Thực hiện chương trình mới, giáo viên áp lực khi giảng dạy sai chuyên môn

05/10/2022 06:32
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên quá tải, áp lực và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng năm 2021 toàn ngành có tới 16.000 giáo viên bỏ việc.

Chủ trương thay đổi từ chương trình 2006 sang chương trình 2018 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai là một chủ trương lớn của toàn ngành Giáo dục. Sự thay đổi không chỉ là nội dung, kiến thức, phương pháp mà mục tiêu giáo dục cũng hoàn toàn khác.

Nếu như chương trình 2006 dạy theo chuẩn kiến thức kĩ năng thì chương trình 2018 hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò với 5 phẩm chất và 10 năng lực mà Ban phát triển chương trình các môn học học và Bộ đã đưa ra.

Những áp lực đối với giáo viên khi thực hiện chương trình 2018 giai đoạn này là điều đương nhiên vì cái gì mới cũng sẽ gặp bỡ ngỡ và có những khó khăn nhất định.

Nhưng, nếu chỉ áp lực trong việc đầu tư cho chuyên môn để tiếp cận mục tiêu chương trình mới thì giáo viên chẳng nói làm gì, đằng này giáo viên đang mất rất nhiều thời gian để đầu tư vào những kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của ngành.

Bên cạnh đó, một số giáo viên cũng đang rất áp lực khi được phân công giảng dạy những môn học mà bản thân mình không hề được đào tạo, tập huấn về chuyên môn.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: P.L.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: P.L.

Kế hoạch bài dạy (giáo án) đang khiến cho nhiều giáo viên quá tải

Dù hiện nay, không có văn bản nào hướng dẫn cụ thể tổ trưởng chuyên môn phải duyệt giáo án của giáo viên trong tổ của mình nhưng đa phần các trường học trên cả nước đều yêu cầu các tổ trưởng phải duyệt giáo án của giáo viên 2 tuần/ lần và duyệt trước khi dạy.

Nếu như trước đây, phần lớn giáo án được in ra nhưng hiện nay nhiều trường đã vận dụng hướng dẫn của ngành và cho phép duyệt giáo án qua nhiều hình thức khác nhau. Giáo viên có thể in ra, hoặc gửi file đều được cả.

tổ trưởng chuyên môn nên chúng tôi phải thường xuyên duyệt giáo án cho giáo viên trong tổ. Phải nói rằng, khi thực hiện chương trình mới và với hướng dẫn hiện nay thì giáo viên rất áp lực khi soạn giáo án hằng tuần, nhất là đối với những giáo viên dạy môn Ngữ văn.

Khi lật giở cuốn kế hoạch bài dạy của một giáo viên trong tổ, tôi thật sự choáng ngợp về số trang vì nhìn vào cuốn giáo án mới là tiết 24 nhưng có tới 218 trang.

Tôi nhẩm tính, môn Ngữ văn 7 có tới 140 tiết và với số lượng soạn giáo án như thế này, khi kết thúc năm học, giáo viên này sẽ đạt ngưỡng khoảng trên dưới 1.300 trang.

Nhưng, ngoài giáo án Ngữ văn 7 (140 tiết), giáo viên này còn được phân công dạy Ngữ văn 9 (175 tiết) và phân môn Ngữ văn trong Nội dung giáo dục địa phương 7 (9 tiết) thì số trang giáo án trong một năm học sẽ lên cỡ vài ngàn trang là chắc chắn. Dĩ nhiên, tiền in giáo án mỗi năm cũng tốn khá nhiều.

Hiện nay, mỗi tuần (không tính Nội dung giáo dục địa phương), giáo viên Ngữ văn cấp trung học cơ sở đang phải soạn 8-9 tiết giáo án (lớp 6,7,8 có 4 tiết; lớp 9 có 5 tiết/ tuần) bởi gần như giáo viên nào cũng đang được phân công dạy 2 khối khác nhau. Tuy nhiên, đây mới là giáo án môn Ngữ văn.

Nếu được phân công thêm công tác chủ nhiệm lớp 6, lớp 7, giáo viên sẽ có thêm giáo án Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 3 tiết/ tuần, nếu chủ nhiệm lớp 8, lớp 9 có thêm giáo án Ngoài giờ lên lớp và giáo viên chủ nhiệm nào cũng đều có sổ kế hoạch chủ nhiệm phải ghi chép hàng tuần.

Nói thật, cho dù giáo án của giáo viên đang sử dụng là mua, xin, hay tải trên mạng internet miễn phí thì việc ngồi “cắt, dán” theo số tiết phân phối chương trình mà tổ chuyên môn xây dựng và xem bài trước khi dạy cũng khiến cho giáo viên xây xẩm mặt mày bởi mỗi tiết học, nhiều giáo viên đang soạn gần chục trang giáo án theo mẫu của Công văn 5512.

Và, nếu thầy cô nào kiêm nhiệm thêm tổ trưởng chuyên môn mà làm tổ trưởng Khoa học tự nhiên, tổ Ngữ văn sẽ có vô vàn các loại kế hoạch giáo dục, nặng nhất là làm phân phối chương trình vì phải đưa yêu cầu cần đạt vào các bài học nên hồ sơ sổ sách làm triền miên tối ngày vẫn chưa xong.

