Quảng Nam đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ra sao?

14/02/2023 11:04
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cơ cấu giáo viên từng bộ môn ở các trường trung học phổ thông còn cứng theo chương trình cũ nên việc lựa chọn môn học ở trung học phổ thông gặp khó khăn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam vừa có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Tạo “cú hích” cho giáo dục thay đổi để phát triển

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 để điều chỉnh lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 sau khi xem xét lại các điều kiện để triển khai chương trình là rất kịp thời và phù hợp với thực tế.

Quảng Nam khó tuyển giáo viên do thiếu nguồn giáo sinh sư phạm được đào tạo đúng chuẩn theo Luật giáo dục 2019. Ảnh: AN

Quảng Nam khó tuyển giáo viên do thiếu nguồn giáo sinh sư phạm được đào tạo đúng chuẩn theo Luật giáo dục 2019. Ảnh: AN

Việc lùi thời gian triển khai thực hiện giúp các ngành giáo dục cũng như các địa phương có thêm thời gian để chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện thành công.

Tuy nhiên, có một vấn đề bất cập nảy sinh là việc triển khai thực hiện bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý chưa thực hiện đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của chương trình.

Cụ thể, đến nay, nguồn giáo sinh sư phạm các môn học Âm nhạc, Mĩ thuật chưa có đủ theo nhu cầu. Trong khi công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên dạy các môn học mới (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở bậc trung học cơ sở) chưa được bồi dưỡng đáp ứng với yêu cầu của chương trình. Việc tập huấn nhà giáo, cán bộ quản lý thực hiện chương trình chưa hoàn thành.

Theo ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam thì qua gần 3 năm triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình mới.

Đội ngũ giáo viên đã chủ động khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đã triển khai hiệu quả các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn các mô đun thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Triển khai các mô hình, phương pháp dạy học tích cực và tổ chức tốt các hoạt động hội nghị, tập huấn chuyên môn về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch môn học và kế hoạch bài dạy, nghiên cứu bài học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Đồng thời, hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những thuận lợi thì ông Tường cũng nêu rõ các khó khăn hiện nay khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đó là yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của các hoạt động giáo dục theo chương trình mới còn hạn chế ở nhiều địa phương.

“Hiện nay, một số cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa đầy đủ và kịp thời.

Một số trường còn thiếu các phòng bộ môn như: phòng Ngoại ngữ, phòng Tin học, phòng Mĩ thuật, phòng Âm nhạc, phòng thí nghiệm thực hành...

Cơ cấu giáo viên từng bộ môn ở các trường trung học phổ thông hiện nay còn cứng theo chương trình cũ. Do đó, việc lựa chọn môn học ở trung học phổ thông cũng gặp khó khăn khi triển khai thực hiện, đặc biệt ở các trường vùng khó khăn.

Nguyện vọng của học sinh ở các vùng miền núi, khó khăn về lựa chọn môn học ở lớp đầu cấp trung học phổ thông (lớp 10) thường tập trung vào các môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) từ thực tế năm học vừa qua và đăng ký môn thi tốt nghiệp hằng năm).

Để đáp ứng triệt để nguyện vọng của học sinh thì các trường thiếu giáo viên các môn khoa học xã hội và thừa giáo viên khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) vì không có nhiều học sinh lựa chọn”, ông Tường phân tích.

Cũng theo ông Tường, hiện ngành giáo dục Quảng Nam còn thiếu đội ngũ giáo viên, đặc biệt ở cấp tiểu học của những vùng khó khăn do thiếu nguồn tuyển dụng.

Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ giáo viên không đồng đều, thừa thiếu cục bộ nên cũng chưa đáp ứng với yêu cầu lựa chọn môn học ở trung học phổ thông của học sinh.

Phân tích thêm về những khó khăn, tồn tại khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho rằng, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chậm trong việc tiếp cận những quan điểm đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chưa chủ động trong việc tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng.

Tính tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học còn hạn chế do các đơn vị vẫn còn ảnh hưởng từ quan điểm lệ thuộc vào khung chương trình cố định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2022-2023, Quảng Nam có 793 trường (725 trường công lập, 68 trường ngoài công lập), trong đó Mầm non-Mẫu giáo: 287 trường, Tiểu học: 227 trường, Trung học cơ sở: 218 trường, Trung học phổ thông: 61 trường với 370.137 học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên gồm: 27.593 người (Mầm non: 9.536, Tiểu học: 8.393, Trung học cơ sở: 6.394, Trung học phổ thông: 3.270).

Mạng lưới trường, lớp đã được quy hoạch, sắp xếp lại phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân và tình hình thực tế của tỉnh. Chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo đạt trên 20% tổng chi ngân sách địa phương.

AN NGUYÊN