Ngày hiến chương các nhà giáo đã qua được 2 hôm, nhiều giáo viên trong cả nước đã được tôn vinh, được khen thưởng nhân ngày 20/11, đó là ghi nhận sự đóng góp công lao của họ cho ngành giáo dục, cho sự nghiệp trồng người vô cùng vinh quang.
Khi chúng tôi điện thoại hỏi thăm sức khỏe nhà giáo ưu tú Trần Luyến, hiện đang là Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh miền núi Sơn La, ông bảo: “Làm giáo dục hạnh phúc lắm, hạnh phúc nhất là được dân tin yêu gửi cả con cái cho mình dạy dỗ, chăm lo, quý hơn nữa là dân luôn dang tay đón mình làm người thân trong gia đình họ…”.
Khi chúng tôi điện thoại hỏi thăm sức khỏe nhà giáo ưu tú Trần Luyến, hiện đang là Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh miền núi Sơn La, ông bảo: “Làm giáo dục hạnh phúc lắm, hạnh phúc nhất là được dân tin yêu gửi cả con cái cho mình dạy dỗ, chăm lo, quý hơn nữa là dân luôn dang tay đón mình làm người thân trong gia đình họ…”.
Sống trong tình yêu thương
Nhà giáo Trần Luyến hiện đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông vẫn bảo còn sức thì vẫn còn làm giáo dục, trừ khi dân không cho ông làm nữa mới thôi. Nhà giáo Trần Luyến quê gốc ở Hà Nam, ông xung phong lên dạy học tại Sơn La từ những năm 1959, đó là thời gian sau khi Bác Hồ có chuyến thăm Sơn La (tháng 6/1959), Bác nhận thấy giáo dục miền núi còn nhiều khó khăn và đã làm công tác vận động thanh niên miền xuôi lên vùng cao dạy học.
Nhà giáo ưu tú Trần Luyến - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Sơn La. |
“Lúc bấy giờ tôi là thanh niên trong độ tuổi 19, thời đó phong trào thanh niên tình nguyện, đặc biệt có lời kêu gọi của Bác Hồ. Tuổi trẻ thì nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ tôi đi chứ không có động cơ gì cả”, nhà giáo Trần Luyến kể lại.
Trong trí nhớ ông vẫn còn nhớ như in hình bóng buổi đón của đồng bào dân tộc dành cho những thanh niên lên đó dạy học, ngẫu hứng ông làm bài thơ rằng: “Cây đàn túi sách chiếc ba lô, thứ được người mang thứ ngựa thồ. Tôi thấy lòng tôi dào dạt quá, tâm tình Tây Bắc đẹp hơn thơ”.
Là thanh niên miền xuôi lên với vùng cao dạy học, ai cũng không tránh khỏi quãng thời gian bỡ ngỡ và lạ lẫm, ông bảo mới lên mình xác định phải học thêm tiếng và chữ dân tộc thì mới dạy được học sinh. Buổi đầu ở với dân ông được chăm sóc nhiều hơn, xuống dân nhiều hiểu tiếng dân tộc càng nhanh, những từ khó thì nhờ các thầy người dân tộc dạy.
Nhà giáo Trần Luyến kể, thời gian 10 năm ông “ăn nằm” cắm bản để vận động học sinh tới trường là quãng thời gian đáng nhớ và cuộc đời của một người thầy chỉ có thế là vui. Đồng bào dân tộc ở Sơn La hết lòng thương yêu những thầy giáo trẻ, nhiệt tình, người dân cũng theo đó mà sống tình cảm dạt dào, trẻ con phần lớn là hiếu học, cứ nói chuyện học là chúng thích, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên sự học ở miền núi cũng hạn chế.
Cho tới bây giờ khi ông đã ngoài 70 tuổi nhưng mỗi lần nhắc tới bản Muôn là hình bóng người phụ nữ già vẫn còn in đậm trong tâm trí ông, thời gian đó làm công tác dạy học, thấy thầy Luyến hiền lành lại chăm chỉ nên được nhiều người yêu mến, trong đó có bà Lò Thị Inh, sống ở bản Muôn, xã Mường Sại, huyện Thuận Châu, Sơn La đã nhận ông làm con nuôi.
“Cảm động lắm, có những lần tôi ốm bà mẹ nuôi bảo đứa con đi bộ 2 ngày đường xuống huyện mua được 3 lạng đường về cho tôi uống, vì lúc đó không ăn được cơm. Tình cảm đó tôi vẫn cho là nguyên do vì sao tôi vẫn gắn bó với Sơn La”, nhà giáo Trần Luyến bồi hồi nhớ lại.
Học sinh lấy chồng từ tuổi 13
Khi lên với Sơn La, mấy cậu thanh niên xung phong dạy học thời đó còn nhớ những lời căn dặn của Bác Hồ: “Các chú xung phong thì phải xung phong tới nơi tới chốn, lên đó là khổ, sáng măng, chiều măng và cơm chỉ có thế, cơm chấm muối…”.
Nhà giáo Trần Luyến kể lại rằng, lúc đi thì ai cũng phấn khởi nhưng lên đó mới thấy cuộc sống thiếu thốn, thường xuyên phải ăn đói, chủ yếu là cơm độn ngô, độn sắn, kèm theo đó là bệnh sốt rét hoành hành, ông bảo bản thân lên được một tháng là da vàng và rụng tóc vì sốt rét.
