Ký ức bi hùng của cựu binh Gạc Ma

25/07/2015 07:56
Hoàng Hà
(GDVN) - Hơn 27 năm trôi qua, ký ức bi hùng về trận chiến đẫm máu tại Trường Sa để giữ chủ quyền biển đảo trong những cựu binh Gạc Ma vẫn còn nguyên vẹn.

LTS: Hai ngày nữa là đến ngày cả dân tộc thành kính tưởng nhớ, ghi ơn các anh hùng thương binh, liệt sĩ đã cống hiến xương máu của mình vì độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, bảo vệ biên giới lãnh thổ, biển đảo quê hương.

Từ hôm nay, Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ khởi đăng các bài biết tri ân các anh hùng dân tộc như thế...

Hôm nay, là câu chuyện của một cựu binh Gạc Ma.

Ngày lên đường

Năm 1988, anh Nguyễn Bá Ngọc chiến đấu ở Gạc Ma, Trường Sa. Hiện, anh ở trong căn nhà nhỏ trên lưng chừng đồi vừa mới được hỗ trợ xây dựng vào tháng 4/2015.

Đã hơn 27 năm trôi qua, ký ức về trận chiến ngoan cường trên đảo Gạc Ma vẫn luôn hiện hữu trong anh. 

Anh Ngọc (SN 1964, trú tại thôn Tân Hội, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), lớn lên bằng nghề làm nông. Tháng 8/1985, anh lên đường nhập ngũ khi đang ở độ tuổi đôi mươi.

Sau 1 năm huấn luyện ở Hải Phòng, anh được chuyển về Trung đoàn 83 Công binh đóng tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

Vào một ngày đầu tháng 3/1988, đơn vị anh nhận được lệnh đi Cam Ranh, Khánh Hòa để nhận nhiệm vụ ra Trường Sa giữ đảo.

Anh Nguyễn Bá Ngọc đang hồi tưởng lại trận hải chiến Gạc Ma (Ảnh Hoàng Hà)
Anh Nguyễn Bá Ngọc đang hồi tưởng lại trận hải chiến Gạc Ma (Ảnh Hoàng Hà)

Năm đó, anh Ngọc được đơn vị cho nghỉ phép nửa tháng về quê ăn Tết sau hơn 2 năm xa nhà. Đang trong thời gian nghỉ phép thì anh nhận được giấy báo của đơn vị.

Anh Ngọc kể: "Hôm đó là 12 Tết, sau khi nhận được giấy báo, tôi vội vàng thu xếp đồ đạc rồi quay vào đơn vị. Khi đến nơi, đồng đội tôi đã di chuyển hết vào Cam Ranh. Không còn ai nên tôi vào nghỉ nhờ ở nhà một người quen, sau đó thì được đơn vị điều xe đến đón. 

Đến Cam Ranh, tôi được nghỉ ngơi đúng một đêm thì lại cùng đơn vị lên tàu HQ 604 tiến thẳng ra Trường Sa. Chúng tôi phải đi mất gần 3 ngày 3 đêm mới ra tới nơi". 


Ký ức máu

Đúng 15h chiều ngày 13/3/1988, con tàu HQ 604 chở hơn 200 người gồm lính hải quân, lính gác, lính tàu ra đến đảo Gạc Ma. 

Vừa đến nơi, chúng tôi đã thấy tàu Trung Quốc đóng chiếm ở đó. Thấy chúng tôi, họ tuyên bố đây là lãnh thổ của Trung Quốc, rồi đuổi chúng tôi đi”, anh Ngọc nhớ lại.

Đêm hôm đó, Trung tá Trần Đức Thông chỉ đạo tất cả các đồng chí trên tàu nghỉ ngơi, không được ồn ào. Chúng tôi nghiêm chỉnh thực hiện theo lệnh của Trung tá.

Đến 3h sáng 14/3/1988, Trung tá Thông huy động tất cả các chiến sĩ dậy cẩu xuồng chở vật liệu xây dựng chuyển lên đảo. 

Một nhóm chiến sĩ gồm Trung úy Trần Văn Phương và 4 đồng chí khác đã cắm được lá cờ Tổ quốc lên bãi đá Gạc Ma khẳng định chủ quyền. 

Thế nhưng, vừa cắm xong lá cờ Tổ quốc thì phía bên ngoài đảo, 3 tàu Trung Quốc di chuyển đội hình tiến vào, dàn hàng tấn công.

Vì mất hết giấy tờ, nên hiện tại anh Ngọc chỉ có duy nhất một tấm bằng kỷ niệm của Hội Cựu chiến binh Việt Nam (Ảnh: Hoàng Hà)
Vì mất hết giấy tờ, nên hiện tại anh Ngọc chỉ có duy nhất một tấm bằng kỷ niệm của Hội Cựu chiến binh Việt Nam (Ảnh: Hoàng Hà)

Dù thế, các chuyến vật liệu của chúng ta vẫn hối hả chuyển lên đảo, các chiến sĩ công binh vẫn tiếp tục quay lại tàu bốc hàng. 

Lúc này, một chiếc ca nô của Trung Quốc chạy quanh rồi họ cắt đứt dây neo tàu của chúng ta.

Khi đó, tôi đánh liều nhảy xuống bơi ra lấy dây buộc lại. Vừa nhảy xuống, họ liền quay lại chỉ súng vào tôi bảo, ai lội xuống nối dây thì sẽ bắn chết. Thấy họ quá hung hăng, tôi đành quay lại xuồng”, anh Ngọc kể tiếp. 

