Trong các phong trào thi đua của giáo viên ở các nhà trường hiện nay có thể nói việc đăng ký và thực hiện viết sáng kiến kinh nghiệm là nhàn hạ nhất, được nhận quyền lợi nhiều nhất những cũng có nhiều tiêu cực nhất.
Bởi, nếu như ôn thi học sinh giỏi thì phải có sự cộng hưởng giữa thầy và trò ròng rã ôn luyện ít nhất là 1 học kỳ (thi cấp huyện) và 2/3 thời gian năm học (thi cấp tỉnh). Thi giáo viên giỏi thì người tham gia thi phải trình bày báo cáo giải pháp và thi tiết thực hành có ban giám khảo trực tiếp phản biện, góp ý và tất nhiên phải có sự nhiệt tình xây dựng, hợp tác của học trò.
Thế nhưng, nếu đăng ký viết sáng kiến kinh nghiệm thì giáo viên chỉ âm thầm thực hiện một mình rồi in ra gửi cho Ban giám hiệu nhà trường và nếu đạt giải thì sẽ có vô vàn những quyền lợi đi cùng. Trong các năm học vừa qua, các phong trào khác không có được những đặc ân như việc giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.
Tình trạng chào bán sáng kiến kinh nghiệm trên mạng xã hội (Ảnh: L.M.) |
Sáng kiến kinh nghiệm đang được chào bán công khai như…bán rau ngoài chợ
Việc viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên hiện nay đang tồn tại thật giả lẫn lộn. Người viết bằng chính khả năng của mình có khi lại rớt nhưng người mua, sao chép có khi lại đạt giải vì những sáng kiến kinh nghiệm này được “biên tập” kỹ càng hơn.
Nếu như trước đây, lúc mà internet chưa có, mạng xã hội chưa xuất hiện thì khi giáo viên được nhà trường phân công hay tự nguyện đăng ký viết sáng kiến kinh nghiệm thường tự mình viết, chuyện xin xỏ của giáo viên địa phương này với địa phương khác cũng ít xảy ra.
Nhưng khoảng chục năm nay, khi mà internet phát triển mạnh mẽ thì tình trạng sao chép sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên trở nên khá phổ biến. Nhiều thầy cô chỉ cần lên mạng tải vài sáng kiến cùng chủ đề rồi về “cắt, dán” ghi tên tuổi, đơn vị công tác là thành đề tài của mình rồi đem nộp.
Nhưng, thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội của giáo viên đã xuất hiện khá bổ biến việc bán, mua công khai sáng kiến kinh nghiệm.
Có nhiều thầy cô giáo đã trở thành những “nhà viết sáng kiến” chuyên nghiệp, họ chào bán công khai tên đề tài, ý tưởng. Nếu ai cần thì liên hệ và họ sẽ cho ra đời những sáng kiến kinh nghiệm.
Nhiều giáo viên ở các nhà trường bây giờ không gọi là sáng kiến kinh nghiệm nữa mà gọi chệch ra thành “sáng kiến…kinh ngạc”!
Bởi, chỉ cần bỏ ra một chút tiền là có một đề tài theo ý muốn, có thể làm cho Ban giám khảo các cấp tâm đắc, thích thú và có thể được xếp giải cao. Những sáng kiến này có khi “lừa” được cả ban giám khảo cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh.
Và, có cả người đăng tin hỏi mua sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh: L.M) |
Những năm qua, khi giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì đương nhiên sẽ có nhiều quyền lợi sẽ đi kèm.
Họ được xét chiến sĩ thi đua cơ sở, được xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đề nghị xét bằng khen các cấp, được đề nghị xét tăng lương trước thời hạn.
Lạ ở chỗ là hàng chục năm nay, dù đã thay đổi nhiều văn bản hướng dẫn xếp loại đánh giá giáo viên, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, xét thi đua…thì sáng kiến kinh nghiệm vẫn thường được xếp ở tiêu chí ưu tiên cao nhất.
Không có sáng kiến kinh nghiệm thì giáo viên có cố gắng như thế nào chăng nữa, có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện cũng không đủ điều kiện để xét chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, không được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nếu không được xét chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, không được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì tất nhiên giáo viên đừng mơ những danh hiệu cao, đừng mơ chuyện tăng lương trước hạn…
Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã có những thay đổi kể từ năm học này
Nếu như trước đây, theo hướng dẫn của Nghị định 56 và Nghị định 88/NĐCP về đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức thì những giáo viên muốn được xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có sáng kiến kinh nghiệm.
Người bán rất nhanh nhạy với những đề tài mới (Ảnh: L.) |
Tuy nhiên, Nghị định 90/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/8/2020 đã không còn yêu cầu xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có sáng kiến kinh nghiệm nữa.
Điều này cũng đồng nghĩa là từ năm học 2020-2021 này, giáo viên có thể được xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không cần phải có sáng kiến kinh nghiệm.
Thế nhưng, muốn được xếp loại chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở trở lên thì bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm. Cụ thể, tại mục 3, Điều 9, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
“a) Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
b) Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.
Tỉ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn quy định cho phù hợp, nhưng không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.
Căn cứ vào hướng dẫn này, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện, ngành giáo dục địa phương cũng có những hướng dẫn phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được xét những danh hiệu cao.
Mấu chốt ở chỗ nếu giáo viên đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên thì mới có những quyền lợi thiết thực, được khen thưởng, được xét tăng lương trước hạn và cũng làm cơ sở để xét các danh hiệu thi đua cao hơn.
Vì thế, nói gì thì nói, sáng kiến kinh nghiệm vẫn luôn đứng đầu các phong trào thi đua hiện nay. Có sáng kiến kinh nghiệm mới có quyền lợi…
Chỉ tiếc, trong số những thầy cô viết sáng kiến kinh nghiệm, có những người thực tâm viết, viết bằng trách nhiệm, viết bằng nhiệt huyết để chia sẻ với đồng nghiệp và những thành quả đó được thể hiện rõ trong hiệu quả công việc được giao.
Thế nhưng, bên cạnh đó thì cũng có những thầy cô sẵn sàng bỏ ra một chút kinh phí để mua sáng kiến kinh nghiệm trên mạng xã hội để mưu cầu danh lợi.
Việc bán mua sáng kiến kinh nghiệm công khai hiện nay có rất nhiều, nhưng có thể nhiều nhất là trang facebook của giáo viên các môn xã hội. Ở đó, có rất nhiều giáo viên “viết sáng kiến kinh nghiệm chuyên nghiệp” đang công khai chào bán trong nhiều năm qua và họ liên tục đăng tin chào bán.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.