LTS: Nói tục, chửi thề ngày càng lan tràn khắp nơi từ thành thị đến nông thôn.
Liệu có phải bản chất của những người nói tục, chửi thề là thiếu văn hóa, thiếu đạo đức hay không?
Cô giáo Phan Tuyết (từ Bình Thuận) đưa ra một số giải pháp để có thể giúp con trẻ hạn chế những ngôn từ thiếu trong sáng đó.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết này.
Làm thế nào để ngăn chặn được tình trạng nói tục, chửi thề này? Đã có không ít ý kiến cho rằng cần ghi bảng Cấm nói tục, chửi thề, có ý kiến đề xuất đưa vào quy định để xử phạt…
Những cách này, liệu có thực thi khi chúng ta đã có quá nhiều điều cấm như Cấm đổ rác, Cấm tiểu tiện, Cấm hút thuốc lá… nhưng tình hình cũng chẳng cải thiện được là bao.
Nói bậy để...tráng miệng
Ở các vùng quê, đặc biệt là vùng biển quê tôi, nếu ngồi bên một nhóm đàn ông nghe họ nói chuyện với nhau mà đặc biệt là khi họ đang nhậu, nhiều người sẽ choáng bởi hàng loạt từ chửi thề, nói tục được văng ra một cách vô tội vạ.
Dường như câu chửi thề luôn là ngôn từ “tráng miệng” để trước khi họ nói một điều gì đó. Đàn ông nói tục chửi thề nghe đã chướng tai, đàn bà nơi này cũng không kém.
Hãi hùng nạn nói tục, chửi thề của giới trẻ (Ảnh:baodatviet.vn) |
Vui cũng chửi thề, còn buồn hay giận nhau thì càng khủng khiếp hơn. Thôi thì không có từ nào diễn tả hết được.
Nhiều người nói: “Thấy đàn bà chửi nhau, tốt hết nên lánh đi, đứng mà nghe cũng thấy ngượng chín người”. Phải chăng vì điều đó mà người ta thường ví đó là kiểu “ăn sóng nói gió” của người dân miền xứ biển?
Tình trạng nói tục chửi thề xảy ra phổ biến ở những người ít được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng một số người tự xưng có bằng này bằng nọ hay như một số người hàng ngày đứng trên bục giảng dạy dỗ học sinh vẫn thường xuyên sử dụng những tiếng chửi thề thành một thói quen trong giao tiếp.
Có lẽ vì được sống và nuôi dạy trong một môi trường như thế nên trẻ em ở đây cũng học được cách nói tiếng đệm như người lớn.
Một số em học sinh lên trường thường lén lút sử dụng ngôn ngữ này để nói với bạn. Khi bị thầy cô tra hỏi, có em vô tư trả lời: “Sao người lớn nói được còn trẻ em lại không?”. Gặp phải tình huống này, thầy cô cũng khó trả lời cho thấu đáo.
Đắp chỗ nào thì hết nói tục?
Chung tay giáo dục một lớp trẻ hoàn toàn “miễm nhiễm” với những câu nói tục chửi thề thì ngay trong gia đình, cha mẹ, những người lớn luôn phải là tấm gương sáng cho con trẻ nhìn vào và học tập.
Nhắc nhở trẻ thường xuyên, phân tích cho con thấy nói tục chửi thề là hành vi xấu…
Trà đá nói tục, trà đá chửi thề (Ảnh: vietnamnet.vn) |
Ở trường, thầy cô luôn dạy trò phải biết nói lời hay làm việc tốt. Nhưng về với gia đình, ra ngoài xã hội, các em hàng ngày luôn được chứng kiến, được nghe người lớn cứ vô tư nói như thế nên những điều xấu lại dễ dàng tiêm nhiễm vào những tâm hồn non nớt của các em.
Cấm hay phạt tiền cũng không thể làm giảm tình trạng loạn nói tục chửi thề như hiện nay. Bởi ai sẽ phạt? Và phạt như thế nào?
Là một người làm trong ngành giáo dục lâu năm, tôi nhận thấy chỉ khi nào ý thức của con người thay đổi thì hành vi của họ mới có sự đổi thay. Nhưng giáo dục ý thức lại là cả một quá trình.
Ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đến từng xã phường, từng khu phố thì những người có trách nhiệm phải thật sự gương mẫu, để làm gương cho mọi người.
Có vậy mới nhắc nhở được những ai vi phạm. Khi người lớn làm gương thì trẻ nhỏ sẽ không bao giờ biết đến những câu nói tục, chửi thề.