Thời gian qua, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trả lời đề nghị của một số trường đại học tư thục về việc đăng ký mở ngành xuất bản, báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản ở các trường đại học tư thục.
Theo đó, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trả lời đề nghị của một số trường đại học tư thục về việc đăng ký mở ngành xuất bản, báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến:
“Tại điểm 3 về thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đối với công tác báo chí xuất bản, trong chỉ thị số 22-CT/TW ngày 17-10-1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về "Tiếp tục đổi mới và tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản" nêu: "Đào tạo bồi dưỡng báo chí chủ yếu là trong nước, dưới sự thống nhất của Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản ở các trường đại học dân lập, tư thục" .
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Bất kể là trường công lập hay tư thục, nếu để xảy ra sai phạm trong đào tạo đều phải xử lý theo pháp luật. Chính vì vậy, việc mở ngành đào tạo báo chí không nên có sự phân biệt giữa trường công hay trường tư.
Trước nhu cầu đổi mới, quan điểm của Đảng về các thành phần kinh tế cũng đã có những bước chuyển quan trọng. Cả trường công và trường tư đều nằm trong hệ thống giáo dục, đều có vai trò và trách nhiệm đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Do đó, những quy định nào đã cũ, không còn phù hợp với tình hình hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kiến nghị lên cấp trên để xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định, trường công lập hay trường tư thục đều nằm trong hệ thống giáo dục, đều có vai trò và trách nhiệm đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước (Ảnh: XT) |
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng cần phải đánh giá đúng vai trò của hệ thống các trường tư thục trong việc tạo động lực phát triển cho nền giáo dục quốc gia. Chính vì vậy, nên xem xét, tháo gỡ những bất cập còn tồn tại, đảm bảo thực hiện đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, tạo sự công bằng giữa công và tư.
"Dù là trường công hay trường tư đào tạo ngành báo chí thì đều phải tuân thủ đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, không phương hại đến an ninh quốc gia và đặc biệt phải tôn trọng pháp luật.
Đã có hệ thống pháp luật thì không nên phân biệt giữa trường công và trường tư, nếu đào tạo không đảm bảo chất lượng, vi phạm quy định của pháp luật, thực hiện sai đường lối chỉ đạo của Đảng thì đều bị xử lý.
Trường tư cũng có tổ chức Đảng, cũng vận hành, tổ chức theo quy định của pháp luật. Chúng ta không thể khẳng định rằng trường công đào tạo tốt hơn trường tư.
Mặt khác, những phóng viên được đào tạo từ trường công lập cũng có thể mắc những sai phạm và vẫn bị xử lý theo quy định", ông Vinh nhận định.
Hiện nay, truyền thông đại chúng có sứ mệnh rất lớn trong việc góp phần phát triển kinh tế xã hội và ổn định đất nước.
Nhân lực từ ngành báo chí không chỉ làm việc ở các lĩnh vực báo chí truyền thống của đất nước mà còn hoạt động khá hiệu quả cho các doanh nghiệp công và tư về Marketing, PR....
Nói cách khác, không vì phân loại là công hay tư để rồi gán nhãn, mặc định cứ tư là xấu hay cứ công là tốt. Như vậy sẽ không biện chứng và không phù hợp với đường lối của Đảng hiện nay để thúc đẩy mọi thành phần kinh tế cùng chung sức phát triển đất nước.
Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hạn chế mở ngành trong trường hợp vượt quá nhu cầu xã hội, tránh tình trạng chồng chéo về ngành nghề.
Tuy nhiên phân biệt giữa trường công và trường tư trong việc mở ngành, tổ chức đào tạo là không phù hợp.
Đào tạo theo nhu cầu xã hội và thực hiện kiểm định chất lượng
Trước yêu cầu các trường đại học dân lập, tư thục không được mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đã có những ý kiến chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề kiểm tra, kiểm định chất lượng đào tạo báo chí.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, có số ngành đặc biệt về an ninh, quốc phòng, về chính trị, đào tạo các nguồn nhân lực chính sách chỉ có ở một số trường đặc biệt như trường công an, quân đội, tòa án.
Với những ngành này, các trường ngoài công lập, thậm chí là các trường công lập đều không được giao nhiệm vụ đào tạo.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng nên để các trường đều có thể tham gia đào tạo ngành báo chí và thực hiện kiểm soát chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng đào tạo (Ảnh: Tùng Dương) |
Tuy nhiên, ngành báo chí không phải ngành do Nhà nước đặt hàng mà đào tạo theo nhu cầu xã hội. Do đó, nên tập trung kiểm soát chương trình đào tạo, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Việc các trường đều có thể tham gia đào tạo ngành báo chí giúp tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo ngành nghề.
"Nếu trường nào không đảm bảo yêu cầu, không thực hiện đúng quy định thì đưa ra chế tài xử lý, không cho phép đào tạo, dừng hoạt động đào tạo.
Đặc biệt, cơ quan thẩm định, kiểm định phải thể hiện quan điểm rõ ràng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cơ quan kiểm định có thể là đơn vị công lập, cũng có thể đơn vị ngoài công lập nhưng yêu cầu phải là kiểm định độc lập, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", không tách bạch giữa tổ chức đào tạo và kiểm định", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Một khi cơ quan kiểm định đảm bảo được yêu cầu về kiểm định viên, cơ sở vật chất, quy trình kiểm định thì được phép hoạt động kiểm định, nếu vi phạm hoạt động kiểm định thì cần có những chế tài xử lý.
Trong hoạt động đào tạo, nếu trường tư thục tổ chức đào tạo tốt, họ đào tạo nhằm phục vụ xã hội thì cần khuyến khích, tạo điều kiện để các trường triển khai. Nhà nước cần tôn trọng sự bình đẳng giữa trường công và trường tư.