Không tìm thấy 3 công khai, Trường Đại học Việt Nhật lý giải do website cập nhật

23/04/2024 06:10
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo TS. Nguyễn Hoàng Oanh, hàng năm nhà trường đều đăng tải báo cáo 3 công khai nhưng do website cập nhật nên có thời điểm không tìm thấy nội dung.

Trường Đại học Việt Nhật, thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 21/7/2014. Theo thông tin đăng tải trên website, trường được 2 Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản hợp tác thành lập, có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu về kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và khoa học liên ngành phục vụ phát triển bền vững; thúc đẩy chuyển giao tri thức giữa Việt Nam và Nhật Bản để phụng sự xã hội.

Trường Đại học Việt Nhật lý giải nguyên nhân không tìm thấy báo cáo 3 công khai

Theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ sở giáo dục và đào tạo phải công khai trên trang thông tin điện tử của mình vào tháng 6 hằng năm đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan hoặc niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục và đào tạo đảm bảo thuận tiện để xem xét.

Tuy nhiên, khi phóng viên truy cập vào website nhà trường đầu năm 2024 không tìm thấy nội dung báo cáo 3 công khai của năm học nào.

3-cong-khai.jpg
Đầu năm 2024, khi truy cập website nhà trường không tìm thấy dữ liệu báo cáo 3 công khai. (Ảnh chụp màn hình)

Lý giải về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Oanh - Phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường cho hay:

“Hàng năm Trường Đại học Việt Nhật (VJU) vẫn cập nhật đầy đủ báo cáo 3 công khai trên website của VJU (Điều kiện đảm bảo chất lượng - Vietnam Japan University (vju.ac.vn)). Đầu năm 2024, trường thực hiện nâng cấp website. Ở website cũ, báo cáo ba công khai được đưa vào phần giới thiệu về VJU. Trên website mới, báo cáo này được đưa vào mục Đảm bảo chất lượng. Có thể tại thời điểm phóng viên truy cập, website đang được update nên không tìm thấy báo cáo”.

Sau khi phản ánh, phóng viên truy cập vào website của Trường Đại học Việt Nhật đã thấy nội dung báo cáo 3 công khai các năm học của trường trong mục Đảm bảo chất lượng.

Về quy mô đào tạo, theo báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023, quy mô đào tạo của trường có xu hướng tăng.

Ở bậc sau đại học, năm học 2021-2022, nhà trường đào tạo 100 học viên thạc sĩ. Năm học 2022-2023, số học viên thạc sĩ tăng lên 127 người (tương đương tăng 27%).

Ở trình độ đại học, năm học 2022-2023, nhà trường đào tạo 301 sinh viên hệ đại học chính quy, tăng 149 sinh viên (tương đương tăng 102%) so với năm học 2021-2022.

Về số sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm ra trường, theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Oanh, đối với bậc đại học, do trường mới chính thức triển khai đào tạo bậc đại học từ năm 2020 nên đến nay chưa có khóa sinh viên nào tốt nghiệp.

Capture.JPG
Quy mô đào tạo 2 năm học gần nhất được nhà trường báo cáo.

Đối với bậc sau đại học, năm học 2021-2022, Trường Đại học Việt Nhật có tất cả 45 học viên tốt nghiệp. Trong đó, ngành Kỹ thuật môi trường có tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường đạt 80%. Các ngành còn lại tỷ lệ này đều đạt 100%.

Năm học 2022-2023, trường có 81 học viên tốt nghiệp (tăng 36 học viên so với năm học 2021-2022). Tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường đạt từ 83,3-100%. Trong đó, các ngành Thạc sĩ Chính sách công, Thạc sĩ Kỹ thuật xây dựng, Thạc sĩ Khu vực học, tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường đạt 100%.

