Vụ Kế hoạch-Tài chính: Muốn đẩy mạnh tự chủ đại học cần rốt ráo thực hiện NQ 35

07/09/2022 06:49
Linh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Giai đoạn 2022-2025, cần quan tâm tháo gỡ các vướng mắc từ quy định hiện hành để tạo điều kiện cho kêu gọi huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho GD.

Để đẩy mạnh công tác tự chủ trong giáo dục đại học, tại tham luận "Thực hiện quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập", Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng trong thời gian tới cần tiếp tục:

Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện lộ trình tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp mới được ban hành trong đó, các cơ sở giáo dục đại học khẩn trương rà soát lại mức độ tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định 60 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính để đề xuất phương án phân loại mức độ tự chủ tài chính trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, lưu ý thực hiện lộ trình nâng mức độ tự chủ tài chính theo Khoản 4 Điều 35 Nghị định 60. Từ đó, rà soát, điều chỉnh lại các quy chế nội bộ (quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý và sử dụng tài sản công,...) để phù hợp với mỗi nhóm mức độ tự chủ tài chính theo quy định.

Ảnh minh hoạ: T.L

Ảnh minh hoạ: T.L

Thứ hai, rà soát, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: hằng năm giảm tối thiểu 2% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo đó giảm quỹ lương từ ngân sách nhà nước tương đương tỷ lệ giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 về việc tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo: giai đoạn 2022-2025, cần quan tâm tháo gỡ các vướng mắc từ những quy định hiện hành đối với lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng để tạo điều kiện cho công tác kêu gọi huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo của các địa phương. Ưu tiên bố trí quỹ đất sạch để kêu gọi xã hội hoá phát triển giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho nhà đầu tư; bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Thứ tư, về công tác quản lý đấu thầu, đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn, định mức của các trường:

Các cơ sở giáo dục nghiêm túc chấp hành đúng quy trình, quy định, kỷ cương, kỷ luật của nhà nước về quản lý đầu tư, đấu thầu. Chấn chỉnh bộ máy quản lý đầu tư, đấu thầu; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế; đặc biệt là các tồn tại, hạn chế mang tính chất hệ thống, lâu dài. Nâng cao năng lực bộ máy quản lý đầu tư, đấu thầu; đảm bảo bố trí cán bộ có năng lực, đúng chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ; đảm bảo chất lượng, hiệu quả và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện hằng năm.

Thường xuyên rà soát, ban hành, bổ sung, điều chỉnh các quy chế, quy định về quản lý đầu tư, đấu thầu đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Khắc phục tình trạng chậm, muộn ban hành, sửa đổi các quy chế, quy định.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư, đấu thầu. Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo trên Hệ thống thông tin đầu tư công quốc gia.

Hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng và sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo các Thông tư số 16/2019/TT-BGDĐT ngày 04/10/2019, số 03/2020/TT-BGDĐT ngày 10/02/2020 trong thời gian sớm nhất để phục vụ công tác đầu tư.

Xây dựng cơ chế quản trị nhà trường phù hợp, hiệu quả, theo hướng hiện đại; Vận dụng đúng đắn, hợp lý, có hiệu quả các nguyên tắc và công cụ về cung cấp hàng hóa dịch vụ công trong giáo dục và của cơ chế thị trường trong quản trị - vận hành nhà trường; Thực hiện sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng cung ứng hàng hóa dịch vụ giáo dục đại học; Thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trong giáo dục đại học;

Đồng thời, thực hiện đầy đủ, công khai minh bạch trách nhiệm giải trình đối với các cơ quan quản lý nhà nước, người học, xã hội.

Xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục bên trong phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục đại học; Thực hiện tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; Định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đào tạo; Phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục;

Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; Tăng cường hợp tác, trao đổi chuyên môn với các cơ sở giáo dục đại học trong nước và ngoài nước; Thực hiện trách nhiệm giải trình, hoàn thiện hệ thống thông tin nội bộ; Cập nhật, công khai, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học theo quy định;

Có cơ chế giám sát việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền; Giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học; Truyền thông kết quả triển khai thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình.

Linh Anh