Năm học 2022-2023 là năm thứ ba triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nhưng giáo viên vẫn còn ngổn ngang trong việc dạy học các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở, kế hoạch dạy học và hồ sơ sổ sách.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều văn bản, công văn hướng dẫn giảm tải hồ sơ sổ sách, ứng dụng hồ sơ điện tử nhưng ở cơ sở vẫn chưa thể triển khai và ứng dụng để giảm áp lực cho giáo viên.
Hướng đến chuyển đổi số trong giáo dục để giảm tải cho giáo viên. Ảnh minh họa: Phạm Linh |
Áp lực lớn khi giáo viên phải làm đến hàng chục loại hồ sơ ngoài quy định, hội họp liên miên
Một trong những nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc trong thời gian vừa qua đó là áp lực công việc cao, nhiều công việc không tên nhiều như hồ sơ sổ sách, hội họp liên miên,…
Theo khoản 2 Điều 21 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường tiểu học, giáo viên tiểu học phải thực hiện các loại hồ sơ sau đây:
“2. Đối với giáo viên
a) Kế hoạch bài dạy.
b) Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh.
c) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm).
d) Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).
Tại Khoản 3 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường phổ thông quy định hồ sơ của giáo viên, tổ chuyên môn trường trung học cơ sở, trung học phổ thông gồm:
3. Đối với giáo viên:
a) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).
b) Kế hoạch bài dạy (giáo án).
c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.
d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).”
Như vậy, quy định của Bộ Giáo dục và Đào giáo viên thực hiện từ 3-4 loại hồ sơ nhưng hiện nay tại các địa phương chưa thực hiện đúng hướng dẫn trên.
Giáo viên một số nơi phải thực hiện thêm hàng loạt hồ sơ ngoài quy định như: Sổ dự giờ; Sổ hội họp tổ; Sổ họp hội đồng; Sổ bồi dưỡng thường xuyên; Sổ chuyên đề; Sổ báo giảng; Sổ họp chuyên môn; Sổ tay văn học; Sổ khuyết tật (nếu dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập); Sổ bồi dưỡng học sinh chưa đạt chuẩn; Sổ đầu bài; Sổ bồi dưỡng thường xuyên,...
Nhiều địa phương chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý, chưa số hóa các loại hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy khiến giáo viên áp lực, mệt nhoài.
Bên cạnh đó, việc hội họp liên miên cũng khiến giáo viên vô cùng vất vả, áp lực, tốn thời gian.
Theo quy định hiện nay, định kỳ mỗi tháng giáo viên dự ít nhất 2 lần họp tổ chuyên môn, 1 lần họp hội đồng sư phạm.
Nhưng tại các trường, giáo viên phải họp tần suất dày đặc, đầu năm thì họp lãnh đạo, họp tổ dự kiến phân công chuyên môn, đến họp soạn giáo án, họp soạn kế hoạch giảng dạy, họp chuyên đề, họp xét nâng lương thường xuyên, trước hạn, họp chi bộ (nếu là đảng viên), họp thi đua, khen thưởng, họp tiếp đoàn kiểm tra, họp phân công tổ chức các ngày 5/9, 20/11, 8/3,…
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tần suất họp còn dày đặc hơn do xuất hiện nhiều môn mới, nội dung mới cần thống nhất như ra đề kiểm tra, đánh giá hay thống nhất dạy các môn tích hợp,…
Thực tế, theo người viết, nhiều cuộc họp là không cần thiết, mang tính chất thông báo, chỉ cần truyền tải thông tin trên mail, zalo hoặc văn phòng điện tử không cần phải tổ chức cuộc họp.
Có giáo viên phải di chuyển 20-30km đến dự họp xong chỉ nghe thông báo rồi phải chạy về, rất vô lý trong giai đoạn công nghệ số hiện nay.
Có giáo viên in đến hàng ngàn trang giáo án, hồ sơ mỗi năm
Ngày 18/01/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường. Theo đó, Chỉ thị 138 đã hướng dẫn như sau:
“1. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.
Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.
Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo Điều 8 Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Điều 8 Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông”.
Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học đã cụ thể hóa việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, cho phép các địa phương được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy.
Hướng dẫn để chuyển đổi số, sử dụng hồ sơ điện tử đã có nhưng nhiều địa phương vẫn yêu cầu giáo viên phải thực hiện hồ sơ giấy vất vả, tốn kém, đi ngược chủ trương số hóa của Bộ.
Kế hoạch theo Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định bắt buộc ở khối lớp 6, 7, các khối 8, 9 chỉ khuyến khích.
Nhưng khi triển khai họp chuyên môn, một số trường đã yêu cầu các khối lớp đều thực hiện theo công văn 5512 trên vì lớp 8, 9 dù học theo chương trình 2006 nhưng đến lớp 10 sẽ phải học theo chương trình 2018 nên áp dụng luôn để các em quen dần.
Thực hiện theo Công văn 5512, các kế hoạch đều dài lê thê, nhất là phụ lục 4 (kế hoạch bài dạy) mà giáo viên bắt buộc phải thực hiện.
Người viết được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên 7, Vật lý 8, Vật lý 9 thì chỉ riêng kế hoạch bài dạy theo phụ lục 4 của công văn 5512 một năm học đã hơn 1500 trang giấy.
Đó là chưa kể phụ lục 3 của các môn trên, mỗi môn phải in ra 3 bản giấy để nộp và lưu trữ cho ban giám hiệu 1 bản, tổ trưởng 1 bản, giáo viên 1 bản, cũng hơn 100 trang giấy.
Bên cạnh đó, nếu là tổ trưởng chuyên môn phải thực hiện phụ lục 1, 2 ở tất cả các bộ môn và cũng thực hiện và in 3 bản.
Chưa kể các hồ sơ khác, mỗi giáo viên hàng năm phải thực hiện và in ra hàng ngàn trang giấy, vô cùng tốn kém sau đó phải vứt bỏ và làm lại các kế hoạch mới ở năm sau, vô cùng áp lực, tốn kém, lãng phí.
Công văn 5512 từ khi được ban hành đã nhận được nhiều phản hồi của giáo viên về sự bất hợp lý, gia tăng gánh nặng bệnh hình thức trong giáo dục.
Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những hướng dẫn cụ thể chi tiết về việc giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách và có những điều chỉnh Công văn 5512 theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa các bước lên bài cho giáo viên nhằm giảm phần nào áp lực của giáo viên hiện nay để giáo viên yên tâm công tác.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.