Theo Phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường, trong số hơn 300 học viên đã tốt nghiệp, tỉ lệ học viên cao học sau khi tốt nghiệp có học bổng để đi học tiếp tiến sĩ tại Nhật Bản và các nước tiên tiến khác rất cao (khoảng hơn 20%). Hàng năm, Chính phủ Nhật luôn ưu tiên dành một số suất học bổng Chính phủ cho học viên tốt nghiệp tại VJU.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng nhanh

Theo báo cáo 3 công khai hai năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023, số lượng giảng viên cơ hữu của trường tăng ở tất cả các chức danh/ trình độ.

Capture-1.JPG
Số lượng giảng viên cơ hữu của trường có xu hướng tăng.

Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy năm học 2021-2022 nhà trường có tất cả 59 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 15 giáo sư (chiếm 25,4%), 11 phó giáo sư (chiếm 18,6%), 27 tiến sĩ (chiếm 45,8%), 6 thạc sĩ (chiếm 10,2%).

Năm học 2022-2023, tổng số giảng viên cơ hữu của trường tăng lên 94 thầy cô (tăng 35 người, tương đương tăng 59,3%) so với năm học 2021-2022. Cụ thể, năm học này nhà trường có 34 giáo sư (chiếm 36,2%), 17 phó giáo sư (chiếm 18,1%), 36 tiến sĩ (chiếm 38,3%), 7 thạc sĩ (chiếm 7,4%).

Đáng chú ý, số lượng giáo sư, phó giáo sư của trường tăng tương đối nhanh. Theo đó, năm học 2022-2023 nhà trường tăng 19 giáo sư (tương đương tăng 126,7% so với năm học 2021-2022). Tương tự với chức danh phó giáo sư, nhà trường cũng tăng 6 thầy cô (tương đương tăng 54,5%) so với năm học trước

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Oanh, trường có quy chế tổ chức hoạt động đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo quy chế đó, các giảng viên do phía Nhật Bản phái cử đến giảng dạy, nghiên cứu tại VJU được tính vào đội ngũ giảng viên để mở ngành và duy trì chương trình đào tạo. Vì vậy, số liệu công bố bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư của trường và nhiều thầy cô được phái cử từ các trường đại học Nhật Bản đang đồng điều phối các chương trình đào tạo với VJU (Đại học Tokyo, Đại học Waseda,…) phái cử sang Trường Đại học Việt Nhật.

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022, tỷ lệ diện tích đất/sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật là 2,352 m2/sinh viên; tỷ lệ diện tích sàn/sinh viên của trường là 6,704 m2/sinh viên.

Năm học 2022-2023, báo cáo 3 công khai ghi nhận tỷ lệ diện tích đất/sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật là 2,182 m2/sinh viên; tỷ lệ diện tích sàn/sinh viên là 20,3 m2/sinh viên.

dien-tich-dat.jpg
Tỷ lệ diện tích đất, diện tích sàn trên sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật 2 năm gần nhất được báo cáo.

Theo Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024 (bắt đầu tiến hành báo cáo từ năm 2025) quy định:

Tiêu chí 3.1. Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.

Tiêu chí 3.2. Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8 m2; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.

Lý giải với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Oanh cho biết: “Đối với vấn đề này, do chuyển đổi chưa hết giữa số liệu văn bản tiếng Anh sang số liệu văn bản tiếng Việt nên dấu phẩy/dấu chấm thập phân chưa thống nhất, gây ra hiểu lầm đáng tiếc cho phóng viên. Thực tế, trường đã được giao 75 ha đất tại Hòa Lạc từ năm 2014 và thêm cơ sở vật chất tại khu HT1 từ năm 2022, 19 ha khu QGHN04 từ năm 2023. Hiện tại, trường đã nghiêm túc rà soát và đính chính lại số liệu trong báo cáo 3 công khai công bố trên website.

