Kiến nghị thí điểm hiệu trưởng được bổ nhiệm phó hiệu trưởng

04/02/2023 06:39
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng nên việc bổ nhiệm nên được thực hiện theo các bước đơn giản do nhà trường giới thiệu và tập thể tín nhiệm.

Hiện nay quy trình bổ nhiệm phó hiệu trưởng các trường được cho là có một số điểm chưa phù hợp.

Giao quyền tự chủ cho các trường, quyền tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng cần được mở rộng ra ở nhiều lĩnh vực trong đó có việc bổ nhiệm cả cấp phó cũng cần được nghiêm túc xem xét.

Ảnh minh họa thuvienphapluat.vn

Ảnh minh họa thuvienphapluat.vn

Quy trình 5 bước để bổ nhiệm phó hiệu trưởng hiện nay

Theo Luật Viên chức, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là viên chức quản lý, trình tự, thủ tục bổ nhiệm được thực hiện theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

Theo khoản 2 Điều 46 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ được quy định gồm 5 bước như sau:

Bước 1: Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và nguồn nhân sự trong quy hoạch, tập thể lãnh đạo thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự.

Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ.

Kết quả thảo luận và đề xuất được ghi thành biên bản.

Bước 2: Tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; thường vụ cấp ủy cùng cấp; người đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc. Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự.

Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên giới thiệu 01 người cho một chức vụ; người nào đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo.

Phiếu giới thiệu nhân sự bổ nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản, không công bố tại hội nghị này.

Bước 3: Tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của viên chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Thành phần: Thực hiện như quy định ở bước 1.

Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên lãnh đạo giới thiệu 01 người cho một chức vụ trong số nhân sự được giới thiệu ở bước 2 hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; người nào đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị cán bộ chủ chốt.

Phiếu giới thiệu nhân sự bổ nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản, được công bố tại hội nghị này.

Trường hợp nếu kết quả giới thiệu của tập thể lãnh đạo khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì báo cáo, giải trình rõ với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo.

Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản và lưu trữ trong hồ sơ bổ nhiệm.

Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín.

Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; cấp ủy, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các bộ phận chuyên môn và đơn vị thuộc và trực thuộc. Đối với đơn vị có số lượng người làm việc dưới 30 người hoặc đơn vị không có tổ chức cấu thành, thành phần tham dự gồm toàn thể viên chức, người lao động trong biên chế làm việc thường xuyên tại đơn vị. Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự.

Trình tự lấy ý kiến:

Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhân sự;

Thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo giới thiệu (ở bước 3); tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác;

Ghi phiếu lấy ý kiến tín nhiệm (có thể ký tên hoặc không ký tên). Phiếu lấy ý kiến tín nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản, không công bố tại hội nghị này.

Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự.

Thành phần: Thực hiện như quy định ở bước 1.

Trình tự thực hiện: Phân tích kết quả lấy phiếu ở các hội nghị; xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có); lấy ý kiến bằng văn bản của ban thường vụ đảng ủy hoặc đảng ủy đơn vị (những nơi không có ban thường vụ) về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm; tập thể lãnh đạo thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín.

Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp có 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỷ lệ 50%) thì lựa chọn nhân sự do người đứng đầu giới thiệu để đề nghị bổ nhiệm; đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phiếu biểu quyết nhân sự bổ nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Kiến nghị hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng

Nhìn vào quy trình bổ nhiệm phó hiệu trưởng ở trên, nhiều người cho rằng về quy trình rất phức tạp, trải qua nhiều tầng nấc không phù hợp với việc bổ nhiệm cấp phó vì thực tế phó hiệu trưởng cũng như tổ trưởng, giáo viên là những người giúp việc cho hiệu trưởng.

Bên cạnh đó, trong quy trình gần như giáo viên không được tham gia lấy ý kiến trong việc bổ nhiệm phó hiệu trưởng (đối với trường học có từ 30 viên chức trở lên).

Theo điểm c khoản 2 Điều 46 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì việc tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín bao gồm:

Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; cấp ủy, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các bộ phận chuyên môn và đơn vị thuộc và trực thuộc. Đối với đơn vị có số lượng người làm việc dưới 30 người hoặc đơn vị không có tổ chức cấu thành, thành phần tham dự gồm toàn thể viên chức, người lao động trong biên chế làm việc thường xuyên tại đơn vị. Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự.

Người viết cho rằng, nên đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc bổ nhiệm phó hiệu trưởng trường học bằng việc hội đồng trường giới thiệu và giao quyền ký quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng là của hiệu trưởng.

Theo đó, người viết đề xuất việc quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng gồm 3 bước sau đây:

Bước 1: Trên cơ sở chủ trương, nhân sự tổ chức hội nghị giới thiệu phó hiệu trưởng. Thành phần gồm: Cấp ủy, các tổ trưởng, chủ tịch công đoàn. Danh sách giới thiệu nên có từ 2 thành viên trở lên. Hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm, nếu đạt trên 50% tín nhiệm thì thực hiện tiếp bước 2.

Bước 2: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến toàn thể giáo viên. Triệu tập toàn thể hội đồng sư phạm nhà trường, lấy tín nhiệm bằng phiếu kín. Nếu thành viên nào được tín nhiệm tập thể trên 50% thì thực hiện tiếp bước 3.

Bước 3: Dựa vào danh sách nhân sự dự kiến phó hiệu trưởng đạt số phiếu tín nhiệm ở bước 1 và bước 2. Triệu tập Hội nghị gồm: Lãnh đạo sở/phòng giáo dục, đảng ủy xã/phường, cấp ủy trường học, chủ tịch công đoàn, các tổ trưởng tiến hành bỏ phiếu kín, nếu người đạt tín nhiệm cao hơn sẽ tiến hành giới thiệu và Hiệu trưởng sẽ căn cứ vào biên bản cuộc họp ra quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng.

Phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng nên việc bổ nhiệm nên được thực hiện theo các bước đơn giản do nhà trường giới thiệu và phải được tập thể tín nhiệm, khi đó tăng tính chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng và đơn giản hóa thủ tục, quy trình bổ nhiệm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi