Ngày 4/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu của giai đoạn này là “Đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025”.
Nghị quyết thể hiện sự quan tâm phát triển giáo dục ngoài công lập của Chính phủ. Tuy nhiên hiện nay, dù chứng minh được vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống giáo dục nói chung của nước nhà nhưng giáo dục tư thục vẫn gặp phải nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách.
Giáo dục tư thục phát triển sẽ tiếp cận và thực hiện được yêu cầu xu hướng phát triển giáo dục tiên tiến
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, đồng sáng lập Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khẳng định, vai trò của các trường học tư thục là không thể phủ nhận.
Theo quy định của Điều lệ trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, mỗi lớp học ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có không quá 45 học sinh; mỗi lớp học ở cấp tiểu học có không quá 35 học sinh.
Tuy nhiên thực tế, quá tải sĩ số ở các trường mầm non và phổ thông công lập tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành câu chuyện “lặp đi lặp lại” mỗi mùa tuyển sinh những năm gần đây.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, năm học 2022 - 2023, thành phố có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Mặc dù, tình trạng quá tải lớp học phần nào đã được giảm so với các năm trước nhưng so với quy định vẫn cao hơn, chủ yếu ở bậc tiểu học. Cụ thể, sĩ số học sinh tiểu học ở Hà Nội khoảng 42 học sinh/lớp. Có nơi thấp hơn, khoảng 38 - 39 học sinh/lớp, nhưng vẫn có những trường sĩ số lên tới 50 - 55 học sinh/lớp.
Lúc này, trường tư thục sẽ “san sẻ” sĩ số học sinh với các trường công lập trên địa bàn thủ đô và các thành phố lớn. Lúc đó, sĩ số lớp học từ quá tải sẽ dần tiệm cận với quy định, hạn chế được áp lực đối với giáo viên và trường công lập.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Thùy Linh |
Ngoài vai trò giảm áp lực sĩ số lớp học đối với hệ thống giáo dục công thì giáo dục tư thục còn rất nhanh đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về các dịch vụ giáo dục chất lượng. Không chỉ thực hiện chương trình mà Nhà nước quy định với giáo dục nói chung, các trường tư thục còn bắt kịp xu hướng thế giới. Chẳng hạn hiện nay, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng mềm là các yếu tố vô cùng quan trọng giúp Việt Nam hội nhập với thế giới, vì vậy, các trường tư thục đẩy mạnh trau dồi những kiến thức này cho học sinh.
“Nếu xã hội hóa giáo dục thực hiện tốt, trường tư thục phát triển, đủ tiềm lực thì sẽ tiếp cận và thực hiện được các yêu cầu của xu hướng phát triển giáo dục tiên tiến trên thế giới, góp phần đẩy nhanh chất lượng giáo dục nói chung.
Mỗi trường học tư thục là một mô hình giáo dục tự chủ, dân chủ, nhân văn và sáng tạo. Nếu tạo điều kiện thuận lợi hơn thì giáo dục tư thục sẽ đáp ứng được những nhu cầu phát triển của Nhà nước và nhân dân.
Hiện nay, các trường tư ngày càng thu hút được nhiều giáo viên giỏi nên càng phải được quan tâm, hỗ trợ để họ phát huy khả năng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói.
Còn gặp vướng mắc ở cơ chế, chính sách
Dù có vai trò quan trọng, tuy nhiên giáo dục tư thục chưa thực sự được xem trọng, còn nhiều vướng mắc ở chính sách, cơ chế.
Các trường tư thục có những quy luật riêng, chúng ta phải chỉ ra những quy luật phát triển của từng loại trường để từ đó có chỉ đạo, quản lý và giúp đỡ phù hợp. Những quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước rất đúng đắn nhưng vướng là chưa cụ thể hóa, trách nhiệm hóa. Trường tư thục sống bằng kinh tế thị trường, giáo dục cũng phải phát triển theo cơ chế thị trường, thỏa mãn nhu cầu của người dân.
Giáo dục tư thục cần đáp ứng được từng phân khúc của thị trường, các đối tượng phụ huynh, học sinh khác nhau và luôn luôn phải đổi mới. Tuy nhiên thực tế, thời gian vừa qua chúng ta vô tình “thả nổi” giáo dục cho mặt trái của cơ chế thị trường chi phối.