Theo đó, năm học 2021-2022, tỷ lệ diện tích đất/sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật là 3.023,6 m2/sinh viên; tỷ lệ diện tích sàn/sinh viên của trường là 16,2 m2/sinh viên. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ diện tích đất/sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật giảm còn 2.196,3 m2/sinh viên nhưng tỷ lệ diện tích sàn/sinh viên lại tăng lên mức 28,0 m2/sinh viên do có nhiều công trình hạ tầng mới được đưa vào sử dụng. Với con số này, có thể nói, Trường Đại học Việt Nhật là 1 trong số ít các cơ sở đào tạo của Việt Nam có bố trí chỗ ngồi làm việc cho 100% cán bộ cơ hữu của trường.

Ngoài ra, là thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, trường cũng được sử dụng cơ sở vật chất dùng chung của toàn Đại học Quốc gia Hà Nội cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Trong báo cáo trên chưa tính các cơ sở vật chất dùng chung này. Thực tế với cơ sở vật chất của Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc, sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật đã được có những trải nghiệm chưa có ở bất kỳ trường đại học nào ở Việt Nam như được học golf ở học phần Giáo dục thể chất ngay trong khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Một điểm cuối cùng về vấn đề này, hiện tại, trường đang tích cực phối hợp với các bên có liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng khuôn viên mới của trường tại Hòa Lạc. Dự án này sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm học 2028-2029”.

thay-oanh.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Oanh - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Việt Nhật. (Ảnh: website nhà trường)

Cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Việt Nhật

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022, tổng thu năm học 2021-2022 của Trường Đại học Việt Nhật là 27,265 tỷ đồng. Trong đó thu từ ngân sách là 7,558 tỷ đồng (chiếm 27,7%); thu từ học phí là 12,214 tỷ đồng (chiếm 44,8%); thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 1,483 tỷ đồng (chiếm 5,4%); thu từ nguồn thu hợp pháp khác là 0,01 tỷ đồng (chiếm 0,1%); thu từ tài trợ học bổng, hỗ trợ học tập, nghiên cứu từ các tổ chức, cá nhân Nhật Bản (bao gồm cả hiện vật thiết bị) là 6 tỷ đồng (chiếm 22%). Năm học này nhà trường có 12 hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn.

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, các nguồn thu của trường từ ngân sách; học phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; và nguồn tài trợ học bổng, hỗ trợ học tập, nghiên cứu từ các tổ chức, cá nhân Nhật Bản (bao gồm cả hiện vật thiết bị) lần lượt là 7,558; 18,184; 1,443 và 2,755 tỷ đồng. Số liệu trong báo cáo có sự tăng đột biến về các nguồn thu hợp pháp khác (830 tỷ đồng). Năm học này nhà trường có 28 hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn.

Lý giải về việc các nguồn thu hợp pháp khác tăng đột biến tới 830 tỷ đồng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Oanh cho biết: “Con số 830 tỷ đồng từ nguồn thu hợp pháp khác trong báo cáo đang bị nhầm đơn vị do để cùng các con số có đơn vị tỷ đồng. Con số chính xác chỉ là 830 triệu đồng. Tổng nguồn thu (chỉ tính phía Việt Nam) của trường năm học 2022 - 2023 đạt mức 30,77 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ thu từ từ ngân sách; học phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn tài trợ học bổng, hỗ trợ học tập, nghiên cứu từ các tổ chức, cá nhân Nhật Bản; và các nguồn thu hợp pháp khác lần lượt là 24,5%; 59,1%; 4,7%, 9,0% và 2,7%.

co-cau1.jpg
Cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Việt Nhật qua các năm.

Số liệu tài chính này chưa bao gồm nguồn tài chính hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản cho vận hành tại Việt Nam (chiếm khoảng 50% chi phí vận hành trường) và các chi phí của Trường Đại học đối tác Nhật Bản để phái cử giảng viên. Đây là nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản do JICA trực tiếp quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo cho nhà trường theo các tiêu chuẩn Nhật Bản.

Nhật Lệ