LTS: Là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Toán tại bậc trung học phổ thông, thạc sĩ Nguyễn Quang Thi đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những chia sẻ về việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh thông qua bộ môn Toán học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Chúng ta biết rằng, kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai rộng rãi dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh để đón đầu cho cải cách sách giáo khoa sắp đến, nó phù hợp với xu hướng dạy học chung của thế giới.
Đây là một phương pháp theo tôi là hay vì nó giúp học sinh biết hợp tác, chia sẻ, trao đổi và đi đến thống nhất. Đồng thời, nó rèn luyện cho học sinh khả năng diễn đạt trước đám đông, khả năng hùng biện và khả năng tranh luận.
Tôi rất tâm đắc vấn đề này, bởi trước đây giáo viên chỉ gọi học sinh trả lời những câu hỏi hay lên bảng giải bài tập, sau đó nhận xét là xong.
Bây giờ, các em trình bày cả một chủ đề của bài học trước lớp một cách lưu loát. Nếu quá trình này cứ duy trì sẽ rất có lợi cho học sinh khi học lên đại học và sau này ra cuộc sống.
Tuy nhiên, do không tìm thấy các clip về những bài dạy mẫu của các môn, nên giáo viên loay hoay và không biết dạy học phương pháp này như thế nào cho phù hợp.
Qua tham khảo tôi nhận thấy một số giáo viên thì cho học sinh trình bày toàn bộ bài học và cuối cùng lên củng cố.
Một số giáo viên khác thì trình bày phần khởi động và dẫn dắt để chuyển tiếp các nội dung của bài học còn lại cho học sinh trình bày. Một số giáo viên còn lại thì trình bày nội dung chính của bài học và chỉ cho học sinh thảo luận những phần đơn giản.
Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy và đang áp dụng phương pháp nói trên cho bộ môn toán ở bậc trung học phổ thông. Có những bài tôi thực hiện thành công và có những bài tôi thực hiện không được như mong muốn.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Chính vì vậy, tôi có một số vấn đề chia sẻ như sau:
Vấn đề 1: Để bài dạy thành công giáo viên phải phân công mỗi nhóm từ 5 đến 7 học sinh soạn từng nội dung của bài học trước 2 đến 3 hôm.
Giáo viên dành thời gian để kiểm tra bài soạn, xem coi kiến thức đã chính xác chưa, câu hỏi trắc nghiệm và tự luận đưa vào có phù hợp không.
Đến giờ dạy chính thức giáo viên cho đại diện mỗi nhóm lên trình bày, các nhóm khác đóng góp ý kiến và cuối cùng giáo viên củng cố bài học.
Ví dụ khi dạy bài “Cấp số cộng” giáo viên phân công thành 4 nhóm: nhóm 1 trình bày định nghĩa, nhóm 2 trình bày tính chất, nhóm 3 trình bày số hạng tổng quát và nhóm 4 trình bày tổng của n số hạng đầu tiên của cấp số cộng.
Trong mỗi nhóm, giáo viên cần chú ý là hôm nay học sinh này trình bày thì hôm khác học sinh kia trình bày. Phải có sự luân chuyển để em nào cũng biết trình bày và diễn đạt giữa trước lớp, làm như vậy em nào cũng phải cố gắng để vươn lên mà không phải lơ là. Sau này các em tự tin để bước vào đời.
Vấn đề 2: Tùy theo trình độ của học sinh để giáo viên áp dụng phương pháp cho phù hợp.
Tôi đã thành công với những cách làm, yêu cầu lạ dành cho học sinh |
Những lớp chỉ có học sinh khá và giỏi (lớp chọn) giáo viên giao các nhóm soạn từng nội dung rồi trình bày.
Những lớp chỉ có học sinh trung bình và yếu thì nội dung chính của bài học giáo viên phải trình bày, các em chỉ tham gia trình bày những phần nhỏ theo sự hướng dẫn của giáo viên.
Ví dụ khi dạy bài “Phương trình mặt cầu” thì đối với lớp khá giỏi thì cho học sinh soạn toàn bộ bài để trình bày nhưng đối với lớp trung bình và yếu thì cho học sinh chỉ soạn những bài tập có sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên, còn xây dựng phương trình mặt cầu và nhận dạng phương trình mặt cầu thì giáo viên trình bày.
Vấn đề 3: Tùy theo từng bài học mà ta áp dụng phương pháp cho phù hợp.
Những bài học quá nặng về lý thuyết và mang tính chất trừu tượng thì giáo viên phải trình bày mà không thể giao cho học sinh vì tuổi các em chưa đủ để hiểu sâu kiến thức, nếu giáo viên giao học sinh trình bày thì sẽ thất bại.
Ví dụ khi dạy những bài: “đại cương về hàm số”, “đại cương về phương trình và bất phương trình”, “mệnh đề và mệnh đề chứa biến”, “dãy số”,…thì giáo viên phải trình bày.
Những bài học đơn giản về kiến thức thì giao học sinh soạn và trình bày theo sự hướng dẫn của giáo viên . Ví dụ khi dạy những bài: “Một số ví dụ về hệ phương trình bậc hai hai ẩn”, “Dấu của nhị thức bậc nhất”, “Trình bày một mẫu số liệu”, “Giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất của hàm số”,…thì giáo viên giao học sinh trình bày.
Vấn đề 4: Những bài học có vận dụng kiến thức toán học vào giải các bài toán thực tiễn thì giáo viên cần đưa vào để học sinh thấy rõ toán học rất gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Giáo viên đưa vào phần giới thiệu bài học hay đưa vào trong trong nội dung bài học để học sinh thảo luận.
Ví dụ khi dạy bài “Ứng dụng tích phân để tính diện tích hình phẳng” thì đưa bài toán giới thiệu là: Trong chúng ta, ai cũng biết tính diện tích hình tam giác, hình chữ nhật, hình thoi, hình vuông. Nhưng khi gặp những hình phẳng sau:
Câu hỏi đặt ra: Liệu chúng ta có tính diện tích các hình đó được không ? Vậy, bài học hôm nay giúp chúng ta trả lời câu hỏi nói trên. Khi dạy bài “Lũy thừa” thì giáo viên đưa bài toán về lãi suất trong nội dung bài học để các em học sinh biết.
Vấn đề 5 : Trong quá trình giảng dạy để giờ học đỡ khô khan và nhàm chán, giáo viên có thể dành 2 đến 3 phút để cho học sinh tổ chức những trò chơi hay hóa trang các nhà Toán học hoặc đóng một vở kịch. Ví dụ khi dạy bài “Cấp số nhân” thì cho học sinh đóng vở kịch về nhà vua Ấn Độ với người phát minh ra Cờ vua.
Dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, giáo viên là người chủ động để hướng dẫn các em thực hiện theo kế hoạch của mình đặt ra, đồng thời giải quyết mọi thắc mắc của các nhóm khi tranh luận.