Biểu hiện ở việc, nhiều trường chỉ xây dựng hình thức bên ngoài, quảng cáo rầm rộ nhưng thực tế chưa bám sát chất lượng, tập trung quá nhiều vào hiệu quả kinh tế. Do đó, giao cho các trường tự chủ, xã hội hóa giáo dục thì các cơ sở phải có nghĩa vụ giải trình; Nhà nước và người dân cần thực hiện vai trò giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, tại phần phân công nhiệm vụ của Nghị quyết 35 có nội dung “Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đối với công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục” tức là Chính phủ đang gắn vai trò, trách nhiệm thực hiện đối với người đứng đầu địa phương. Tuy nhiên từ khi ban hành Nghị quyết đến nay, nhiều địa phương vẫn không thực hiện được, thậm chí không mở được thêm trường tư thục nào.
Bản chất của tư thục là tự lực, tự chủ gắn liền với trách nhiệm xã hội, tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, khi không được Nhà nước trích ngân sách đầu tư thì phải hoạt động dựa vào học phí. Đó cũng là lý do vì sao các trường tư thục có học phí thường cao hơn các trường công lập. Khi học phí cao, đối tượng phục vụ sẽ bị thu hẹp, tập trung phục vụ cho đối tượng có điều kiện, người giàu, gây ra sự không công bằng.
Giáo dục tư thục còn gặp nhiều rào cản về cơ chế, chính sách. Ảnh: Minh Ngọc |
Hạ hoặc miễn thuế suất ưu đãi để thu hút đầu tư vào giáo dục tư thục
Theo Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, muốn phát triển các trường ngoài công lập thì có hai thứ Nhà nước cần phải quan tâm.
Thứ nhất, muốn hạ giá thành học phí thì Nhà nước phải hỗ trợ về mặt đất đai xây dựng trường học tư thục, có thể cấp đất miễn phí để mở trường. Ngày nay, giá đất cao nếu không được Nhà nước hỗ trợ thì rất khó có thể mở trường. Bên cạnh đó cần có chính sách ưu tiên với mô hình trường tư thục ở các vùng kinh tế còn khó khăn, hoặc các trường xây dựng để phục vụ đối tượng học sinh đặc biệt, như khuyết tật.
Về phía trường tư thục thì cần cam kết giá thành phục vụ được đông đảo người dân chứ không phải là giá thành “trên giời”. Ngoài ra, Nhà nước, địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giám sát tránh việc sử dụng đất xây trường để trục lợi.
“Giáo dục là lĩnh vực đặc biệt, phải coi giáo dục là một dạng đầu tư phát triển cần được ưu tiên. Đầu tư cho giáo dục tư thục là sự đầu tư đặc thù và phải có sự giám sát của Nhà nước để đảm bảo được thực chất phục vụ người dân, nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, hợp tác công - tư để giải quyết các vấn đề trong giáo dục cũng cần phải được chú trọng ”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm lưu ý.
Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân phải có nhưng cần giảm hoặc miễn thuế suất doanh nghiệp, không nên quy định cứng nhắc về thuế suất thu nhập doanh nghiệp của các trường tư thục là 10%. Điều này nhằm đảm bảo công bằng giữa các cơ sở giáo dục và khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, tư nhân vào giáo dục.
Đánh thuế để kiểm soát nhưng nếu giảm hoặc miễn thuế sẽ tạo điều kiện hơn cho giáo dục tư thục. Đồng thời, để tránh việc các trường tự do sử dụng khoản thuế này vào các mục đích khác thì các cấp chính quyền cần kiểm soát, quy định rõ phải phục vụ mục đích tái đầu tư giáo dục, cung ứng các trang thiết bị cần thiết, hiện đại phục vụ quá trình dạy và học.
Cuối cùng, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương cần phải công bố công khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, đất đai dành cho giáo dục cũng như các chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục và cung cấp dịch vụ cho giáo dục.
“Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những người có tâm huyết làm giáo dục. Bên cạnh đó, quản lý đa dạng các loại trường để đưa ra chính sách, cơ chế phù hợp với từng đối tượng khác nhau”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.