Tối qua (23/7), Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở cụm thi địa phương và liên tỉnh. Theo đó, tỷ lệ đỗ ở cụm do Sở GD&ĐT tổ chức thấp hơn cụm do các trường đại học tổ chức.
Điều này cũng phản ánh một điều cụm do Sở GD&ĐT tổ chức chủ yếu là thí sinh có nguyện vọng chỉ đỗ tốt nghiệp, các câu hỏi nâng cao trong đề thi các thí sinh chưa làm được.
Cùng với việc công bố tỷ lệ đỗ ở hai loại cụm, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố phổ điểm của từng môn thi. Phổ điểm các môn thi là khác nhau, có mức độ chênh lệch khác nhau, điều đó sẽ phản ánh chính được phần nào quá trình dạy học ở phổ thông, mức độ đề thi như thế nào.
Tuy nhiên, một điều mà dư luận vẫn băn khoăn ở đây là tại sao Bộ GD&ĐT không công bố dữ liệu điểm thi của các thí sinh ở từng cụm thi khác nhau?
Xã hội muốn giám sát, muốn góp ý trên tinh thần xây dựng để có một kỳ thi tốt nhất, phản ánh được tính trung thực của trình độ thí sinh. Dám nhìn thẳng vào thực tế để cùng sửa chữa (nếu có) và đương đầu với thử thách (có thể tỷ lệ không đẹp) để có được một nền giáo dục tiên tiến.
Khi mà Bộ GD&ĐT vẫn còn chưa công bố công khai dữ liệu điểm thi thí sinh thì vẫn còn đó những băn khoăn về những điều dưới đây mà nhiều người cho rằng có thể sẽ xảy ra.
Chuyện “làm đẹp” học bạ?
Đây là câu chuyện không mới, nhưng nó lại mới ở trong một kỳ thi “hai chung” khi mà điểm thi chưa chắc đã quyết định tới “vận mệnh” của từng thí sinh.
Học bạ - quá trình rèn luyện của học sinh trong thời gian học phổ thông sẽ là “cứu cánh” quan trọng khi thí sinh bị điểm thấp.
Ảnh minh họa của Phương Thảo |
Theo quy định trong quá trình công nhận tốt nghiệp, quá trình rèn luyện ở phổ thông sẽ chiếm tới 50% trong việc công nhận tốt nghiệp THPT. Do vậy, lo lắng chuyện có can thiệp “làm đẹp” học bạ không phải không có cơ sở.
Một tình huống giả định nhưng ai dám chắc sẽ không xảy ra? Một thí sinh bị điểm 0 môn Toán, trong khi học bạ môn này điểm lại rất cao?
Kết thúc kỳ thi nếu có một cuộc “điều tra” nho nhỏ về những thí sinh bị điểm liệt (chưa nói tới điểm 0) và so sánh với “thành tích” trong học bạ thì có thể nhìn ra ngay vấn đề?
Do đó, rất cần Bộ GD&ĐT công bố công khai dữ liệu điểm thi của thí sinh để xã hội giám sát việc này một cách công bằng nhất.
Thứ hai, chất lượng đầu vào đại học bị ảnh hưởng tiêu cực
Với việc đổi mới thi như năm nay, chúng ta có 2 loại cụm thi – một cụm do địa phương chủ trì và cụm thi do các trường đại học chủ trì.
Trước kỳ thi đã có nhiều ý kiến băn khoăn về hai loại cụm thi này, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về sự “vênh” từ công tác coi thi, chấm thi, cho tới tỷ lệ đỗ tốt nghiệp.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Điểm thi có phải bí mật quốc gia đâu mà giấu? (GDVN) - GS Nguyễn Minh Thuyết: "Đến ngẫu hứng, bất ngờ như bóng đá cũng không thể thay đổi luật chơi vào phút cuối như chuyện công bố điểm thi tốt nghiệp năm nay". |
Và, kết thúc kỳ thi khi Bộ GD&ĐT công bố tỷ lệ đỗ, điều lo lắng này đã trở thành hiện thực khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở cụm do Sở GD&ĐT tổ chức thấp hơn cụm do trường đại học tổ chức.
Một điều lo ngại nữa rất có thể xảy ra, đó là việc coi ở cụm thi thành phố có thể chặt hơn các cụm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa dẫn đến tình trạng thí sinh học lực trung bình ở miền núi có điểm thi cao hơn thí sinh học lực khá ở thành thị.
Với quy định xét tuyển đại học như năm nay, các trường đại học tốp trên có thể sẽ tuyển được những thí sinh “kém” chất lượng?
Và, câu chuyện điểm thi cao chưa chắc đã là thí sinh có học lực giỏi vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề này rất có thể xảy ra khi các trường đại học, cao đẳng không tuyển chọn được người đủ năng lực?