Trước tình hình đó, Trung tá Trần Đức Thông chỉ huy các chiến sĩ kéo xuồng tiến về phía cột cờ. Các chiến sĩ ta kéo xuồng đến nơi thì phía Trung Quốc cũng kéo đến. 

Họ bao vây theo thế vòng cung men theo bãi san hô, những chỗ vòng vây gần nhất, hai bên cách nhau chỉ chừng một mét. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc. 

Họ nhảy lên cướp lá cờ của chúng ta. Sau một hồi giằng co để giữ cờ, Binh nhất Nguyễn Văn Lanh đã nhảy lên xô vào ngực một sĩ quan chỉ huy lính Trung Quốc. 

Bị va chạm, viên sĩ quan Trung Quốc rút súng bắn chỉ thiên để uy hiếp tinh thần, rồi chĩa thẳng súng vào Thiếu úy Trần Văn Phương. Trận giáp lá cà kết thúc khi lính Trung Quốc rút đi...

"Nhưng ngay sau đó là tiếng đạn, tiếng pháo của Trung Quốc bắn liên tiếp, xối xả vào các chiến sĩ trên đảo. Để tránh thương vong, nhiều chiến sĩ của ta lặn sâu xuống nước tránh đạn. Nép ở dưới rặng san hô, tôi thấy tiếng đạn cứ bắn bụp bụp liên tiếp vào mặt nước, nhưng tôi đã rất may mắn vì không bị thương. 

Sau khi bắn quân ta, phía Trung Quốc còn trở lại để tìm anh Lanh trả thù nhưng không thấy...
”, anh Ngọc nhớ lại khoảnh khắc nguy hiểm.

Khi tàu HQ 604 bốc cháy và chìm, quân Trung Quốc nhanh chóng rút lên tàu và không còn bắn nữa. 

Anh Ngọc cùng một số chiến sĩ còn sống bơi xung quanh đảo tìm đồng đội bị thương nhưng không thấy đâu. Sau đó, họ bám trụ trên chiếc xuồng, ai còn sức khỏe thì cố đạp xuồng chạy về phía tàu HQ 505 đang neo đậu, chiến đấu phía xa. 

Ký ức bi hùng của cựu binh Gạc Ma ảnh 3

Mẹ muốn một lần được ra Trường Sa để gần con mẹ hơn

(GDVN) - Đã 27 năm sau trận hải chiến Gạc Ma biển cả đã ôm trọn anh vào lòng như những ngày ấu thơ anh được mẹ ôm chặt vào trong lòng.

"Khi gần tới nơi, nhận ra chúng tôi, những chiến sĩ trên tàu HQ 505 đã cho xuồng máy ra đón về, đến khoảng 5h chiều thì chúng tôi lên được tàu HQ 505. 

Tối hôm đó, chúng tôi được đưa về đảo Sinh Tồn. Khoảng 1 tuần sau, thì được tàu của quân chủng ra đón về đất liền",
anh Ngọc nhớ lại

“Cuộc chiến” mưu sinh

Tháng 10/1988, anh Nguyễn Bá Ngọc xuất ngũ trở về quê hương sinh sống. Hơn 1 năm sau đó, anh cưới vợ và sinh được 3 người con nhưng đến nay, 27 năm trôi qua, cuộc sống của gia đình anh vẫn quá chật vật.

Từ sau ngày trở về từ Gạc Ma, anh Ngọc bị mắc bệnh thần kinh tọa và viêm phổi nặng. Không làm được việc nặng nên suốt mấy chục năm qua, anh chỉ ở nhà nuôi bò, nuôi lợn, nấu cơm giúp vợ.

Ký ức bi hùng của cựu binh Gạc Ma ảnh 4
Anh Ngọc đang đốn củi để chuẩn bị nấu cháo cho lợn (Ảnh: Hoàng Hà)

Còn vợ anh là chị Bùi Thị Kiềm hàng ngày đi làm thuê để có tiền nuôi các con ăn học. 

Cả hai vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định, ruộng lại ít nên vợ tôi đi vác bạch đàn thuê kiếm thêm thu nhập. Nói chung trong vùng ai thuê làm gì thì làm cái đó, mỗi ngày công được 150 nghìn đồng”, anh Ngọc nói.

Cách đây 7 năm, con gái đầu của anh là Nguyễn Thị Dương (SN 1990) học xong lớp 12, thi đỗ vào Cao đẳng Mầm non nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể đi học. Dương vào Bình Dương làm công nhân để phụ giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học.

Con trai thứ hai của anh là Nguyễn Đức Lương học xong lớp 12 thì ở nhà. Hiện Lương đang đi nghĩa vụ quân sự tại TP.HCM. 

Đứa con gái út của anh Ngọc vừa mới thi xong kỳ thi THPT. Em muốn theo học ngành Mầm non nhưng không biết vợ chồng anh Ngọc có đủ điều kiện để cho em theo học hay không?.

Trong thời gian chờ kết quả thi, em vào thành phố làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.

Năm 1995, lũ đã cuốn trôi tất cả bằng khen, giấy tờ của anh Ngọc khi đang được cất giữ trong căn nhà dột nát, tạm bợ mà vợ chồng anh sinh sống.

Vì vậy, khi làm hồ sơ để được hưởng chế độ, anh gặp khó khăn và được hưởng muộn hơn so với nhiều đồng đội khác.

Đến nay, được sự giúp đỡ của địa phương và đồng đội, anh đã hoàn thiện được hồ sơ và đang chờ để được nhận chế độ của một cựu binh Gạc Ma.

Hoàng Hà