Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong lần đầu tiên triển khai theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kết quả bước đầu từ kỳ thi cho thấy sự thích ứng nhanh của học sinh với cách đánh giá mới, đồng thời mở ra triển vọng nâng cao chất lượng kỳ thi trong các năm tiếp theo, dù vẫn còn một số khía cạnh kỹ thuật cần tiếp tục được chuẩn hóa.

Phổ điểm tích cực hơn kỳ vọng

Tiến sĩ Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: Trường Đại học Thành Đô
Tiến sĩ Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: Trường Đại học Thành Đô

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm nay đã hoàn thành hai mục tiêu lớn: xét tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu tin cậy phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

“Kết quả kỳ thi chỉ chiếm 50% trong tổng điểm xét tốt nghiệp, phần còn lại là điểm trung bình học bạ. Như vậy, thí sinh có kết quả thi ở mức trung bình, thậm chí dưới trung bình, nhưng học bạ tốt vẫn có thể đủ điều kiện tốt nghiệp. Cách tính này góp phần giảm áp lực thi cử, đồng thời bảo đảm tính ổn định xã hội”, chuyên gia phân tích.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Hiệp, năm nay là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với định hướng chuyển từ đánh giá nội dung sang đánh giá năng lực người học. Trong bối cảnh này, những đổi mới về mặt kỹ thuật khảo thí cần được nhìn nhận như bước đầu của một quá trình chuyển đổi dài hạn.

Về cơ bản, điểm trung bình các môn dao động trong khoảng 5 đến 7 điểm, tùy theo môn. Tuy nhiên, phổ điểm giữa các môn thi cho thấy có sự khác biệt nhất định. Chuyên gia đánh giá đây là điểm yếu kỹ thuật cốt lõi bởi việc chuẩn hóa đề thi cần qua nhiều năm, không dễ thực hiện ngay được.

ket-qua-thong-ke-diem-10-cua-cac-mon-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-va-2025-2.png

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, so với tâm lý lo ngại ban đầu của học sinh và xã hội ngay sau kỳ thi, phổ điểm công bố chính thức cho thấy bức tranh tích cực hơn nhiều.

Ngoài ra, đâu đó còn một số băn khoăn về sự lệch phổ điểm giữa các môn, dẫn đến nguy cơ thiếu công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển trong cùng một ngành.

Với lo ngại này, Tiến sĩ Phạm Hiệp lưu ý, theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo đại học quy đổi tương đương tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành hướng dẫn thực hiện quy đổi tương đương theo phương pháp bách phân vị. Phương pháp này không dựa vào điểm tuyệt đối mà quy đổi theo vị trí tương đối của thí sinh trong mỗi tổ hợp.

Ví dụ, một thí sinh đạt 26 điểm ở tổ hợp A00 và nằm trong nhóm 5% cao nhất của tổ hợp này, có thể được quy đổi tương đương với một thí sinh đạt 28 điểm ở tổ hợp C00 nếu người đó cũng thuộc nhóm 5% cao nhất.

Tiến sĩ Phạm Hiệp đánh giá phương pháp này sẽ phá vỡ những lo ngại về nguy cơ thiếu công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển trong cùng một ngành.

Tuy nhiên, vị viện trưởng cũng lưu ý rằng hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc rất lớn vào cách từng trường thực hiện.

“Trường nào áp dụng đúng, có hệ thống dữ liệu tốt, thì quy đổi sẽ công bằng hơn. Tôi mong các trường thực hiện nghiêm túc, chính xác và kịp thời để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nói thêm.

dsc-9724.jpg
Ảnh minh họa: DN

Tiến sĩ Phạm Hiệp đánh giá kỳ thi tốt nghiệp năm nay có nhiều điểm đáng khích lệ. Chuyên gia nhấn mạnh những điểm tích cực cần phát huy như xu hướng ra đề tiếp cận năng lực người học rõ nét hơn, mức độ phân hóa được cải thiện.