Hàng năm những cuộc thi luyện viết chữ đẹp của trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La nằm trong chương trình đào tạo nhằm trang bị hành trang tốt nhất trước khi những sinh viên sư phạm này tham gia dạy học tại tỉnh. |
Tất cả đều khó khăn là thế nhưng ai cũng hừng hực khí thế và nghe lời Bác Hồ đã dặn trước lúc lên đường, nên không ai bỏ nghề mà ngược lại vẫn hàng ngày, hàng đêm xuống bản làng lên lớp, và vận động học sinh tới trường. Đi vận động học sinh dân tộc khổ nhất là không biết tiếng, thậm chí thầy giáo đến nhà không nói được gì đã bị người dân cắm que trước cổng có ý báo hiệu là không được lên nhà.
“Vận động các cháu đi học thì số lượng học sinh rất ít, cứ mùa làm nương là học sinh nghỉ, ở nhà đi chăn trâu, cắt cỏ, phụ giúp gia đình chứ không đi học thường xuyên nữa. Lúc bấy giờ vận động học sinh đến lớp học đông là một kỳ tích lớn chứ chưa nói tới chuyện dạy dỗ như thế nào”, thầy Luyến nhớ lại.
Sự nghiệp giáo dục vùng cao thời gian đó còn vô vàn khó khắn, đặc biệt là trang thiết bị dạy học, sách vở đều thiếu, bảng đen không có thầy và trò lại giã ruột pin để bôi lên làm bảng viết. Nhưng trong khó khăn còn có những động lực riêng mà ít nghề nào có được, thầy Luyến vẫn bảo đi vận động học sinh tới trường khó mà chán được, vì không vận động học sinh được thì không có đối tượng dạy, do đó ai cũng coi việc vận động là phải kiên trì.
Thậm chí có những học sinh 13-14 tuổi vận động nhiều lần mới về trường để học, nhưng được một thời gian bố mẹ lại bắt về lấy chồng và không đi học tiếp.
“Lúc đó cũng phải thông qua già làng, cùng với mình đi vận động, may ra mới trở lại học nhưng nói chung vận động này là khó” thầy Trần Luyến cho biết.
Trăn trở vì còn nhiều giáo viên bỏ nghề
Ngẫm nghĩ lại câu chuyện đời sống người thầy ngày trước và bây giờ, nhà giáo Trần Luyến cho biết, sự nghiệp giáo dục giờ đã tuyệt vời hơn. “Khi tôi lên tỉnh Sơn La năm 1959 chỉ có một trường học ngày xưa do Pháp để lại ở TX Sơn La, đến nay đã có 720 trường, 31 trường PTTH, có trường chuyên, ở các huyện có trường chất lượng cao. Đội ngũ giáo viên hiện nay là trên 2 vạn, đã phổ cập THCS, có 1 trường ĐH, trình độ dân trí của bà con được nâng cao hơn rất nhiều” nhà giáo Trần Luyến nhận định.
Từ trước tới nay chưa có ai học tới bậc tiến sĩ thì nay đã có ba dân tộc có người học tới tiến sĩ là dân tộc Thái, Khơ Mú và Mông, người dân Sơn La vẫn tự hào khi có ông Thào Xuân Sùng, nguyên là Bí thư tỉnh ủy và hiện đang là Phó ban dân vận Trung ương.
Sự nghiệp trồng người ở Sơn La nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất ở những nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Một hiện tượng lạ, trong khó khăn đó có nhiều giáo viên trẻ, mới ra trường lại xung phong đến với những vùng này.
Nhà giáo Trần Luyến cắt nghĩa rằng, lí do là trường lớp ở những nơi đó những năm qua đã được đầu tư cơ bản, chế độ chính sách đối với thầy giáo được quan tâm hơn, thậm chí thu nhập cao hơn miền xuôi, và điều đó nên đáng mừng.
Tuy nhiên, tín hiệu vui là thế nhưng còn một bộ phận nhà giáo ở miền núi vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi. Nhà giáo Trần Luyến nhấn mạnh, đặc biệt Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề lương nhà giáo: “Nhà giáo hiện nay nếu làm thật nghiêm chỉnh thì chưa sống được bằng đồng lương của mình vì giá cả cao. Nhà giáo còn có gia đình, cũng có con phải đóng góp như mọi người. Nếu chế độ lương không được cải tiến đi thì cũng khó, cũng còn vất vả. Tôi xin cảnh báo rằng, ngay ở miền núi có nhiều ưu tiên đấy những cũng có không ít giáo viên bỏ dạy, bỏ dạy vì thấy làm việc khác có thu nhập cao hơn. Đây là vấn đề”.
Cuộc nói chuyện với nhà giáo Trần Luyến bỗng ngắt quãng khi có người gọi ông vào bản để động viên một học sinh tới trường. Trước khi dừng câu chuyện, nhà giáo Trần Luyến nhắc lại lời dạy của Bác Hồi: “Giữa lúc bom dền đạn nổ quyết liệt thế này, dù có khó khăn tới đâu cũng phải thi đua dạy tốt học tốt. Tôi cho rằng đó là một lời hiệu triệu, một mệnh lệnh, một phương trâm cho tới bây giờ vẫn phải làm”.
Xuân Trung