Kon Tum đề xuất Trung ương hỗ trợ 700 tỷ đồng thực hiện Chương trình GDPT 2018

23/02/2023 06:51
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường lớp và đội ngũ giáo viên khiến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Kon Tum gặp nhiều khó khăn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó nêu lên những khó khăn, vướng mắc của ngành giáo dục địa phương này khi thực hiện chương trình mới.

Nhiều chính sách còn bất cập

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã kế thừa các nguyên lí giáo dục nền tảng như: “học đi đôi với hành”, “giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”.

Thầy cô ở các vùng sâu, vùng xa của Kon Tum phải vào tận từng bản làng để đưa học trò trở lại lớp. Ảnh: MT

Thầy cô ở các vùng sâu, vùng xa của Kon Tum phải vào tận từng bản làng để đưa học trò trở lại lớp. Ảnh: MT

Hiệu quả mang lại là học sinh tham gia học tập tích cực, đạt được các yêu cầu cơ bản về năng lực và phẩm chất theo từng môn học, hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục và một số kỹ năng cơ bản của học sinh có tiến bộ so với trước.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn.

Đó là tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai chương trình hiện hành và chương trình mới.

Nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học, thiết bị thí nghiệm, thực hành; hệ thống nhà ăn, nhà bếp, nhà nội trú, của nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú còn thiếu so với nhu cầu.

Công tác chuẩn bị đội ngũ đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn nhất định.

Điển hình như chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh còn thiếu so với định mức quy định (thiếu 973 giáo viên các bậc học), đội ngũ giáo viên ở vùng sâu vùng xa thiếu tính ổn định.

Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập toàn tỉnh có 99 viên chức xin nghỉ việc. Trong đó, cấp mầm non có 40, cấp tiểu học có 33 người, cấp trung học cơ sở có 17 người, cấp trung học phổ thông có 9 người.

Cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Công tác đào tạo bồi dưỡng, đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai một số bộ môn mới, hoạt động giáo dục theo chương trình mới còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trên là do một số chính sách pháp luật để triển khai chương trình đổi mới ban hành chậm, thiếu đồng bộ.

Một số văn bản đã ban hành có sự bất cập thuộc thẩm quyền Chính phủ, Bộ ngành chậm được sửa đổi, bổ sung dẫn đến khó khăn trong công tác tham mưu, triển khai việc chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại địa phương.

Điển hình như chưa có cơ chế chính sách đặc thù ưu tiên cho sinh viên sư phạm được đào tạo theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP tham gia tuyển dụng.

Đồng thời, quy trình thu hồi kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong trường hợp sau 2 năm sinh viên tốt nghiệp không được bố trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập chưa rõ ràng.

Đối với Thông tư 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, các chế độ, chính sách cho các trường nội trú, bán trú, trường đóng chân vùng dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập.

Trong đó định mức còn thấp, chưa có vị trí việc làm cho cấp dưỡng trong trường phổ thông dân tộc nội trú. Đến nay, vẫn chưa có thông tư, đề án mới cho trường chuyên giai đoạn tiếp theo, mặc dù đã hoàn thành tổng kết đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020.

Ngoài ra, đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên nữ, giáo viên mầm non (lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện sinh hoạt, đi lại…) cũng là nguyên nhân khiến việc thực hiện chương trình mới gặp khó.

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết: “Để khắc phục những khó khăn trên thì ngành giáo dục đã đặt ra nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó, có tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông, có cơ chế bố trí đủ giáo viên như: tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái.

Đồng thời có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, bảo đảm giáo dục toàn diện học sinh; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Thực hiện các giải pháp để đảm bảo đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học , Công nghệ, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, giáo viên các môn nghệ thuật. Chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên thông qua hình thức đào tạo mới theo địa chỉ, đào tạo liên thông; đào tạo nâng trình độ chuẩn và một số giải pháp khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.

Đề xuất Trung ương hỗ trợ 700 tỷ đồng

Trong báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho rằng, để đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 đề ra, giai đoạn 2021-2025 ngành giáo dục tỉnh cần Trung ương bổ sung kinh phí khoảng 700 tỷ đồng.

Do đó, tỉnh này mong muốn Quốc hội có những kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí như trên để bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đề nghị Chính phủ rà soát, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Cụ thể như: chính sách thu hút, chính sách về tiền lương, hoàn thiện chính sách tuyển dụng đối với đối tượng đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển và đối với đội ngũ nhà giáo là người địa phương dạy trẻ em người dân tộc.

Đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo lộ trình.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho rằng, hiện các địa bàn đặc biệt khó khăn thiếu nguồn tuyển giáo viên, một số giáo viên không yên tâm công tác, đời sống khó khăn nên bỏ việc, chuyển công tác đến vùng thuận lợi.

Để tạo động lực cho đội ngũ, tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi.

Trong đó có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu vùng xa. Tiếp tục duy trì chế độ phụ cấp ưu đãi có thời hạn đối với giáo viên ở địa bàn vừa công nhận nông thôn mới.

AN NGUYÊN