GS.Hà Thanh Toàn: "Có giảng viên bằng lòng với trình độ tiến sĩ suốt đời"

10/11/2022 06:42
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, lực cản về số lượng PGS, GS trong những năm gần đây lại là động lực để các nhà khoa học có sự bứt phá vượt trội trong nghiên cứu.

Giảng viên bằng lòng với trình độ tiến sĩ sẽ ảnh hưởng chỉ tiêu đào tạo

Câu chuyện “khan hiếm” phó giáo sư, giáo sư trong các trường đại học đã trở thành một trong những vấn đề lớn của mỗi nhà trường trong những năm gần đây, khi tỉ lệ giảng viên là phó giáo sư, giáo sư có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh và đào tạo.

Theo thống kê mới nhất của Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tỉ lệ giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư là 0,89%, phó giáo sư 6,21% (được đánh giá là thấp và đã giảm so với thống kê năm 2010).

Năm 2022, Trường Đại học Cần Thơ có số lượng ứng viên đủ điều kiện xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất. Cụ thể, trường có tổng số 23 ứng viên, trong đó có 3 ứng viên giáo sư, 20 ứng viên phó giáo sư. Mới đây, trong danh sách 383 ứng viên đủ số phiếu tín nhiệm đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư mà Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố, 23 ứng viên của Trường Đại học Cần Thơ đều đạt chuẩn.

Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn (Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Quá trình hình thành để đạt chuẩn phó giáo sư, giáo sư là một sự tích lũy rất lâu năm.

Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn (Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ về chiến lược tạo động lực cho giảng viên làm phó giáo sư, giáo sư. Ảnh: Mộc Trà.

Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn (Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ về chiến lược tạo động lực cho giảng viên làm phó giáo sư, giáo sư. Ảnh: Mộc Trà.

Tại Trường Đại học Cần Thơ, chúng tôi có chiến lược lên kế hoạch rất kỹ lưỡng, tạo điều kiện để mỗi giảng viên có cơ hội làm nghiên cứu sinh làm tiến sĩ, tạo điều kiện làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở tại trường, cũng như báo cáo ở các hội thảo, hội nghị quốc gia,... tất cả đều được nhà trường chi tiền và thông qua đó xuất bản sách, tạp chí...

Từ đó, tạo động lực cho các thầy cô phấn đấu, nỗ lực để nghiên cứu, tích lũy đủ điều kiện xét phong hàm phó giáo sư, giáo sư”.

Vị Hiệu trưởng cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ chung của toàn trường chứ không phải của riêng lẻ mỗi cá nhân. Việc các giảng viên đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu đào tạo, đóng góp tích cực cho các nhà trường.

Chính vì vậy, mỗi giảng viên đều có cơ hội được cử đi học trong và ngoài nước, được hỗ trợ ngân sách để nâng cao trình độ, thậm chí, hỗ trợ từ các phương tiện nghiên cứu đến trang thiết bị cá nhân như laptop để làm việc...”.

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn cũng cho biết, nỗi lo chung của một số trường đại học hiện nay là một số giảng viên ngại làm phó giáo sư, giáo sư. Thầy Toàn bày tỏ: “Cũng có một số thầy cô tỏ ra bằng lòng với trình độ tiến sĩ suốt đời. Điều này sẽ ảnh hưởng khá nhiều, mặc dù giảng viên không muốn làm phó giáo sư hay giáo sư thì cũng không bị đuổi việc, nhưng bản thân giảng viên là phó giáo sư, giáo sư thì sẽ có chế độ tốt hơn, đồng thời, trong trường có nhiều phó giáo sư và giáo sư cũng có nhiều lợi thế hơn”.

Chính vì vậy, vị Hiệu trưởng cho rằng: “Mỗi nhà trường cần khuyến khích các cán bộ trẻ nâng cao trình độ lên tiến sĩ bằng mọi nguồn học bổng khác nhau, học bổng của ngân sách nhà nước, của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp, của các tổ chức quốc tế, các trường đại học quốc tế... Nếu giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, bắt buộc tương lai phải có trình độ tiến sĩ. Có thể cho phép giảng viên trong vòng 5 năm sau khi tuyển dụng, phải làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Về chính sách, cần tạo điều kiện môi trường làm việc và nghiên cứu tốt nhất, để có sự phấn đấu hơn nữa từ đội ngũ giảng viên.

