Kỳ vọng đề thi Ngữ văn vào 10 không rập khuôn, HS có "đất" thể hiện năng lực

04/05/2025 07:21
Trần Văn Tâm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một đề thi sáng tạo sẽ là cơ hội tốt để học sinh phát huy năng lực một cách sáng tạo, chứ không đơn thuần tái hiện kiến thức một cách rập khuôn, máy móc.

Quá trình dạy học gồm có 4 thành tố quan trọng là mục tiêu dạy học, nội dung dạy học, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Theo tinh thần đổi mới giáo dục, hướng đến mục tiêu phát triển năng lực của người học, các thành tố trên cần được phối hợp một cách hiệu quả trong quá trình tổ chức.

Trong đó, thành tố kiểm tra, đánh giá là thành tố quan trọng phản ánh được cả quá trình dạy học.

Để đánh giá chính xác kết quả dạy học thì đề kiểm tra phải đảm bảo các yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học.

Người viết là giáo viên Ngữ văn trung học phổ thông có theo dõi đề thi tuyển sinh vào 10 của nhiều địa phương trong cả nước và nhận thấy, từ năm 2019 đến nay, đề thi tuyển sinh 10 môn Ngữ văn của Thành phố Hồ Chí Minh luôn sáng tạo, đem đến cảm giác bất ngờ, thích thú cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Đề thi tuyển sinh 10 của Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm mỗi sáng tạo

Thứ nhất, từ năm 2019, cấu trúc đề thi thay đổi hoàn toàn khác biệt so với trước đó, được định hình theo hướng của đề thi của chương trình 2018.

Theo đó, đề thi gồm 3 phần rõ ràng: Đọc hiểu (30%), Nghị luận xã hội (30%), Nghị luận văn học (40%). Phần Nghị luận văn học có 2 câu chọn 1, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn câu hỏi phù hợp với năng lực hoặc sự chuẩn bị của mình.

Thứ hai, đề thi theo triết lý “xa mà gần”. Xa ở đây là xa những kiểu đề khuôn mẫu, chống được hiện tượng học tủ, học vẹt, học văn mẫu để làm bài. Gần ở đây là gần gũi với cuộc sống, gần với tâm lý của học sinh. Chính vì thế, học sinh sẽ cảm thấy môn Ngữ văn thiết thực, kết nối với cuộc sống chứ không trừu tượng.

Thứ ba, đề thi thiết kế theo trục chủ đề. Từ năm 2020, đề thi có sự sáng tạo độc đáo, không giống với địa phương nào trên cả nước; tạo nên một thương hiệu của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi năm, một chủ đề xuyên suốt, tích hợp cả 3 phần trong đề thi (Đọc hiểu, Nghị luận xã hội, Nghị luận văn học) cùng hướng về chủ đề đó. Sự tích hợp này giúp học sinh tư duy có hệ thống, liên kết giữa các phần trong bài làm với nhau.

Chẳng hạn, chủ đề “Lắng nghe” (2020), “Bức thông điệp của thời gian” (2022), “Để những suy nghĩ cất lên thành lời” (2023), “Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình” (2024).

Thứ tư, ngữ liệu có tính giáo dục sâu sắc, có tác dụng kích thích học sinh sáng tạo. Đề thi có sử dụng cả văn bản trong sách giáo khoa hiện hành và văn bản mới, có ý nghĩa thiết thực, mang hơi thở đời sống thường nhật. Điều đó cho thấy sự cân nhắc kỹ lưỡng và đầu tư nghiêm túc của ban ra đề thi.

Thứ năm, câu hỏi sáng tạo và có độ mở cho học sinh phát huy năng lực. Điều dễ thấy trong đề thi của Thành phố Hồ Chí Minh là không gò ép học sinh vào những nhận định, ý kiến có sẵn, ép buộc các em phải tư duy theo ý kiến của một người nổi tiếng nào đó mà không dám phản đề.

Đề chỉ đưa ra gợi ý để học sinh tự do thể hiện quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc riêng, từ đó phát huy tư duy độc lập. Có thể nói, câu hỏi dạng này tạo ra một khoảng trống để học sinh phát huy khả năng sáng tạo và được bộc lộ quan điểm cá nhân.

Những điểm đổi mới này được nhiều giáo viên cả nước đánh giá cao, cho rằng đề thi ấn tượng và thích thú, được đầu tư nghiêm túc, có đổi mới và sáng tạo mạnh mẽ, tạo được tình yêu môn Ngữ văn cho cả giáo viên và học sinh.

