Nhìn gánh hàng rong, nhớ mẹ...!

30/05/2011 07:26
(GDVN) - Con hủy tất cả mọi cuộc hẹn vui chơi và bắt chuyến xe đò cuối cùng nhọc nhằn trở về. Con biết, khi thấy con đứng trước ngõ, thể nào mẹ cũng khóc.

(GDVN) - Sau một thời gian con miệt mài với sách đèn nghiên bút, cuối cùng cũng thỏa ước mong vào đại học. Hãnh diện bước đi giữa bạn bè mà không biết được những âu lo hằn trên mắt mẹ ngày một nhiều hơn.

{iarelatednews articleid='2931'}

Ngày đầu tiên con xa nhà đi học ở tận thành phố nhiều những trò vui và cạm bẫy, mẹ chuẩn bị mất cả một ngày. Nào giã muối vừng, muối một vại cà to, đong gạo, gấp những bộ quần áo đẹ nhất của con… và cả những thức quê nhà, cứ cất cất gói gói, nhét vào rồi lại lôi ra bằng cả niềm ao ước một đời của mẹ.

Mẹ dặn đi dặn lại rất nhiều: con đừng đi chơi khuya, nhớ giữ sức học hành, sống với bạn bè xa nhà phải thương yêu nhường nhịn lẫn nhau. Mẹ dặn nhiều nhưng con chỉ ậm ừ và mải mơ ước đến những điều mới lạ ngày mai. Con thấy mẹ cúi xuống lặng lẽ, nhẫn nại nuốt tiếng thở dài vào lòng. Giờ đây nghĩ lại, con thấy mình vô tâm.

Phố phường huy hoàng, cuộc sống mới lạ và cả những chân trời mà con chưa bao giờ được biết đã mang con ra khỏi những âu lo nhỏ bé của mẹ. Rồi con quen vị cà phê của những buổi hẹn hò, quen những món ăn đắt đỏ mà mẹ chưa bao giờ biết tới, mà dần quên đi hương vị của cơm với muối vừng, với vại cà mẹ ủ, với những con cua con cá ruộng đồng. Con dần quên mất hương lúa mới từng mùa cấy hái, những trưa nắng mẹ lầm lũi gánh lúa về nhà. Nhà chỉ có hai mẹ con, nên tất cả những công việc nặng nhọc mẹ đều giành phần tất cả. Và con đã dần quên…

 

Một ngày kia, con bắt gặp một người đàn bà gánh hàng rong trên phố. Con chợt giật mình rồi cứ để cho đôi mắt ầng ậng nước. Sao đàn bà ấy thật giống mẹ từ dáng đi tất tả, nước da ngăm ngăm đen vì dãi dầu sương gió, khuôn mặt khắc khổ nhưng rất hiền từ.

Con vô thức cứ để bước chân mình sải lối theo sau lưng người đàn bà gánh hàng rong, lầm lũi miệt mài. Chợt con thấy thèm lắm bát cơm nguội trộn muối vừng của mẹ, hay những con cua đồng mẹ bắt để cải thiện sau mỗi buổi làm đồng, hay trái trứng gà chín vàng mẹ mua. Con thèm được nằm bên mẹ, để nhặt lại những sợi thời gian rơi hoang tàn trên tóc mẹ, nghe hương vị nhà quê thoang thoảng bên người.

Vội vã, con hủy tất cả mọi cuộc hẹn vui chơi và bắt chuyến xe đò cuối cùng nhọc nhằn trở về. Con biết, khi thấy con đứng trước ngõ, thể nào mẹ cũng khóc. Mẹ ơi! Con nhớ…

Bùi Hữu Cường
(Đại học Quảng Nam)