Ai đảm bảo dữ liệu điểm sẽ tuyệt đối an toàn, không bị can thiệp, chỉnh sửa?
Việc Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ không công bố dữ liệu điểm thô của hơn 1 triệu thí sinh có thể sẽ là nguy cơ để “tin tặc” xâm nhập. Vì không ai biết dữ liệu điểm đó sẽ như thế nào, việc sửa điểm trong dữ liệu điểm quốc gia vẫn có thể xảy ra khi Bộ buông lỏng khâu bảo mật.
Nói trong cuộc giao ban tại Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 21/7 vừa qua, ông Mai Văn Trinh-Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, ngoài dữ liệu từ các cụm thi gửi về Bộ thì chính tại các cụm thi cũng là nơi lưu trữ dữ liệu gốc, do đó tính bảo mật rất lớn.
Cứ coi như các biện pháp bảo mật dữ liệu thi quốc gia là an toàn, nhưng việc sửa điểm thí sinh ở đây không ai dám chắc là sẽ không xảy ra?
Có bàn tay con người, tức là có thể can thiệp được vào dữ liệu điểm thi từ ngay ý chí chủ quan. Và, Bộ không công khai điểm thi, cũng không ai có thể kiểm tra được việc điểm thi có bị can thiệp hay không?
Chưa kể, hệ thống lưu trữ hoàn toàn có thể bị đột nhập bởi các chuyên gia lão luyện về máy tính. Khi ấy, dữ liệu điểm bị can thiệp hay không thì ai biết được?
Giả thiết, dữ liệu điểm của 5 vạn thí sinh bị nâng lên, các em này sau đó đỗ vào các trường đại học. Khi đi học rồi, mới phát hiện ra thì làm thế nào?
Những nguy cơ mà chúng tôi vừa nên trên có thể xảy ra trong tương lai gần và điều này không ai mong muốn.
Xin lưu ý rằng, các nguy cơ nêu trên hiện đang ở dạng giả thuyết và được nhiều chuyên gia giáo dục trao đổi với Tòa soạn và họ đề nghị không xuất hiện công khai.
Quan điểm của chúng tôi, các quan ngại này cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng giải đáp rõ ràng.
Dưới đây, là một số góp ý khác về chuyện công khai hay không công khai điểm gửi tới Bộ GD&ĐT.
Công khai cho thầy cô, nhà quản lí biết để điều chỉnh dạy và học
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội thì, việc không công bố dữ liệu thô cũng có lí do riêng. Tuy nhiên, quan điểm của TS. Lâm là Bộ GD&ĐT phải làm sao để từng trường, từng thầy cô biết được điểm học sinh của mình, từ đó có biện pháp điều chỉnh trong quá trình dạy và học sau này.
“Vấn đề không công bố điểm từng thí sinh lên mạng cũng là một triết lí, nhưng phổ điểm chung phải được biết, bao nhiêu điểm 0 phải biết, tỷ lệ đỗ như thế nào, tỷ lệ từng môn, từng khu vực phải được biết. Các thầy cô giáo cần phải biết kết quả đào tạo của mình như thế nào, từng tỉnh, từng trường như thế nào thì Bộ phải cung cấp.
Bộ giữ điểm thi, nhà giáo lo lắng gửi thư ngỏ tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (GDVN) - Thư này được nhóm tác giả Việt Cường viết và mong muốn thông qua Tòa soạn Giáo dục Việt Nam gửi tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. |
Hơn nữa, các nhà quản lí, các cấp cũng cần được biết từng khu vực đào tạo như thế nào để tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm, giúp đỡ nhưng nơi còn khó khăn” TS. Lâm nêu quan điểm.
Một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng thì việc công bố điểm thi là điều cần thiết. Theo TS. Lâm, kỳ thi nghiêm túc mới tác động đến quá trình học sinh học nghiêm túc, nếu tỷ lệ đỗ cao có thể học sinh sẽ không học.
Việc công bố điểm thi cũng là để xã hội khách quan nhìn vào chất lương giáo dục phát triển từng năm như thế nào. “Năm đầu tiên làm thi quốc gia, chúng ta phải chấp nhận tỷ lệ nào cũng được, nhưng tôi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chênh nhau,như thế là không công bằng” TS. Lâm cho biết.
Trong khi đó, TS. Giáp Văn Dương - người xây dựng trường học trực tuyến GiapSchool cho rằng, mọi thứ có thể nói qua phổ điểm thi, nhìn vào phổ điểm có thể nói được kỳ thi này như thế nào.
Còn GS. Phạm Phụ (Trường Đại học Bách khoa – ĐH QG TP.HCM) nói ngắn gọn: “Bộ GD&ĐT không việc gì phải giấu. Công bố để cho xã hội giám sát sẽ tốt hơn lên”.