Không thống nhất quản lý, có nơi một cuốn học bạ GV mất công làm đến 3 lần

15/03/2023 06:34
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất cách thức quản lý sổ điểm, học bạ điện tử trong toàn ngành.

Sử dụng học bạ điện tử cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, tăng tính công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ điện tử cũng giúp nhà trường dễ dàng quản lý điểm số của học sinh, giảm áp lực công việc cho giáo viên và thuận lợi cho việc quản lý học sinh chuyển đi, chuyển đến.

Học bạ của học sinh, giáo viên vừa in học bạ điện tử dán vào, vừa phải viết tay (Ảnh tác giả)
Học bạ của học sinh, giáo viên vừa in học bạ điện tử dán vào, vừa phải viết tay (Ảnh tác giả)

Tuy nhiên, tại một số địa phương hiện nay, việc sử dụng học bạ cho học sinh vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khi mỗi địa phương lại quy định một kiểu.

Có nơi giáo viên được sử dụng học bạ điện tử, nơi lại chỉ dùng học bạ giấy, thậm chí có nơi lại bắt buộc giáo viên cùng lúc phải sử dụng cả học bạ giấy và học bạ điện tử.

Thiếu sự đồng bộ nên giáo viên mất nhiều thời gian hơn

Năm học 2017-2018, chúng tôi được chỉ đạo từ năm học này nhà trường sẽ dùng học bạ điện tử. Thời điểm đó, sau khi giáo viên làm xong học bạ trên hệ thống Vnedu, chỉ cần in ra là mỗi học sinh đã có một cuốn học bạ.

Mỗi năm, giáo viên lớp trên cũng chỉ cần in một tờ học bạ rồi kẹp vào để lưu giữ. Sau 5 năm học, nhà trường sẽ đóng tập lại thành một cuốn.

Sự đổi mới này đã giải phóng cho chúng tôi khá nhiều thời gian, công sức, chỉ mất công ghi phê học bạ một lần trên hệ thống mà không còn phải mất mấy ngày ngồi miệt mài ghi đánh giá ở học bạ giấy.

Tuy thế, niềm vui chẳng tày gang. Chỉ sau năm học ấy, nhà trường lại yêu cầu giáo viên đồng thời phải hoàn thành luôn 2 cuốn học bạ giấy và điện tử. Đến đây, chỉ là cuốn học bạ nhưng giáo viên phải mất công đến 3 lần.

Lần thứ nhất là hoàn thành học bạ điện tử trên phần mềm. Lần 2 là tải xuống và in học bạ ra dán vào cuốn học bạ giấy. Lần 3 là viết lại học bạ giấy.

Sau những thắc mắc của giáo viên, nhà trường trả lời là do năm học vừa qua, học sinh trường mình chuyển trường ra mấy tỉnh phía Bắc, nơi tiếp nhận không đồng ý học bạ điện tử.

Điều này khiến gia đình học sinh chuyển trường đã phải mất thời gian, công sức về lại trường cũ yêu cầu nhà trường làm lại học bạ giấy.

Không riêng việc sử dụng và quản lý học bạ điện tử thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong cả nước mà việc quản lý học sinh chuyển đi, chuyển đến trên phần mềm Vnedu cũng mỗi nơi mỗi khác, gây khó khăn không chỉ cho nhà trường mà cho cả phụ huynh.

Không ít lần, trường học nơi tôi công tác đã phải nhờ giáo viên chủ nhiệm, thông báo cho một số phụ huynh có con chuyển trường về liên hệ với trường học cũ đề nghị họ chuyển hồ sơ, lý lịch của học sinh trên hệ thống Vnedu để nhà trường làm thủ tục tiếp nhận.

Người viết đã không ít lần trực tiếp liên hệ với trường học cũ của học sinh và nhận được câu trả lời trường học nơi ấy vẫn chưa được chỉ đạo làm như vậy. Khi đó, giáo viên lại phải ngồi vào máy làm thủ công là tự nhập lý lịch của các em vào trong phần mềm quản lý. Trong khi đó, bên chuyển đi chỉ cần một cú nhấp chuột là xong.

Cần một sự chỉ đạo thống nhất

Hiện nay, gần như tất cả các trường học trong cả nước đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy và quản lý học sinh.

Tuy nhiên, thiếu sự quy định đồng bộ từ trên xuống nên mỗi địa phương vẫn làm mỗi cách, tạo khá nhiều áp lực cho giáo viên và gây khó khăn trong việc quản lý học sinh chuyển đi, chuyển đến.

Muốn thực hiện tốt việc sử dụng học bạ điện tử, giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả quản lý, điều đầu tiên phải thực hiện việc đồng bộ giữa các địa phương trong cả nước, tránh mỗi nơi làm một khác gây khó dễ cho nhà trường cũng như gia đình mỗi học sinh.

Mong mỏi của nhiều trường học cũng như của tất cả giáo viên hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành một cách thống nhất cách thức quản lý sổ điểm, học bạ điện tử trong toàn ngành.

Có thế, mới tạo sự đồng bộ giữa các địa phương, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số cho toàn ngành giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên