Kỳ thi quốc gia, ưu điểm ít, nhược điểm nhiều

27/07/2015 06:00
Phạm Ngọc Hiền
(GDVN) - Sau nhiều năm bàn cãi, cuối cùng, kỳ thi “Hai trong một” cũng được tổ chức vào năm 2015. Bên cạnh những ưu điểm, kỳ thi này cũng bộc lộ một số nhược điểm.

LTS: Lần đầu tiên kỳ thi “Hai trong một” năm 2015 của Bộ GD&ĐT đã diễn ra trong sự kỳ vọng nhằm tiếp cận với xu hướng tuyển sinh của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. 

Tuy nhiên, việc áp dụng một mô hình mới cùng với những thay đổi mạnh cũng mang lại không ít khó khăn, thách thức.

Là một người trong ngành giáo dục, thầy giáo Phạm Ngọc Hiền chỉ ra những ưu, nhược điểm của kỳ thi với mong muốn ngành giáo dục khắc phục những sai sót, yếu kém để xây dựng nền giáo dục toàn diện. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này. 


Những ưu điểm

Ưu điểm lớn nhất của kỳ thi “Hai trong một” là ít tốn kém cho thí sinh. Nói đúng hơn là ít tốn kém tiền bạc và thời gian, công sức cho những thí sinh có nguyện vọng vào ĐH.

Còn những thí sinh chỉ có nguyện vọng đỗ Tốt nghiệp THPT thì chi phí cũng giống như các năm trước.

Trong kỳ thi này, số môn thi để xét Tốt nghiệp hạ xuống còn 4 môn. Nghĩa là trở lại với hình thức thi cử trước đây. 

Nhưng điểm mới là có một môn tự chọn. Ngoài ba môn bắt buộc: Toán, Văn, Anh, thí sinh được quyền chọn môn mình thích, có thể vừa dùng để xét Tốt nghiệp, vừa dùng để xét vào ĐH. Như vậy, rất tiện lợi cho thí sinh.

Khi nhập hai kỳ thi lại, quy mô sẽ lớn hơn và nghiêm túc hơn. Trước đây, trong kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh thường xem bài lẫn nhau, giám thị cũng thông cảm làm ngơ, trường thi hỗn loạn.

Nay, kỳ thi này còn mang tính chất tuyển sinh nên mạnh ai nấy làm bài, giảm bớt tình trạng lộn xộn…

Một số nhược điểm

Khi kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh nhập làm một, khâu tổ chức sẽ rất khó khăn. Trường ĐH đứng ra tổ chức kỳ thi làm cho các trường THPT có cảm giác hết trách nhiệm, đứng ngoài lề. 

Trường ĐH thuộc sự quản lý của Bộ, còn Sở GD&ĐT thuộc sự quản lý của Tỉnh, từ đó dẫn đến hiện tượng ai nói nấy nghe. 

Giả sử trường ĐH tỉnh A tổ chức thi, nhưng một vài giáo viên của tỉnh B đến chấm thi không nghiêm túc thì Hiệu trưởng ĐH tỉnh A sẽ xử lý như thế nào? 

Trong khi những giáo viên này không thuộc quyền quản lý của mình và mình cũng không có quyền lựa chọn.

Ngược lại, nếu trường ĐH tổ chức khâu ăn ở, đi lại và trả kinh phí cho giáo viên tỉnh khác không hợp lý thì giáo viên có quyền khiếu nại và ngừng chấm thi hay không? Việc giáo viên THPT ở tỉnh này đi chấm thi cho một trường ĐH ở tỉnh khác là trách nhiệm hay quyền lợi?

Khi nhập hai kỳ thi làm một thì số cụm thi sẽ nhiều hơn trước đây. Từ đó, dẫn đến tình trạng khó quản lý về nhân sự và chất lượng. 

Nhìn bề ngoài, tất cả các cụm có vẻ giống nhau về cách thức làm việc. Nhưng đi vào bên trong, vẫn có hiện tượng vận dụng một cách “linh hoạt sáng tạo” các quy chế của Bộ. 

Kỳ thi quốc gia, ưu điểm ít, nhược điểm nhiều ảnh 1
Đề thi ngày càng mở nhưng quy chế chấm vẫn không mở (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Mỗi trường ĐH tổ chức thi cho thí sinh khoảng 3 tỉnh gần nhau, có quan hệ thân thiết, tính cục bộ địa phương vẫn còn. Ở các Hội đồng thi do Sở Giáo dục tổ chức, nhiều giám thị vẫn còn tâm lý xuê xoa, châm chước để cho thí sinh thi đỗ tốt nghiệp. 

