Chiều ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đến thăm, làm việc với Trường Đại học Cần Thơ.
Cùng dự có Bí thư Thành ủy Thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh.
Về phía Trường Đại học Cần Thơ có Giáo sư Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường; Giáo sư Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng cùng đại diện các trường, khoa, viện thuộc Trường Đại học Cần Thơ.
Trường đang xúc tiến thành lập 2 phân hiệu tại Hậu Giang và Sóc Trăng
Báo cáo tại buổi làm việc, Giáo sư Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện trường có 51 đơn vị, trong đó có 15 đơn vị trực thuộc, 84 ngành đào tạo ở trình độ đại học, 51 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 21 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đến thăm các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ trước khi làm việc (ảnh: T.Tiến) |
Hàng năm, nhà trường cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là số lượng lao động lớn có trình độ, chất lượng cao.
Đặc biệt, nhà trường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Trường Đại học Cần Thơ hiện nay có 5 trường (Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Bách Khoa và Trường Thủy Sản), 10 Khoa, 17 Trung tâm, 14 phòng ban, 3 Viện, 1 Công ty và 1 Trường Trung học phổ thông Thực hành Sư phạm.
Hiện trường đang xúc tiến, làm thủ tục để thành lập hai phân hiệu tại Sóc Trăng, Hậu Giang. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong việc phát triển Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ.
Giáo sư Hà Thanh Toàn- – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng vào chiều ngày 27/2 (ảnh: P.L) |
Về đội ngũ đào tạo, trường có 18 Giáo sư, 163 Phó Giáo sư, 589 tiến sĩ, 691 thạc sĩ.
Theo Phó Giáo sư Trần Trung Tính – Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường kiến nghị Bộ ủng hộ chủ trương, hỗ trợ thủ tục để chuyển Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ, thành lập hai phân hiệu của Trường Đại học Cần Thơ tại Hậu Giang và Sóc Trăng.
Đề nghị Bộ xem xét, sớm cấp bổ sung kinh phí sinh hoạt phí khóa tuyển sinh năm 2021 và năm 2022 cho nhóm sinh viên sư phạm đào tạo theo Nghị định 116, kiến nghị Bộ Tài Chính miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (2% học phí) để công bằng với các trường đại học công lập.
Đối với biên chế, nhân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, đề xuất Chính phủ cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập được ký hợp đồng lao động có thời hạn với giảng viên đã nghỉ hưu, như hình thức sử dụng người cao tuổi, được tính vào đội ngũ giảng viên cơ hữu để mở ngành đào tạo, nhằm mang lại sự công bằng giữa trường đại học công lập và tư thục.
Đồng thời, đề xuất Bộ xem xét, giao quyền chủ động hơn cho nhà trường trong việc hợp tác, tiếp nhận các dự án, chương trình hợp tác quốc tế do trường tự tìm kiếm được.
Là trường đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long
Bí thư Thành ủy Thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho hay, việc nâng cấp và đầu tư Trường Đại học Cần Thơ là phù hợp với chủ trương phát triển, tạo nên hy vọng để có thể thúc đẩy giáo dục trong vùng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, góp phần vào việc giải quyết các vấn đề bức thiết của khu vực bấy lâu nay.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, xuất phát từ khát vọng phát triển nhà trường, lãnh đạo trường mới mong muốn được chuyển từ Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ.
Việc thay đổi cơ cấu, mô hình cũ có thể tạo điều kiện để trường trở nên chất lượng, đột phá hơn trong tương lai.
Theo Bộ trưởng cho hay, mặc dù Trường Đại học Cần Thơ nằm trong nhóm các trường đại học công lập mạnh, có điều kiện cơ sở vật chất tốt.
Thế nhưng, để đáp ứng với nhu cầu phát triển của đất nước hiện tại, cũng như đóng vai trò dẫn dắt phát triển khoa học của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thì trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng vào nhà trường rất lớn. Khi có ý định chuyển đổi mô hình, nhà trường cần chú trọng trong việc thiết kế đề án, đặc biệt cần thể hiện sự khát vọng, tầm nhìn sao cho không chỉ là trường đứng đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mà còn thuộc nhóm các trường hàng đầu châu Á.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là mục tiêu tương đối cao, nhưng lãnh đạo trường cần nghĩ đến nhằm phục vụ cho sự phát triển lâu dài.
Ngoài ra, nhà trường cũng cần có tầm nhìn chiến lược, rà soát các yếu tố ngành nghề đào tạo, bám vào nhu cầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao.
Về tự chủ đại học, nhà trường cần tính đến yếu tố tự chủ đại học đầy đủ, an toàn chiều sâu, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định, thiết chế nội bộ thật chặt chẽ để vận hành tốt, tạo điều kiện sáng tạo, thoải mái, hứng khởi cho các nhà khoa học.
Đồng thời, nhà trường cũng cần chăm lo, xây dựng cho đội ngũ lãnh đạo kế cận, phát triển các phân hiệu cũng cần tính đến các khu thực hành thật xứng tầm.