Việc tăng trọng số điểm học bạ trong xét tốt nghiệp là một điều chỉnh hợp lý, giúp mở rộng biên độ cho việc thiết kế độ phân hóa của đề thi nhằm mục đích sử dụng cho tuyển sinh đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học có thể yên tâm sử dụng làm căn cứ xét tuyển đầu vào

Cùng đánh giá về kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đây là điểm thú vị, cho thấy tín hiệu tích cực của việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Khi chưa có kết quả, chúng ta cứ nghĩ học sinh sẽ không làm được bài, sẽ bị sốc. Nhưng thực tế cho thấy các em làm được. Điều đó chứng tỏ học sinh đã đi trước. Các em đã thích ứng, dù còn lạ lẫm, bỡ ngỡ vì chưa được làm quen nhiều với dạng đề thi mới. Đây là điều bất ngờ và cũng rất lạc quan, khi học sinh dường như đã bắt đầu hình thành được năng lực thích ứng với cái mới”, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Sơn phân tích.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: MOET
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: MOET

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với phổ điểm năm nay, các cơ sở giáo dục đại học có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi làm căn cứ xét tuyển đầu vào.

Một điểm đáng chú ý là kỳ thi năm nay có những đổi mới liên quan trực tiếp đến kỹ thuật khảo thí, điều vốn không dễ thực hiện và đòi hỏi quá trình học hỏi từ các tổ chức đánh giá quốc tế.

“Nếu quan sát kỹ đề thi năm nay, có thể thấy sự xuất hiện với tần suất cao của các dữ liệu thực tiễn. Việc sử dụng dạng dữ liệu này cho thấy nỗ lực của Ban ra đề trong việc tiếp cận đánh giá năng lực người học một cách xác thực. Và cá nhân tôi cho rằng việc đánh giá đó khá sát với thực tế”, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Sơn nhận định.

Trước những băn khoăn từ dư luận về độ "vênh" giữa kiến thức học sinh được học và đề thi thực tế, vị Hiệu trưởng cho rằng chính kết quả kỳ thi đã tự trả lời cho điều này.

“Chúng ta vẫn quen nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của người lớn, cho rằng học sinh sẽ gặp khó khăn với những thay đổi. Nhưng kết quả thực tế cho thấy các em làm được. Học sinh đã đi trước cả chúng ta trong việc thích ứng với đổi mới, dù chưa được làm quen nhiều với đề thi kiểu mới”, vị Hiệu trưởng nói.

Phó Giáo sư Nguyễn Đức Sơn cho rằng đây là tín hiệu rất đáng khích lệ, và bày tỏ: “Với hơn một triệu thí sinh dự thi, dữ liệu kết quả đủ lớn để cho thấy bản thân chúng ta cũng cần điều chỉnh lại cách nhìn nhận vấn đề”.

Bên cạnh đó, thầy Sơn đặc biệt đánh giá cao sự phân bố đồng đều của các mức điểm cao ở nhiều địa phương trên cả nước: “Kết quả thống kê cho thấy điểm 10 xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác nhau, không chỉ tập trung tại các khu vực trung tâm. Điều đó phản ánh sự lan tỏa của cơ hội học tập, sự bình đẳng trong tiếp cận tri thức”.

Theo thầy Sơn, nếu đề thi chỉ phù hợp với học sinh ở thành phố, nơi có điều kiện học thêm và được đầu tư nhiều hơn, sẽ tạo ra bất bình đẳng trong đánh giá. Tuy nhiên, kỳ thi năm nay cho thấy điều ngược lại:

"Nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa như An Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La… đều có học sinh đạt điểm cao, xuất hiện trong nhóm địa phương có điểm trung bình và số lượng điểm 10 cao nhất cả nước. Đây là tín hiệu rất đáng ghi nhận", thầy Sơn nhận định.

ket-qua-thong-ke-diem-10-cua-cac-mon-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-va-2025-1.png

Chia sẻ thêm, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Sơn cho biết, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kỳ vọng chất lượng tuyển sinh năm nay sẽ tốt hơn so với các năm trước. Theo thầy Sơn, khả năng cạnh tranh của thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển vào trường luôn ở mức cao.

“Ngay cả khi trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, thì tỷ lệ chỉ tiêu dành cho thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn chiếm khoảng 60% trong nhiều năm qua”, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Sơn thông tin thêm.

Doãn Nhàn