Ngoài đầu tư giảng dạy, mỗi nhà trường cũng cần tạo điều kiện cho thầy cô kết nối với chính quyền địa phương, với doanh nghiệp... để nắm bắt nhu cầu đặt ra, để có ý tưởng giải quyết những yêu cầu đó, tức là sẽ có thêm những đề tài nghiên cứu từ thực tiễn; đồng thời có ngân sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tất cả chính sách đãi ngộ cần được bổ sung kịp thời, những điều kiện về mặt nhà ở, tiền lương, các đề tài nghiên cứu khoa học, nhà trường phải chi trả, hỗ trợ xuất bản,... phải được quan tâm, để mỗi giảng viên thấy được giá trị khi trở thành phó giáo sư, giáo sư... Đó là một trong những cách tạo động lực tốt nhất”.

Đầu tư tạo lập những nhóm nghiên cứu mạnh cho những ngành khó công bố quốc tế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng - Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Hoạt động khoa học ở khoa Phát thanh - Truyền hình nói riêng, cũng như ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung, được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, một động lực vô cùng mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đào tạo, bởi, có nghiên cứu tốt thì mới đào tạo được tốt, tạo ra nền tảng tri thức trong đào tạo. Chính vì vậy, Học viện luôn tập trung nguồn lực cao nhất cho nghiên cứu khoa học”.

Lý giải một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ phó giáo sư, giáo sư trong các trường đại học đang có xu hướng giảm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng đề cập đến: “Trước đây, cũng từng có những giai đoạn, điều kiện để xét học hàm phó giáo sư đơn giản hơn bây giờ nên có thể có những năm việc xét phong hàm phó giáo sư có phần hơi ồ ạt. Một phần vì thế nên dư luận xem nhẹ chức danh, đánh giá không đúng về chức danh, khiến những nhà khoa học làm việc thực sự, nghiêm túc thấy rằng, vấn đề chuyên môn chưa được đánh giá xứng đáng, dẫn đến tâm lý không muốn trở thành phó giáo sư, giáo sư.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng - Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, lực cản khiến số lượng phó giáo sư, giáo sư có xu hướng giảm trong những năm gần đây chính là động lực để các nhà khoa học có sự bứt phá vượt trội trong nghiên cứu. Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng - Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, lực cản khiến số lượng phó giáo sư, giáo sư có xu hướng giảm trong những năm gần đây chính là động lực để các nhà khoa học có sự bứt phá vượt trội trong nghiên cứu. Ảnh: Mộc Trà.

Thứ hai, do những năm gần đây, yêu cầu về trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hay điều kiện, tiêu chuẩn xét phong hàm phó giáo sư, giáo sư cũng đang ngày càng cao hơn. Trước những yêu cầu khắt khe, các trường đại học phải đề cao và chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, nên không còn tình trạng xét duyệt ồ ạt.

Bên cạnh đó, những người làm khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên có những lợi thế nhất định trong việc công bố quốc tế; còn trong lĩnh vực khoa học xã hội, để đăng được những bài báo quốc tế ISI hay Scopus thường khó khăn hơn, do tính chất đặc thù của nhóm ngành này. Đó là một trong những thách thức khiến số lượng, tỉ lệ phó giáo sư và giáo sư trong lĩnh vực khoa học xã hội làm việc trong các trường đại học trong những năm qua đang có xu hướng giảm”.

“Tuy nhiên, không phải vì phải đương đầu với những khó khăn, mà chúng ta chùn bước, hay đầu hàng. Chúng ta cần chuẩn bị nguồn lực, phải đầu tư tạo lập những nhóm nghiên cứu mạnh để có những công bố quốc tế.

Chính những lực cản khiến số lượng phó giáo sư, giáo sư mới có xu hướng giảm trong những năm gần đây, lại chính là động lực để các nhà khoa học có sự bứt phá vượt trội trong nghiên cứu. Tôi cho rằng, nỗ lực, cống hiến thực luôn được đáp trả lại bằng những giá trị thực.

Việc những nhà khoa học đầu tư cho các công trình nghiên cứu chất lượng cao, tích lũy đủ điều kiện để được xét phó giáo sư, giáo sư,... là nhiệm vụ trọng yếu hiện nay của các trường đại học và viện nghiên cứu” - Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh.

Mộc Trà