ĐỀ MINH HỌA TS 10 HCM1.jpg
ĐỀ MINH HỌA TS10 HCM2.jpg
Đề minh họa môn Ngữ văn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá có nhiều sáng tạo.

Kỳ vọng một đề thi vượt lên “lối mòn” của tư duy

Năm nay là năm đầu tiên thi tuyển sinh vào lớp 10 theo chương trình 2018, đề thi được ban ra đề nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc để vừa đáp ứng mục tiêu chương trình mới, vừa kích thích khả năng tư duy sáng tạo của học sinh. Chỉ còn vài tháng nữa, kỳ thi sẽ chính thức diễn ra (Thành phố Hồ Chí Minh thi ngày 6,7/6). Là giáo viên, người viết cũng rất chờ đợi đề thi của địa phương này sẽ tiếp tục mang đến những bất ngờ, thú vị để cùng nhau học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

So với đề thi của chương trình 2006, đề thi minh họa năm nay có nhiều điểm khác biệt, hứa hẹn một sự đổi mới trong cách đánh giá năng lực học sinh.

Thứ nhất, cấu trúc đề thi có 2 phần, mỗi phần 5 điểm. Mỗi phần đều tích hợp đọc hiểu và viết. Phần 1 đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học. Phần 2 đọc hiểu văn bản nghị luận (hoặc văn bản thông tin) và viết bài văn nghị luận văn học. Như vậy, đề thi có sử dụng 2 ngữ liệu, trong đó ngữ liệu văn bản văn học là bắt buộc.

Thứ hai, phần đọc hiểu xen trong 2 phần của đề thi, chiếm tỉ lệ 40%. Phần 1 có 4 câu hỏi đọc hiểu, chiếm 3 điểm. Phần 2 có 1 câu hỏi, chiếm 1 điểm. Như vậy, đọc hiểu chiếm 40% tổng số điểm thi. Trong đó, 1 câu mức độ biết (chiếm 5% điểm), 3 câu mức độ hiểu (chiếm 25%), và 1 câu vận dụng (chiếm 10%).

Thứ ba, phần viết bao gồm viết đoạn và bài văn. Nếu ngữ liệu là văn bản văn học thì đề yêu cầu viết đoạn văn nghị luận văn học, dung lượng khoảng 200 chữ, có tích hợp với văn bản đọc hiểu, chiếm 2 điểm. Nếu ngữ liệu văn bản nghị luận (hoặc văn bản thông tin) thì đề yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội, không giới hạn dung lượng, chiếm 4 điểm. Tổng điểm của phần viết là 60%.

Khi cơ cấu yêu cầu viết đoạn văn-nghị luận văn học và bài văn-nghị luận xã hội với điểm số tương ứng là 2-4 là hoàn toàn hợp lý. Điều đó cho thấy sự nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng của ban thiết kế đề thi trong việc đánh giá năng lực viết của học sinh. Đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học sinh bày tỏ quan điểm về những vấn đề xã hội.

Thứ tư, đề thi minh họa có chủ đề “Tưởng tượng…”, kèm theo câu nói nổi tiếng của Albert Einstein: “Logic đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B, còn trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta đến mọi nơi”.

Trích dẫn này đã khéo léo dẫn dắt học sinh đến với chủ đề, đồng thời khơi gợi sự tò mò khiến học sinh khám phá sức mạnh của trí tưởng tượng.

Chủ đề này sẽ rất thú vị, buộc học sinh tập trung huy động kiến thức đa chiều liên bài liên môn để đưa trí tưởng tượng bay bổng, sáng tạo theo cách riêng của mình.

Thứ năm, ấn tượng nhất trong đề thi tuyển sinh của Thành phố Hồ Chí Minh là cách trình bày luôn thay đổi hàng năm. Cách trình bày quả thật rất ấn tượng và khác biệt so với nhiều tỉnh thành khác. Việc đưa hình ảnh vào đề thi không chỉ giúp giảm bớt sự khô khan mà còn tạo hứng thú và khơi gợi tư duy cho học sinh.

Có thể nói, một đề thi sáng tạo sẽ là cơ hội tốt để học sinh phát huy năng lực một cách sáng tạo, chứ không đơn thuần tái hiện kiến thức một cách rập khuôn, máy móc.

Khi đó, việc học sẽ thật sự là một quá trình khám phá đầy hứng thú, để đưa ra những cách giải quyết vấn đề độc đáo, mới mẻ. Đó là mục tiêu hướng đến của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm