Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Nguyễn Đức Chính (nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra những điều kiện cần để cơ sở giáo dục đại học tự chủ một cách thực chất và bền vững bao gồm từ chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra…
Tuy nhiên, theo thầy Chính để có thể tự chủ và thực thi hiệu quả các quyền tự chủ các cơ sở giáo dục đại học phải tự hoàn thiện mình. Trước hết là hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo, hoàn thiện hệ thống quản lí, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, kĩ thuật, học liệu…Cụ thể:
Hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo
Để có thể nhận quyền tự chủ và thực thi hiệu quả các lợi thế do tự chủ mang lại thì theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, các cơ sở đại học phải hoàn thiện hệ thống các chương trình đào tạo theo tinh thần Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học với 8 tiêu chuẩn, 30 tiêu chí và các chỉ báo.
Theo đó, mục tiêu 3 tiêu chí, chuẩn đầu ra 7 tiêu chí, chuẩn đầu vào 4 tiêu chí, khối lượng học tập 3 tiêu chí, cấu trúc chương trình 4 tiêu chí, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập 3 tiêu chí, đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ 5 tiêu chí, cơ sở vật chất- công nghệ - học liệu 1 tiêu chí.
Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Nguyễn Đức Chính (ảnh thầy Chính cung cấp) |
“Thông tư 17 không chỉ nêu quan điểm chính xác về chương trình đào tạo, các yếu tố cấu thành chương trình đào tạo, mà còn xác định những điều kiện thực thi chương trình đào tạo, các nội dung đánh giá cải tiến chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào Thông tư không những có thể để hoàn thiện các chương trình đào tạo hiện có, mà còn để thiết kế các chương trình đào tạo cho các ngành mới”, thầy Chính nhấn mạnh.
Đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thiện đội ngũ giảng viên
Theo quan sát của Giáo sư Nguyễn Đức Chính sau hơn 50 năm dạy đại học và sau đại học, còn khá đông giảng viên đang thiếu 1 kĩ năng nghề nghiệp quan trọng: kĩ năng phát triển chương trình môn học. Đây là kĩ năng nghề nghiệp quan trọng để thực thi quyền tự chủ học thuật và cũng là kỹ năng để phân biệt giáo viên chuyên nghiệp với nghiệp dư.
Giảng viên đại học khác với giáo viên phổ thông là có khả năng phát triển chương trình môn học mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động luôn thay đổi và đề xuất thay hoặc bổ sung vào chương trình đào tạo. Để làm việc này giảng viên phải nghiên cứu chương trình đào tạo khóa học, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình, nghiên cứu yêu cầu mới của thị trường lao động để ít nhất bổ sung, cập nhật các môn học đang có trong chương trình đào tạo. Và cao hơn thiết kế môn học mới để thay thế hoặc bổ sung vào chương trình đào tạo.
Ngoài ra giảng viên phải thiết kế được kế hoạch dạy học môn học một cách cập nhật nhất, phù hợp nhất với sinh viên của từng năm học, lớp học cụ thể (chứ không phải thiết kế 1 lần và dùng cho mãi mãi).
Hoàn thiện hệ thống học liệu và cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ đào tạo
Các cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo tối thiểu 1 môn học có hơn 1 giáo trình chính đã xuất bản, nhiều tài liệu tham khảo trong đó qui định số tài liệu tham khảo bắt buộc mà sinh viên có thể tiếp cận được.
Hoàn thiện hệ thống quản lí nhà trường
Trên cơ sở bộ chuẩn chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT thì các cơ sở giáo dục đại học cần bổ sung 01 hiệu phó chuyên trách tìm kiếm các dự án, các nguồn tài trợ, các cơ hội hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, những văn bản pháp quy chính đang được dùng để quản lí chương trình cũng như quá trình đào tạo bậc đại học hiện nay gồm Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018; Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT quy chế đào tạo theo tín chỉ ban hành 15/8/2007; Thông tư 08/2021/TT- BGDĐT quy chế đào tạo đại học ban hành 18/3/2021; Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT và một vài văn bản khác.
Muốn hoàn thiện hệ thống các chương trình đào tạo thì cần một số điều cần điều chỉnh chưa có trong các văn bản trên, bao gồm:
Quy trình nghiên cứu, khảo sát để xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Quy trình sử dụng mục tiêu, chuẩn đầu ra để lựa chọn, sắp xếp các khối kiến thức trong chương trình.
Số lượng tối đa các học phần (môn học) trong các khối kiến thức (không quá 40).
Số tín chỉ chuẩn cho 1 học phần ( 3 tín chỉ, hoặc bội số của 3 hoặc ước số của 3 cho các học phần tự chọn để dễ lắp ghép).
Tỷ lệ giờ lí thuyết và thực hành, tự nghiên cứu trong 1 học phần.
Các hình thức tổ chức dạy học (lí thuyết, thực hành , tự nghiên cứu) và các hình thức đánh giá tương ứng.
Bắt buộc có giờ xêmina do các trợ giảng hướng dẫn.
Bắt buộc có đội ngũ trợ giảng với nhiệm vụ hướng dẫn xêmina, chấm các bài tập cá nhân/tuần và nhóm/tháng.
Những điều cơ quan quản lí nhà nước cần làm
Theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, để các quyết định quản lí có hiệu lực, hiệu quả thì việc đầu tiên cần làm là hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết cách thực hiện các công việc cần làm để đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn.
Trong chương trình đào tạo thì mục tiêu, chuẩn đầu ra là yếu tố quan trọng nhất, quyết định chất lượng của cả chương trình đào tạo. Mà “chuẩn đầu ra là yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kĩ năng, mức độ tự chủ, trách nhiệm của người học sau tốt nghiệp”.
Cụ thể, trong Thông tư 17/2021 có 6 yêu cầu cần đạt về chuẩn đầu ra, trong đó yêu cầu 1 là quan trọng nhất rằng: “Phải rõ ràng và thiết thực thể hiện rõ ràng kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được về hiểu biết chung và năng lực cốt lõi ở trình độ đào tạo, những yêu cầu riêng của lĩnh vực, ngành đào tạo”.
Nếu chỉ căn cứ vào yêu cầu này thì các cơ sở giáo dục đại học rất khó thực hiện, cần có sự hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết qui trình thực hiện từng công việc và hỗ trợ các trường thực hiện để chuẩn đầu ra đạt được yêu cầu này.
Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là một quyết định “thuận thiên”, là tạo môi trường sống để các cơ sở giáo dục đại học có thể thực hiện được chức năng vốn có của mình là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập.
Vấn đề càng trở nên bức thiết khi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều ngành nghề đang đào tạo sẽ biến mất, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, những ngành nghề còn tồn tại nhưng sẽ thay đổi. Và chỉ khi có quyền tự chủ trong học thuật các trường đại học mới có thể phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng xu thế này.