Hiện nay, có một thực trạng rất nhiều giáo viên bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được cử đi học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của Trường đại học Sư phạm Huế phải đóng một khoản kinh phí hơn 2 triệu đồng/1 khóa học. Điều này đã khiến nhiều giáo viên trong tỉnh thắc mắc.
Lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên của tỉnh Bắc Giang do Đại học Sư phạm Huế giảng dạy và được khai giảng từ ngày 15/6/2019.
Địa điểm Trường Đại học Sư phạm Huế mở lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Công Tiến |
Theo kế hoạch, lớp học 6 tuần x 5 ngày làm việc/tuần x 8 tiết = 240 tiết, nhưng hiện nay lớp học mới chỉ học được có 2 buổi, dự kiến tới tháng 7 lớp mới tiếp tục học tiếp.
Cô giáo Ng.T.D cho biết: “Nhưng có một thực tế là chất lượng đào tạo có thật hay không chứ mình thấy chỉ là trang hoàng thêm chứ thực chất không có chất lượng.
Mình có mong muốn là nếu được đi học thì cần phải đảm bảo chất lượng chung chứ đi học kiểu có mặt 1, 2 buổi rồi đến ngày lĩnh bằng …”.
Cô giáo Tr.T.T giáo viên tiểu học ở Bắc Giang chia sẻ:“Giáo viên lương thì thấp, suốt ngày học với hành. Cá nhân mình cũng không đồng ý chuyện đi học nâng chuẩn mà lại phải đóng tiền học phí.
Biết thế nhưng không kêu thấu, thôi thì một mình chẳng làm nên chuyện gì cứ đi học cho xong, chẳng nhẽ học đại học về rồi lại bỏ bằng”.
Theo dự kiến lớp bồi dưỡng sẽ học 6 tuần, nhưng hiện nay từ hôm khai giảng 15/6 lớp mới học được 2 buổi. Ảnh: Công Tiến |
Theo công văn số 61-KH/TU ký ngày 20/12/2018, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bắc Giang năm 2019.
Mục bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, mở 3 lớp, với 300 học viên.
Kinh phí: Học viên đóng góp 100%.
Để làm rõ hơn về những thắc mắc trên của đông đảo giáo viên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ:
Ông Vũ Đăng Minh cho rằng: “Khi được cơ quan nhà nước cử đi học thì được nhà nước bỏ chi phí đào tạo rồi nên không cần phải đóng tiền gì cả.
Còn nếu trường hợp cơ quan không cử đi nhưng giáo viên tự nguyện tham gia hoặc muốn tham gia mà cơ quan chỉ tạo điều kiện cho đi (tức là có công văn đề nghị) thì cơ quan không chịu kinh phí.
Trong trường hợp này, kinh phí học tập cá nhân phải đóng để chi trả chi phí đào tạo”. [1]
Thu tiền học thăng hạng giáo viên là vi phạm Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT |
Như vậy có thể hiểu, trong trường hợp giáo viên được cử đi học thì không phải đóng tiền trả chi phí học tập, còn tự nguyện đi học thì phải đóng kinh phí học tập.
Theo ông Minh, việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ của giáo viên hay công chức, viên chức đã được quy định trong Nghị định 110 của Chính phủ. Luật Cán bộ, Công chức cũng quy định cán bộ, công chức được quyền học tập.
Tại Điều 80, Luật Giáo dục 2005 quy định việc Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ như sau:
“Nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hóa nhà giáo.
Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ”.
Dựa vào điều luật này, nhiều thầy cô cho rằng với những quy định như vậy thì việc học thăng hạng phải do nhà nước chu cấp kinh phí chứ không phải giáo viên tự bỏ tiền túi.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chanh-van-phong-bo-noi-vu-noi-ro-truong-hop-hoc-thang-hang-dong-khong-dong-tien-post199492.gd