Một số điểm nghẽn trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học
Hoạt động nghiên cứu khoa học của nhiều trường đại học ở Việt Nam trong thời gian qua đã có sự thay đổi về chất, với nhiều sản phẩm đa dạng, hình thức thể hiện phong phú…, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của các trường đại học và mang lại những giá trị thiết thực hơn cho xã hội và các đối tượng có liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đáng mừng, vẫn còn không ít những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ để nâng cao hơn chất lượng và tính hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Bùi Hữu Đức – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thương mại nêu ra một số nút thắt:
Thứ nhất, kết quả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học (đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội) chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển giao công nghệ;
Thứ hai, nhận thức về chuyển giao khoa học công nghệ, thủ tục chuyển giao khoa học công nghệ của nhà nghiên cứu còn hạn chế;
Thứ ba, nhiều trường đại học chưa làm tốt công tác truyền thông về vấn đề chuyển giao khoa học công nghệ; chưa có sự hỗ trợ tích cực về hoạt động chuyển giao đến đội ngũ cán bộ giảng viên, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học;
Thứ thư, thiếu trung gian kết nối giữa nhà nghiên cứu (chủ thể có quyền chuyển giao công nghệ) với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển giao công nghệ…
Phó giáo sư Bùi Hữu Đức – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thương mại (ảnh: NVCC) |
Trong khi đó, Phó Giáo sư Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên nhìn nhận, nguyên nhân chính khiến hiệu quả nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học còn thấp vì các kết quả nghiên cứu khoa học, các phát minh sáng chế hữu ích từ các viện, trường để có thể đem ra áp dụng vào thực tiễn xã hội là không đáng kể. Hơn nữa, phần lớn năng lực khoa học, công nghệ mà nòng cốt là các nhà khoa học, giảng viên của các viện, trường không đáp ứng được về thời gian, tiến độ cũng như hiệu quả đối với các bài toán từ thực tiễn xã hội.
Nhìn nhận từ thực tế cho thấy hầu hết khoa học công nghệ và xuất bản quốc tế đều từ các cơ sở giáo dục đại học nhưng thực tế ngân sách đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ cho các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, về vấn đề này, Phó giáo sư Bùi Hữu Đức nhận định, điều này đã và đang dần được thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều trường đại học đã tăng cường kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt với vấn đề công bố quốc tế, chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ.
Để thúc đẩy hiệu quả hơn hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung, công bố quốc tế nói riêng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thương mại cho rằng các trường đại học cần quan tâm giải quyết một số vấn đề:
Tăng cường kỹ năng nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế cho đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu vì thực tế nhiều trường đại học có cơ chế khuyến khích, đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ nhưng không giải ngân hết được ngân quỹ (Chính phủ quy định cơ sở giáo dục đại học phải dành tối thiểu 5% nguồn thu hợp pháp để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích các hoạt động khoa học công nghệ);
Tăng cường chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đối với giảng viên, nhà nghiên cứu: Khuyến khích thành lập các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh và mạnh dạn đầu tư mức kinh phí lớn gắn với đặt hàng các sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng cao; Tăng mức hỗ trợ công bố quốc tế; Gia tăng số lượng và mức kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở; Miễn giảm định mức giờ giảng để các nhà nghiên cứu có thể dành thời gian cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng cao;…
Đồng thời, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế cho phép cơ sở giáo dục đại học đối ứng một phần kinh phí triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Một số kiến nghị, đề xuất
Để phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, Phó giáo sư Bùi Hữu Đức kiến nghị cần có sự quan tâm của nhiều chủ thể có liên quan như Nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học, các doanh nghiệp, các hiệp hội…; trong đó vai trò của Nhà nước trong định hướng, điều tiết và hỗ trợ hiệu quả chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học là rất quan trọng.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đến việc hoạch định, điều chỉnh các chính sách liên quan đến vấn đề này và triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học gồm: Tổ chức các hội nghị toàn ngành chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao khoa học công nghệ giữa các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước;
Tổ chức tập huấn kiến thức về chuyển giao khoa học công nghệ, thủ tục chuyển giao khoa học công nghệ cho mạng lưới các đơn vị quản lý khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học để nâng cao khả năng tư vấn, hỗ trợ của cơ sở giáo dục đại học với đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, nhà nghiên cứu của cơ sở giáo dục đại học;
Có biện pháp mạnh hơn trong khuyến khích, giám sát việc giải ngân nguồn ngân sách dành cho hoạt động khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học, để từ đó đội ngũ các nhà nghiên cứu có đủ kinh phí thực hiện các nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu của chuyển giao khoa học công nghệ.
Có cơ chế kết nối các cơ sở giáo dục đại học với các tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao khoa học công nghệ để thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ …
Phó Giáo sư Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên (ảnh: Doãn Nhàn) |
Đưa ra kiến nghị về thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, Phó giáo sư Ngô Như Khoa nêu ra 2 điểm:
Một là, đối với kinh phí chi cho hoạt động khoa học công nghệ thông qua các đề tài, dự án cấp Bộ, cấp quốc gia từ nguồn ngân sách, cần nghiên cứu thay đổi về cơ chế phân bổ, giao kinh phí từ ngân sách Nhà nước đối với hoạt động khoa học công nghệ trong các viện, trường sang hình thức vay vốn, tương tự như cơ chế vạy ODA.
Cụ thể là: Viện, trường có năng lực tổ chức hoạt động khoa học công nghệ chủ động xây dựng đề án vay dựa trên tiềm lực của đơn vị và sự nghiên cứu nghiêm túc xu hướng phát triển của ngành, lĩnh vực để xây dựng lộ trình phát triển các hoạt động khoa học công nghệ của đơn vị nhằm tạo ra giá trị thực cho đơn vị thông qua kinh phí nhận được từ doanh nghiệp (kết quả nghiên cứu bán được).
Thời hạn trả bắt đầu tính từ năm thứ 5 hay năm thứ 10 trở lên; hình thức trả dần theo tiến độ và trả 1 phần (10%, 30%, 50% hay 70% vốn vay tùy lĩnh vực); Kinh phí trả vốn vay và lãi suất (ở mức ưu đãi, nếu có) phải từ tiền bán bản quyền sở hữu trí tuệ hay thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhà nước tăng cường giám sát đảm bảo tiến độ thực hiện vốn vay, dừng cấp vốn kịp thời đối vưới các đề án không hiệu quả.
Hai là, đối với các nhiệm vụ cấp Bộ, ngành, Nhà nước thì việc đặt đầu bài cho các nhiệm vụ nhất thiết phải dựa trên các nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể của Bộ, ngành, Nhà nước. Tổ chức đấu thầu thực hiện nhiệm vụ; đánh giá kết quả dựa vào sản phẩm và hiệu quả của kết quả đầu ra.