"Kiếp" trợ giảng của cử nhân sư phạm mới ra trường, nỗi niềm biết tỏ cùng ai

08/11/2020 06:20
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Làm trợ giảng, không có kinh nghiệm đứng lớp lại càng ít kinh nghiệm đi và phải giải quyết nhiều việc không tên.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm có khoảng 10.000 sinh viên ngành sư phạm ra trường khó có việc làm đúng ngành. Tuy nhiên, những sinh viên sư phạm mới ra trường may mắn xin được việc làm tại các cơ sở giáo dục đào tạo cũng gặp không ít khó khăn.

Là sinh viên thực tập (khóa K66, Khoa Giáo dục Tiểu học – Sư phạm tiếng Anh) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi ra trường cô giáo H.B được tuyển vào làm hợp đồng tại một trường tiểu học tư thục có tiếng tại Thủ đô Hà Nội.

Với sự nhiệt huyết của một sinh viên ngành sư phạm mới ra trường, cô giáo H.B tràn đầy khát khao được cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Tuy nhiên, sự khát khao nhiệt huyết của cô giáo H.B nhanh chóng bị thử thách. Ngôi trường tiểu học cô đang công tác đang ở trong tình trạng “thiếu lớp,thừa giáo viên”. Bản thân là một giáo viên mới, kinh nghiệm đứng lớp còn rất ít nên đương nhiên ban giám hiệu nhà trường sẽ chưa phân lớp cho cô. Cô được ban giám hiệu phân công làm trợ giảng STEM với lời hứa là năm sau sẽ cho đứng lớp.

Đứng trước hai sự lựa chọn, một là ở lại làm trợ giảng STEM, học hỏi kinh nghiệm để năm sau nhận lớp, hai là tìm kiếm cơ hội ở một môi trường khác, cô giáo H.B chia sẻ: “Em cũng tính đi tính lại, nếu hồi đó ở lại làm trợ giảng STEM thì không đúng chuyên môn. Hồi đầu năm học, sau khi trúng tuyển vào trường nhưng chưa được nhận lớp, em ở lại, không đi phỏng vấn ở những trường khác, đến lúc trường nói không cho nhận lớp thì các trường khác đã không còn đợt tuyển nữa. Dở dang, em quyết định về quê lập nghiệp”.

Cũng có cùng hoàn cảnh như cô giáo H.B, cô giáo T.D. cũng gặp không ít khó khăn khi phải làm hơi "trái chân": “Về mặt tích cực, chưa nhận lớp, em chưa phải chịu nhiều áp lực từ phụ huynh. Về khó khăn, làm trợ giảng, không có kinh nghiệm đứng lớp lại càng ít kinh nghiệm đi và phải giải quyết nhiều việc không tên. Dù em cũng muốn chuyển sang trường khác để được đứng lớp nhưng giữa năm học thì không còn trường nào tuyển nữa, đành phải đợi hè năm sau thôi ạ”.

Đang làm trợ giảng tại một trường tiểu học tại Hà Nội, cô giáo Phùng H. chia sẻ: “Em sinh hoạt chuyên môn ở tổ 5, các chị chủ nhiệm thương em lắm. Có khó khăn là hồi đầu em ở khối 1 và khối 3 còn được tiếp xúc với các chị chủ nhiệm để học hỏi kinh nghiệm, giờ lên khối 4 và khối 5 hôm nào cũng phải đi theo các chuyên gia tiếng Anh lên lớp, không được tiếp xúc với các chị nhiều, không được học cách quản lý, phải tự giải quyết vấn đề. Rồi là ít được giao tiếp với các chị nữa.

Đợt ở khối 1 và khối 3 em còn được đứng lớp dạy, nhưng lên khối 4 và khối 5 thì mình chỉ quản lí và giải thích khi học sinh không hiểu thầy Tây nói gì thôi. Một số lớp học sinh coi nhẹ các môn tiếng Anh chuyên gia nên rất khó khiến các bạn tập trung và bớt nghịch”.

Cô giáo Phùng H. còn chia sẻ thêm: “Bạn em làm ở trường khác cuối giờ phải ở lại lau dọn lớp. Buổi sáng, 6 giờ 50 phải có mặt ở trường để đón học sinh. Cả ngày quay cuồng với công việc, không có thời gian về tổ để trao đổi kiến thức chuyên môn với các giáo viên khác, giờ ra chơi thì phải trực ở dưới sân trường”.

Khó khăn là thế tuy nhiên khi được hỏi có cảm thấy chán và muốn bỏ nghề không? Cô giáo Phùng H. chia sẻ: “Em tự coi đây là cơ hội để mình học hỏi. Em nghĩ nếu đủ kiên nhẫn, chịu khó tự học hỏi, trau dồi, ngày em được đứng lớp sẽ không xa nữa”.

Đình Hùng