Kiến nghị miễn học phí học viên sau đại học chuyên ngành Lao và Bệnh phổi

24/03/2024 06:36
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong đào tạo nguồn nhân lực phòng chống Lao hiện nay, vấn đề cần quan tâm nhất là đảm bảo đội ngũ giảng viên cơ hữu về số lượng và trình độ.

Dù đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực y tế, song đến nay, Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Năm 2023, WHO ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc Lao và khoảng 13.000 người tử vong do Lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, một thực tế tại các cơ sở đào tạo sức khỏe hiện nay là số lượng người theo học về Lao không có nhiều, và xu hướng người học ngày càng giảm.

Vẫn còn mặc cảm với chuyên ngành Lao

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Nguyên, đồng thời là Trưởng Bộ môn Lao và Bệnh phổi, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên cho biết:

“Đào tạo đại học để tốt nghiệp bác sĩ đa khoa thì 100% sinh viên đều phải học qua học phần Lao và Bệnh phổi, tuy nhiên học sau đại học Lao và Bệnh phổi chỉ có các bác sĩ làm việc tại các cơ sở Y tế làm nhiệm vụ phòng, chống Lao.

Mỗi khóa đào tạo chuyên khoa I Lao và Bệnh phổi của Trường Đại học y Dược Thái Nguyên trung bình chỉ có từ 3-4 học viên đăng ký xét tuyển và học, rất ít so với các chuyên ngành khác”.

3d1ac430d1827ddc2493.jpg
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trường Giang (mặc áo blouse) cùng các giảng viên, sinh viên Bộ môn Lao và Bệnh phổi, Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về nguyên nhân, Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang cho rằng chủ yếu do các bác sĩ còn mặc cảm với chuyên ngành, ngại làm việc trong môi trường lây nhiễm. Bên cạnh đó, theo nhiều chia sẻ của học viên, nếu đi học sau đại học chuyên ngành Lao và Bệnh phổi, người học sẽ phải gắn bó lâu dài với ngành này trong khi các ngành khác làm việc đỡ nguy hiểm hơn.

Được biết, Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên trong nhiều năm qua đã đào tạo bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Lao và Bệnh phổi.

Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang chia sẻ, đối với Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, chương trình đào tạo đại học quy định rõ học phần Lao và Bệnh phổi là bắt buộc đối với sinh viên trước khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa. Theo đó, trong tổng thời gian đào tạo 6 năm để tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, 100% sinh viên có 3-4 tuần học Bộ môn Lao và Bệnh phổi của nhà trường trong học phần bắt buộc để có được kiến thức cơ bản về chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh Lao.

Sau khi ra trường, bác sĩ nào lựa chọn cơ sở làm nhiệm vụ Y tế phòng chống Lao đều được đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ về chuyên ngành Lao và Bệnh phổi nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Chia sẻ thêm, Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang cho hay, Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên đã thực hiện đào tạo chuyên khoa I chuyên ngành Lao từ nhiều năm qua với nhiều kết quả tốt. Bộ môn Lao và Bệnh phổi được đặt trong khuôn viên Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Nguyên là cơ sở thực hành rất thuận lợi cho sinh viên và học viên sau đại học học tập. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của Bộ môn Lao và Bệnh phổi đều là những thầy cô đã có kinh nghiệm nhiều năm trong đào tạo chuyên ngành… Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên dự kiến sẽ mở thêm mã đào tạo bác sĩ chuyên khoa II về Lao và Bệnh phổi.

Tuy nhiên, công tác đào tạo Lao và Bệnh phổi tại Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên cũng gặp một số khó khăn nhất định về điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, đặc biệt sự thiếu hụt về nhân lực giảng dạy.

Theo thầy Giang, hiện giảng viên cơ hữu của Bộ môn chỉ có 3 người, còn lại đều là giảng viên kiêm nhiệm, hợp đồng hoặc thỉnh giảng. Bên cạnh đó, với nhiều nguyên nhân như mặc cảm về chuyên ngành lây nhiễm, đi học sau đại học chuyên ngành Lao vẫn phải đóng học phí như các chuyên ngành khác,... nên nhu cầu của người học cũng không có nhiều.

Đây cũng là thực tế tại nhiều cơ sở đào tạo sức khỏe khác hiện nay. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình Nguyên - Phó trưởng Bộ môn Truyền Nhiễm - Lao, Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế, nhà trường bắt đầu đào tạo chuyên ngành Lao từ năm 1964. Bộ môn Truyền Nhiễm - Lao được hợp nhất từ 2 Bộ môn Truyền Nhiễm và Lao kể từ tháng 02/2020.

IMG_1243.jpeg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình Nguyên (thứ 2 từ trái sang) cùng các giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm và Lao, Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế. Ảnh: NVCC

Tại Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế, sinh viên đại học chính quy các ngành Y đa khoa, Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Điều dưỡng đều được học về Bệnh học Lao. Đối với đào tạo sau đại học, nhà trường có chuyên khoa định hướng về ngành Lao và chuyên khoa I Lao.