Từ đó, có hiện tượng, nơi này chấm nới vì “vùng xa”, nơi kia chấm chặt vì “thành phố”. Khi thí sinh dùng kết quả đó để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH trong cả nước thì dẫn đến tình trạng không công bằng. 

Khi chấm thi, giám khảo vẫn còn băn khoăn giữa hai mức độ dành cho tốt nghiệp và dành cho tuyển sinh. Có những ý mà nếu chấm tốt nghiệp thì giám khảo có thể châm chước nhưng nếu chấm tuyển sinh thì khó cho điểm. 

Đối với bài luận môn Anh văn, yêu cầu viết câu dùng từ của cấp THPT và ĐH có khác nhau. Một giáo viên dạy Anh văn phổ thông chấm chung bài với một giảng viên ĐH, đến khi hội điểm, khó có sự thống nhất. 

Kỳ thi quốc gia, ưu điểm ít, nhược điểm nhiều ảnh 2

Phần Đọc – hiểu trong đề thi Ngữ văn, có cần phải hai văn bản?

(GDVN) - Phần Đọc – hiểu trong đề thi từ chiếm số điểm 2/10 nay được nâng lên 3/10. Nếu năm 2014, 1 văn bản với 3 câu hỏi thì năm nay ra 2 văn bản dài với 8 câu hỏi.

Giáo viên phổ thông quen chấm nới với thi Tốt nghiệp, còn giảng viên ĐH quen chấm chặt với thi tuyển sinh. Giám khảo môn Ngữ văn lại càng khó khăn hơn khi đề thi ngày càng mở nhưng quy chế chấm vẫn không mở.

Trước đây, trong kỳ thi Tốt nghiệp, giáo viên phổ thông giữ vai trò chính. Còn trong kỳ thi tuyển sinh, giảng viên ĐH là chủ, giáo viên phổ thông là khách. Nhưng trong kỳ thi “Hai trong một”, thật khó xác định ai là lực lượng nòng cốt. 

Theo quy định, chỉ có những giáo viên đã từng dạy lớp 12 mới được đi chấm thi. Vậy, những giảng viên ĐH chưa từng dạy lớp 12 thì có được tham gia chấm thi không? 

Đối với môn Toán, kết quả bài làm rất rõ ràng, ai chấm cũng được, nhưng không đơn giản như vậy với các môn Xã hội. Đối với các giảng viên suốt đời chuyên dạy Văn học phương Tây, Hán Nôm, Ngữ âm… thì việc chấm một bài thi thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại là không ổn, xét về mặt khoa học và sư phạm. 

Mặt khác, giảng viên Ngôn ngữ học thường quan tâm tới kỹ năng diễn đạt trong khi giảng viên Văn học thường chấm ý. Đến lúc hội điểm, khó tránh khỏi sự chênh lệch. Và sự chênh lệch này sẽ ít hơn giữa các giáo viên phổ thông có kinh nghiệm lâu năm.

Nhìn về tương lai…

Hiện nay, trên thế giới, hình thức đào tạo tín chỉ đã rất phổ biến. Ở Việt Nam, hình thức này chỉ mới áp dụng với bậc ĐH. Trong tương lai, nên áp dụng một phần hình thức đào tạo tín chỉ đối với bậc THPT. 

Kỳ thi quốc gia, ưu điểm ít, nhược điểm nhiều ảnh 3

Tại sao có thể đủ điểm đỗ Đại học nhưng ...trượt tốt nghiệp?

(GDVN) -Không ít học sinh đỗ Đại học khối A và khối B nhưng lại trượt tốt nghiệp vì môn Văn điểm thấp...

Nghĩa là, học sinh học xong môn nào thì thi kết thúc môn đó rồi học môn khác. Sở GD&ĐT sẽ tổ chức ra đề và chấm thi kết thúc môn học. 

Sau 3 năm học tập, học sinh nào tích lũy đầy đủ các tín chỉ thì được cấp bằng tốt nghiệp. Các trường ĐH sẽ tự đưa ra những hình thức tuyển sinh phù hợp với đặc trưng của mình. 

Có trường thi tuyển, có trường xét tuyển, có trường kết hợp cả hai, hoặc chỉ ghi danh nhập học như đại đa số các trường ĐH ở nước ngoài.

Và mỗi năm đến hè, học sinh không còn phải lo lắng đối phó các kỳ thi. Phụ huynh không phải vất vả kiếm tiền, dắt con đi thi. Và các nhà giáo dục cũng không còn phải cãi nhau về vấn đề thi chung, thi riêng…

Phạm Ngọc Hiền