Áp lực của nhiều giáo viên đang được phân công giảng dạy sai chuyên môn

Khi thực hiện chương trình mới, việc giáo viên được phân công đảm nhiệm dạy những môn học tích hợp, những môn học không phải chuyên môn được tạo hiện nay khá phổ biến ở nhiều cấp học.

Đơn thuần như môn Nội dung giáo dục địa phương hiện nay có trường phân công 6 giáo viên dạy nhưng cũng có trường chỉ phân công một vài giáo viên dạy, thậm chí có trường chỉ phân công 1 giáo viên dạy cả phân môn Ngữ văn , Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân.

Thậm chí, ở cấp tiểu học vì các lớp thực hiện chương trình mới nên giáo viên chủ nhiệm phải dạy 2 buổi, dẫn đến thừa tiết. Vì vậy, nhiều Ban giám hiệu phân công giáo viên dạy các môn chuyên còn thiếu tiết là phải dạy cho đủ tiết theo định mức.

Vì thế, giáo viên Tiếng Anh, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục được phân công dạy các môn Tự nhiên và Xã hội; Hoạt động trải nghiệm; Đạo đức… để không phát sinh tiền thừa giờ cho giáo viên chủ nhiệm và cũng không để giáo viên chuyên nào thiếu giờ dạy.

Phương châm của một số lãnh đạo nhà trường là các môn học này dễ, giáo viên nào mà chẳng dạy được nên mặc dù giáo viên không có chuyên môn về môn học, không hề được phân công đi tập huấn nhưng vẫn lên lớp dạy như thường. Tất nhiên, đối với những giáo viên “tay ngang” như thế này họ phải đầu tư rất nhiều thời gian cho một môn học mới bởi môn học đố không phải chuyên môn của mình.

Vì thế, một số giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở những trường loại 2, loại 3 vừa phải dạy môn chính của mình (5 khối lớp) vừa phải dạy thêm một vài môn học khác ở các khối lớp nên có giáo viên mỗi tuần có đến gần chục giáo án.

Một khi dạy không đúng chuyên môn, không chỉ giáo viên vất vả mà học sinh cũng vất vả theo vì thầy cô dạy không phải chuyên ngành của họ sẽ khó cho ra những kết quả tốt, dẫn đến học sinh tiếp thu bài cũng khó khăn. Tất nhiên, chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng là điều chắc chắn.

Thời khóa biểu thay đổi liên tục

Việc nhiều môn học mới ra đời, trong khi nguồn lực tại chỗ của nhiều trường học hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy nên nhà trường phải phân công trên cơ sở nguồn lực đang có. Vì thế, thời khóa biểu của nhà trường cũng thay đổi liên tục.

Gần như tuần nào cũng phải thay đổi khiến cho giáo viên và học sinh cũng vất vả theo. Có nhiều hôm, giáo viên dạy kín lịch cả sáng chiều, nhưng cũng có hôm chỉ có 1 tiết vì nhà trường phải né ngày bộ môn của các môn học trong tuần.

Đối với những môn học tích hợp thì bản thân phó hiệu trưởng chuyên môn và các tổ trưởng chuyên môn cũng liên tục phải tính toán khi dạy phân môn nào trước, phân môn nào sau cho phù hợp với môn học và nhân sự của tổ, của trường.

Vì thế, chương trình 2018 đang khiến cho nhiều trường học, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn, áp lực khi có nhiều môn học, hoạt động giáo dục mới.

Có những môn học được tách ra nhưng có những môn hợp lại, cùng môn học nhưng khối 1,2,3 ở tiểu học; khối 6,7 ở trung học cơ sở; khối 10 ở trung học phổ thông thực hiện chương trình 2018, các khối còn lại đang thực hiện chương trình 2006 dẫn đến xáo trộn, lẫn lộn nhiều thứ vào nhau.

Chẳng hạn, chương trình lớp 8, lớp 9, lớp 11, lớp 12 thì đang thực hiện giảm tải theo Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH 2021 và thực hiện đánh giá, xếp loại theo Thông tư 26 nhưng các lớp thực hiện chương trình mới thì không giảm tải và thực hiện đánh giá, xếp loại theo Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các lớp thực hiện chương trình mới thì thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, các lớp chương trình cũ thì thực hiện như trước đây nhưng nhiều trường quy định thực hiện luôn tất cả các lớp theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH…

Vì thế, việc thực hiện các kế hoạch giáo dục hiện nay của giáo viên hiện nay, nhất là đội ngũ tổ trưởng chuyên môn rất nặng nề.

Theo người viết, nhiều giáo viên quá tải, áp lực và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng năm 2021 toàn ngành có 16.000 giáo viên bỏ việc như thông tin mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thông khi tiếp xúc với cử tri quận Hà Đông vào chiều ngày 30/9 vừa qua.

Một khi áp lực công việc ngày một tăng, yêu cầu đổi mới của ngành ngày một nhiều nên giáo viên phải đầu tư thêm thời gian, tiền bạc nhưng lương cơ sở đã bước sang năm thứ tư vẫn đứng yên ở mức 1.490.000 đồng rõ ràng nhiều giáo viên phải lựa chọn sang một hướng đi khác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG