Chỉ số giáo dục đào tạo ở ĐBSCL đạt trung bình, trên trung bình so với cả nước

27/02/2023 09:57
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển Giáo dục và Đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Sáng ngày 27/2/2023, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Phát triển Giáo dục và Đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn và Phó Giáo sư Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị này được coi là một “hội nghị Diên Hồng” bàn các quyết sách về giáo dục và đào tạo cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với tầm nhìn và quyết sách phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đánh giá từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, quán triệt Nghị quyết 29-NQ/TW, đầu tư của ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã được cải thiện, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được đầu tư và hoàn chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đến tham dự hội nghị vào sáng ngày 27/2 (ảnh: T.Tiền)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đến tham dự hội nghị vào sáng ngày 27/2 (ảnh: T.Tiền)

Chất lượng giáo dục và đào tạo đang ngày càng được nâng cao, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu vực.

Giáo dục của khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển về quy mô mạng lưới trường lớp, số học sinh/sinh viên từ bậc học mầm non đến đại học đã được rà soát, sắp xếp theo hướng phù hợp với nhu cầu của xã hội về ngành nghề, đa dạng về loại hình.

Các ngành học, bậc học được giữ vững, phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn có một số chỉ số đạt ở mức trung bình, trên trung bình so với cả nước. Số lượng cơ sở giáo dục được kiểm định ngày càng tăng.

Từ việc ban đầu chỉ có Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay đã có 10/13 tỉnh, thành phố trong khu vực có trường đại học. Những tỉnh còn lại đều có phân hiệu của đại học, trường đại học, hay chủ trương đầu tư trường đại học.

Toàn cảnh hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 27/2 (ảnh: P.L)

Toàn cảnh hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 27/2 (ảnh: P.L)

Dù vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, tình hình giáo dục và đào tạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại nhất định, với nhiều lý do khách quan cả về vị trí địa lý của vùng, vì đặc trưng là vùng sông nước kênh rạch, đầu tư về mặt cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn nhiều khó khăn.

Việc xây dựng cơ sở vật chất chủ yếu nhằm giải quyết nhu cầu về phòng học. Nhiều trường học trong vùng còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng làm việc.

Tình trạng thiếu giáo viên còn xảy ra ở cục bộ một số địa phương. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, cũng như chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Tại hội nghị này, các đại biểu tham dự sẽ được nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trong khu vực phát biểu về các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương mình.

Việt Dũng