Đối với đào tạo bác sĩ Y đa khoa, sinh viên sẽ được học về Lao ở năm thứ 5, bác sĩ Y học dự phòng và y học cổ truyền năm 4. Các đối tượng này sẽ được đào tạo đầy đủ các kiến thức liên quan đến Lao như chẩn đoán, điều trị, và dự phòng... đảm bảo sinh viên học xong có thể chẩn đoán được các trường hợp mắc Lao, điều trị, theo dõi quá trình điều trị, và tư vấn dự phòng cho bệnh nhân Lao. Với ngành điều dưỡng, sinh viên sẽ được học về chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh Lao ở năm thứ 3, khối lượng kiến thức đào tạo chủ yếu liên quan đến mảng chăm sóc bệnh nhân Lao.

Sinh viên được thực tập tại Khoa Bệnh phổi của Bệnh viện Trung Ương Huế, với quy mô khoảng 90-95 giường.

4c10ae8c5cc9f397aad8.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình Nguyên (ôm bó hoa ở giữa) chụp ảnh cùng sinh viên Bộ môn Truyền nhiễm và Lao, Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế. Ảnh: NVCC

Tương tự như Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, nữ Phó trưởng Bộ môn Truyền nhiễm - Lao, Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế chia sẻ, một trong những khó khăn trong công tác đào tạo chuyên ngành Lao hiện nay là sự eo hẹp về nhân lực giảng dạy.

Hiện Bộ môn Truyền Nhiễm và Lao của Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế có 8 giảng viên, nhưng giảng viên chuyên về phân môn Lao chỉ có 3 giảng viên. Sự khan hiếm này không chỉ ở các cơ sở đào tạo, mà ngay tại các Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, cũng như khoa lao của các bệnh viện đa khoa, số lượng bác sĩ ngày càng giảm, các bác sĩ trẻ không chịu vào làm việc tại chuyên khoa này. Do đó, số lượng người theo học chuyên khoa sâu ngành Lao cũng giảm và ít dần qua từng năm. Theo cô Bình Nguyên, mỗi năm chỉ có khoảng 1-2 học viên lựa chọn học sau đại học chuyên ngành Lao.

“Nguyên nhân của sự khan hiếm này, phần lớn đến từ đặc điểm của ngành học. Lao là một bệnh lây nhiễm, vì vậy không có nhiều người học “mặn mà” vì tâm lý sợ lây bệnh trong quá trình công tác. Bên cạnh đó, ngày nay sinh viên cũng có nhiều sự lựa chọn ngành đa dạng hơn, với cơ hội phát triển tốt hơn, nên nếu không thật sự tâm huyết và trăn trở với bệnh Lao, rất ít người lựa chọn theo học và làm việc trong chuyên ngành này”, Tiến sĩ Bình Nguyên bày tỏ.

Đề xuất miễn học phí học viên sau đại học chuyên ngành Lao và Bệnh phổi

khamlao-16721372363031742670391.jpg
Đề xuất miễn học phí cho người học để có nhiều hơn học viên đăng ký học sau đại học chuyên ngành Lao và Bệnh phổi. Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Đối với các cán bộ giảng dạy trong chuyên ngành này, Tiến sĩ Bình Nguyên đề xuất cần có thêm các chế độ đãi ngộ đặc thù đối với giảng viên để các thầy cô về công tác tại Bộ môn, yên tâm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và tham gia khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, phòng xét nghiệm, giúp việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh Lao cũng như các bệnh khác nói chung, để đội ngũ giảng viên, người học có điều kiện nghiên cứu khoa học, tích luỹ kiến thức, nâng cao tay nghề, từ đó cải thiện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, trong đào tạo nguồn nhân lực phòng chống Lao hiện nay, vấn đề cần quan tâm nhất là đảm bảo đội ngũ giảng viên cơ hữu về số lượng và trình độ, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho học viên học tập.

Do vậy, Trưởng Bộ môn Lao và Bệnh phổi, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đề xuất cần nâng cao hơn chế độ đãi ngộ đối với giảng viên để họ yên tâm công tác lâu dài, đồng thời miễn học phí cho người học để có nhiều hơn học viên đăng ký học sau đại học chuyên ngành Lao và Bệnh phổi.

Nhân Ngày Thế giới Phòng chống Lao 24/3, gửi lời nhắn đến đội ngũ y bác sĩ, người học đang theo đuổi sự nghiệp phòng chống bệnh Lao, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trường Giang bày tỏ:

“Vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai một Việt Nam không còn bệnh Lao, mỗi bác sĩ, người học đang theo đuổi sự nghiệp phòng, chống Lao hãy cố gắng nhiều hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang này với niềm tin: “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO”.

Doãn Nhàn