Kiểm tra hồ sơ sổ sách, dự giờ là “bảo bối” để "hành" cấp dưới của 1 số cấp trên

17/12/2022 06:38
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chú trọng quá mức đến hồ sơ sổ sách hay dựa vào 1 tiết dạy để đánh giá giáo viên là việc làm hình thức. Điều này có thể làm nảy sinh tình trạng đối phó.

Trong thực tế giảng dạy, giáo viên không sợ bị dự giờ, không sợ bị kiểm tra hồ sơ sổ sách chỉ sợ bị “soi”, bị bắt bẻ, đặc biệt nếu người kiểm tra lại có thành kiến với người bị kiểm tra thì dù hồ sơ có đẹp đến mức nào, tiết dạy có tốt đến bao nhiêu vẫn bị góp ý như thường.

Hồ sơ sổ sách vẫn luôn là nỗi ám ảnh giáo viên (Ảnh minh họa: Thuvienphapluat.vn)Hồ sơ sổ sách vẫn luôn là nỗi ám ảnh giáo viên (Ảnh minh họa: Thuvienphapluat.vn)

Khi hồ sơ sổ sách bị phê sai sót nhiều, khi giờ dạy bị xếp loại trung bình, thậm chí không đạt yêu cầu thì dù giáo viên ấy có được phụ huynh tín nhiệm đến đâu, được học sinh yêu quý đến thế nào, chất lượng học tập của học sinh lớp giáo viên đang giảng dạy được nâng cao thì việc xếp loại của giáo viên ấy vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều.

Xếp loại hồ sơ sổ sách, xếp loại giờ dạy sẽ quyết định đến việc xếp loại giáo viên của năm.

Nếu mình soạn bài cẩn thận, giảng dạy chu đáo thì có điều gì phải lo sợ?

Hồ sơ sổ sách và tiết dạy của giáo viên dù được chuẩn bị cẩn thận, kỹ càng đến đâu mà ai đó muốn soi cũng sẽ có muôn ngàn lý do để nói.

Nào là, giáo án chưa thể hiện rõ nội dung phương pháp giảng dạy, còn soạn sơ sài, phần củng cố chưa cụ thể…hay tiết dạy phân bố thời gian chưa hợp lý, các câu hỏi chưa phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh, đưa câu hỏi lúc đó chưa phù hợp, chưa bao quát lớp khi dạy…

Vì điều này, nhiều giáo viên đã không dám làm điều gì đó trái ý với lãnh đạo. Cũng như nắm được tâm lý giáo viên nên một số lãnh đạo cũng sử dụng lợi thế quyền kiểm tra của mình để để "răn đe" những ai không cùng chí hướng.

Một đồng nghiệp của chúng tôi tại một tỉnh miền Trung cho biết, cô luôn được đồng nghiệp đánh giá là vững chuyên môn, cô cũng vốn là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Tuy nhiên, trong đợt thanh tra về trường, người dự giờ cô lại chính là vị hiệu trưởng cũ vốn có hiềm khích với cô.

Sau tiết dạy, cô bị hiệu trưởng xếp không đạt yêu cầu với khá nhiều lý do dù vô lý nhưng cô cũng không thể cãi được.

Không chỉ uy tín của cô bị hạ thấp mà việc xếp loại công chức cuối năm cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Thế là, bao công sức phấn đấu đã đổ sông đổ biển.

Một đồng nghiệp dạy cùng với người viết, cô vốn là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhiều năm, là tổ trưởng chuyên môn có năng lực, luôn nằm trong ban giám khảo của nhà trường ở các Hội thi giáo viên giỏi.

Lần thanh tra về trường năm ấy, một vị lãnh đạo (mà trước đó tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thị xã bị rớt) đã vào dự giờ cô. Tiết dạy của cô cùng với hồ sơ sổ sách (đã được nhà trường xếp loại tốt) bị chê tơi tả. Dù những ý kiến góp ý của họ đưa ra đều bị cô phản đối, tuy nhiên kết quả xếp loại vẫn không thay đổi.

Có trăm ngàn điều để soi hồ sơ sổ sách. Cũng hồ sơ sổ sách ấy, cũng cách làm ấy nhưng với người kiểm tra này sẽ được khen nhưng với người kiểm tra khác sẽ còn nhiều thiếu sót. Một số người với vai trò “cầm cân nảy mực” nhưng lại luôn đặt cái tôi của mình vào đấy dẫn đến kết quả đánh giá thiếu khách quan.

