Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện kiểm tra 1 tiết bằng đề chung tại 23 trường trung học cơ sở trên địa bàn.
Đây là một cách làm mới của ngành giáo dục địa phương này nên bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì cũng còn nhiều quan điểm lo ngại cho rằng, phương án này làm gia tăng áp lực thi cử cho cả giáo viên và học sinh.
Giáo viên lại gánh thêm việc
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi thì chủ trương này đã được áp dụng trước đó tại một số trường học.
Việc kiểm tra 1 tiết bằng đề chung được nhiều trường triển khai công phu như kiểm tra giữa kỳ. Ảnh: AP |
Qua đánh giá, xét thấy đây là phương án hay, tạo cơ sở để đánh giá chất lượng dạy – học một cách công bằng, đúng bản chất nên có thông báo gửi đến các trường triển khai.
Về phương án thực hiện thì tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của từng trường để có phương pháp triển khai linh hoạt, hiệu quả.
“Trước mắt là triển khai kiểm tra 1 tiết bằng đề chung đối với các môn như: Toán – Văn. Sau đó, có thể làm thêm các môn khác như: Tiếng Anh, Lý, Hóa...”, đại diện phòng giáo dục cho hay.
Sáng kiến kiểm tra 1 tiết bằng đề chung cho các trường để ngăn dạy thêm |
Mới đây, hơn 1.500 học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Nghiêm (thành phố Quảng Ngãi) đã làm bài kiểm tra 1 tiết môn tiếng Anh bằng đề chung. Hai môn Tiếng Anh và Toán sẽ được trường tổ chức thí điểm kiểm tra chung trong học kỳ 1.
Khác với các kỳ kiểm tra trước, tất cả học sinh trong khối làm bài kiểm tra chung 1 đề thay vì mỗi lớp 1 đề như trước đây. Đề thi được bốc ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi của Tổ bộ môn.
Khâu làm bài và chấm bài thi được thực hiện như kỳ thi cuối kỳ với các công đoạn như: rọc phách, chấm chéo...
Kết thúc kỳ thi, nhà trường đã ghi nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía phụ huynh và học sinh.
Phần lớn học sinh cho rằng, đề kiểm tra phù hợp với khả năng học tập hàng ngày, không có nhiều áp lực như các kỳ kiểm tra trước đây.
Tuy nhiên, một số giáo viên bộ môn Tiếng Anh của nhà trường cũng nhìn nhận phương án này tốt nhưng đang gây ra nhiều áp lực cho giáo viên.
Bởi thực tế một học kỳ có nhiều bài kiểm tra 1 tiết nên giáo viên phải “gánh” thêm việc coi thi, rọc phách, ráp phách, chấm thi, tổng hợp điểm...
“Giảm áp lực, tạo công bằng, ngăn nạn dạy thêm trái phép”
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Minh Hiền – phụ trách chuyên môn khối Trung học cơ sở (thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi) cho biết, mục đích của phương pháp này là tạo ra sự công bằng trong kiểm tra, đánh giá và xếp loại học sinh cũng như đánh giá chất lượng giảng dạy của người thầy.
Ý tưởng chung đề kiểm tra 1 tiết, sẽ chỉ có vài người chịu trách nhiệm |
Theo ông Hiền, mặt tích cực của phương pháp này là hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
“Trước đây, các đề kiểm tra do giáo viên đứng lớp ra đề nên xảy ra trường hợp học sinh đi học thêm thì được ôn thi các dạng bài gần với đề thi, còn học sinh không đi học thêm thì không được ôn đúng trọng tâm, trọng điểm.
Học sinh đi học thì chăm chăm đi học thêm ở các thầy cô giáo dạy mình, làm bài kiểm tra rất tốt nhưng khi đi thi thì kết quả không cao. Điều này gây ra tình trạng không công bằng trong đánh giá chất lượng học sinh”.
Giải thích về những vướng mắc của giáo viên cho rằng, phương án này khiến giáo viên “gánh” thêm công việc, ông Hiền cho rằng, hiểu như vậy là không đúng.
Bởi chủ trương của Phòng là các trường tùy theo điều kiện để triển khai, không bắt buộc phải rọc phách, ráp phách... mà có thể dùng đề kiểm tra chung đó thực hiện các quy trình như trước đây.
“Hơn nữa, định mức lao động của giáo viên mỗi tuần là 19 tiết dạy. Nhưng tại một số trường, có nhiều giáo viên chưa đủ số tiết dạy đó thì điều động đi coi thi 1-2 buổi. Cái đó là do giáo viên ngại khó thôi chứ không ảnh hưởng gì”, ông Hiền nói.
Nói về mặt tích cực của phương án dùng chung đề kiểm tra 1 tiết, ông Hiền cho rằng, nó giúp thầy cô giáo dạy đúng với trách nhiệm, dạy đúng chương trình, đúng chuẩn kiến thức.
Những đề kiểm tra từ ngân hàng đề mang tính khái quát, không nặng ở chương này mà nhẹ ở chương kia nên đòi hỏi giáo viên phải dạy đúng chương trình, còn học sinh phải nắm được kiến thức cơ bản, tránh chuyện học tủ, học lệch…
“Phương án này cũng sẽ đánh giá phần nào năng lực của giáo viên dạy. Bởi mỗi lần kiểm tra 1 tiết, anh thấy cùng 1 đề thi đó mà các lớp khác làm tốt hơn lớp mình đứng dạy thì cần phải thay đổi, điều chỉnh lại cách dạy, bài giảng… của mình.
Đó là một hình thức để đánh giá ngược giáo viên”, ông Hiền cho hay.