy truyền thống để chuyển sang tư duy mới hiện đại hơn.

Lạt như nước ốc, bạc như vôi?
Lạt như nước ốc, bạc như vôi?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: “Trước đây trong nền giáo dục truyền thống theo hướng tiếp cận nội dung.

Triết lý sư phạm quyền uy thuộc người thầy.

Cho nên người thầy có quyền ra đề và đề đó là đúng, thầy dạy đúng hoặc sinh đừng thắc mắc.

Còn bây giờ chúng ta đang chuyển dần triết lý giáo dục tương tác. Trong mối quan hệ này thầy – trò bình đẳng. 

Thầy và trò giúp nhau, để trò có thể tiếp thu kiến thức, kỹ năng cần thiết, cần có để phát triển năng lực của người học.

Bây giờ không ít thầy vẫn còn quan niệm yêu phải cho roi cho vọt thì trò mới nên người. Thế hệ của chúng tôi, các thầy rất yêu quý, rất nhiệt tình nhưng cũng sẵn sàng cho roi.

Còn hiện nay quan điểm yêu thương học sinh thì phải thế này thế khác, theo kiểu bình đẳng. Nên mới có sự xung đột giữa 2 luồng quan điểm”.

Nhiều phụ huynh cho con đi học thêm là vì sợ con bị trù dập (Ảnh:V.N)
Nhiều phụ huynh cho con đi học thêm là vì sợ con bị trù dập (Ảnh:V.N)

Việc xây dựng mối quan hệ bình đẳng trong các trường học sẽ giúp nâng cao hiểu biết và tư duy phản biện của học sinh.

Cô Phạm Thái Lê, giáo viên dạy văn (Hà Nội) nói: “Tôi không cấm các học sinh của mình quyền được nói. Các em cần phải học cách tư duy và phản biện 1 vấn đề. Không nhất thiết cứ phải theo ý của cô. 

Có như vậy sau này khi ra ngoài xã hội các em mới trưởng thành được. Tôi cho rằng trong môi trường giáo dục hiện nay chưa cho các em quyền được nói, được bày tỏ quan điểm”.

Từ Nam Định, chị V.T.H.V, có con đang học tại trường cấp 2 Giao Hà (Giao Thủy, Nam Định) ngân ngấn nước mắt khi nói về các khoản lạm thu. Trong đó gia đình dù biết là bất công nhưng không dám phản ánh vì sợ con cái bị làm khó khi đi học.

Chị V. bày tỏ: “Bao nhiêu năm nay phụ huynh muốn nói lắm chứ nhưng chúng tôi sợ.

Vì mình cho con đi học là nhờ vả nhà trường, thầy cô. Nếu làm phật ý các thầy cô thì sợ con bị trù dập ở trường”.

Qua lời tâm sự trong nước mắt của chị V, chúng tôi đặt câu hỏi: Đến bao giờ mối quan hệ thầy – trò trong trường học mới thực sự bình đẳng? 

Phụ huynh có quyền nói lên tiếng nói của mình chứ không phải là tiếng nói “thều thào” của “phận con sâu cái kiến”.

Vũ Ninh