Năm ấy trường chúng tôi được thanh tra toàn diện. Sau 3 ngày thanh tra, hồ sơ sổ sách và tiết dạy của giáo viên, ngoài một số lưu ý nhỏ để rút kinh nghiệm thì trường chúng tôi được khen rất nhiều.

2 năm sau nhà trường tiếp tục được thanh tra chuyên đề. Cũng trưởng đoàn thanh tra ấy nhưng hiệu trưởng trường chúng tôi lại là một người khác. Ngày đoàn thanh tra công bố kết quả của 2 ngày làm việc, thật sự là một ngày buồn đối với cả trường. Bởi, lời khen thì ít mà lời chê bai lại rất nặng nề.

Chê từ hồ sơ tổ chuyên môn sơ sài, chê tiết dạy của nhiều giáo viên chưa thật sự đổi mới, còn dạy theo lối cũ, chê luôn cả hồ sơ của nhà trường còn nhiều thiếu sót.

Chúng tôi chỉ thắc mắc, hồ sơ cá nhân, hồ sơ tổ chuyên môn, hồ sơ sổ sách của nhà trường mới 2 năm trước còn được khen mà bây giờ vẫn bị chê tơi tả (mặc dù, chúng tôi đã phát huy những mặt được biểu dương và khắc phục những tồn tại).

Cũng như những tiết dạy dự giờ đã được các thầy cô đầu tư, chuẩn bị kỹ càng nhưng vẫn không thể làm vừa lòng vị trưởng đoàn thanh tra lúc ấy.

Khi giáo viên, nhà trường bị chê nhiều quá, cô giáo H. (một thanh tra viên đoàn thanh tra) cũng thổ lộ rằng, bản thân mình cũng lấy làm lạ vì lần này mọi thứ (tiết dạy và hồ sơ) của trường có phần trội hơn 2 năm về trước nhưng không hiểu sao trưởng đoàn lại có nhiều nhận xét không vừa lòng với nhà trường như thế?

Sau này, hiệu trưởng của chúng tôi đã nói với cả trường rằng xin lỗi các thầy cô, vì tôi mà các thầy cô bị vạ lây.

Nghe hiệu trưởng giãi bày, chúng tôi mới vỡ lẽ. Vị trưởng đoàn thanh tra rất không ưa hiệu trưởng, hai người đã có những hiềm khích, hiểu lầm từ trước mà không thể dung hòa. Vì thế, bất kỳ điều gì của trường chúng tôi làm dù tốt đến đâu cũng sẽ bị góp ý, bắt bẻ với những lời lẽ khá nặng nề.

Sao không lấy chất lượng học sinh làm thước đo?

Hiện nay, ở nhiều địa phương vẫn đang đặt nặng việc kiểm tra, thanh tra toàn diện nhà trường mà tập trung nhiều nhất là việc kiểm tra hồ sơ sổ sách và dự giờ thăm lớp giáo viên.

Vì điều này, mỗi khi trường nào đó bị thanh tra về, không chỉ giáo viên mà cả nhà trường đều tập trung sức lực để chăm chút cho từng trang giáo án, từng bộ hồ sơ sao cho hoàn chỉnh nhất, đẹp nhất. Cũng như, chuẩn bị từng tiết dạy sao cho hoàn hảo nhất để không bị bắt bẻ.

Chúng tôi cũng hiểu rằng, mọi hoạt động giáo dục không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy thế, việc chú trọng quá mức đến hồ sơ sổ sách hay dựa vào 1 tiết dạy để đánh giá cả một quá trình giảng dạy của thầy cô chính là một việc làm hình thức. Điều này, đã làm cho tình trạng đối phó trong ngành giáo dục càng tăng cao.

Cùng với đó là việc một số nhà quản lý đã dùng quyền kiểm tra của mình như một “bảo bối” để triệt tiêu tinh thần đấu tranh trong ngành giáo dục.

Đơn giản hóa hồ sơ sổ sách, bỏ dần việc dự giờ đánh giá tiết dạy như bao năm qua. Muốn kiểm tra giáo viên cần tập trung vào chất lượng học tập của học sinh mới là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tốt nhất hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên