Là một trong những trường trọng điểm về đào tạo giáo viên trong cả nước, thời gian qua, Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Đưa ra các giải pháp để tìm kiếm việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường.
Chính sách “hút” người tài
Phó giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng cho rằng, để thu hút học sinh khá, giỏi vào trường, trước hết nhà trường đầu tư cho công tác quảng bá tuyển sinh.
Ngành sư phạm vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh trong các buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh: TT |
Không chỉ sử dụng hình thức quảng bá trực tuyến, tổ công tác tuyển sinh của các Khoa chuyên môn cũng đã vào cuộc cùng các phòng chức năng của nhà trường đến tận các trường phổ thông trên nhiều địa phương trên cả nước để tiếp xúc với học sinh.
Qua đó, giới thiệu về nhà trường, chương trình, chuẩn đầu ra các ngành và những thành tựu đào tạo của nhà trường để thí sinh có một cái nhìn ban đầu về diện mạo của trường.
“Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng phương án tuyển thẳng dành cho các học sinh có thành tích học tập cao ở các trường chuyên, học sinh đạt giải cấp quốc gia… đang là sự thu hút lớn.
Phương án này không chỉ tạo điểm nhấn đầu vào mà còn hứa hẹn cho sản phẩm đầu ra “mũi nhọn” của nhà trường”.
Ngành sư phạm giảm chỉ tiêu 38% so với năm 2017 |
Thầy Trang chia sẻ thêm, để thể hiện sứ mạng – tầm nhìn của trường sư phạm, đầu tư theo hướng “mũi nhọn” trong các phương thức tuyển sinh này là giải pháp mang tính cạnh tranh và chiến lược lâu dài của nhà trường.
“Đầu tư cho con người (đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên phục vụ) là giải pháp không kém phần quan trọng để thu hút học sinh khá, giỏi vào trường.
Chất lượng đào tạo không chỉ bắt đầu và quyết định bởi tính hấp dẫn của ngành đào tạo, chương trình đào tạo, các hoạt động kĩ năng mềm… mà phần lớn phụ thuộc nhiều vào sức mạnh tiềm lực của nguồn nhân lực.
Một nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có nhiều khả năng thu hút được đầu vào thí sinh chất lượng cao và đội ngũ chất lượng cao sẽ là nhân tố tác động xuyên suốt tạo ra môi trường giáo dục Đại học chuyên nghiệp”, thầy Trang nói.
Ngoài ra, Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng còn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, xem đây cũng là hình thức thu hút người giỏi vào trường.
Một môi trường giáo dục Đại học phát huy được tính tự chủ và sáng tạo của người học là môi trường dễ nuôi dưỡng nhân tài nhất.
“Trường luôn dành những phần thưởng, học bổng dành cho những đối tượng được thu hút này theo một cách thức “làm mới”.
Tuy chỉ là giải pháp mang tính động viên, khích lệ song trong những năm gần đây, nhà trường nhận thấy giải pháp này tác động không nhỏ đến hứng thú học tập của sinh viên.
Qua đó, góp phần tự quảng bá học hiệu nhà trường rất thiết thực”, thầy Trang cho hay.
Nhiều lựa chọn cho sinh viên sư phạm ra trường
Chia sẻ về câu chuyện sinh viên sư phạm ra trường có việc làm, thầy Trang nói, một cam kết đối với việc sinh viên ra trường đều có việc làm chắc chắn sẽ là cam kết ảo đối với bất kì một cơ sở giáo dục đại học nào.
Sinh viên Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng được đào tạo bài bản cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Ảnh: VS |
Tuy nhiên, đặt ra những giải pháp mang đến cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Sư phạm có thể gọi là cam kết về chia sẻ trách nhiệm của nhà trường trong việc tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
“Nhà trường đã triển khai lộ trình thực tập vệ tinh cho sinh viên Sư phạm. Cách làm này vừa giúp sinh viên được thực hành kĩ năng sư phạm từ sớm, được cọ xát với thực tế để có hình dung đầy đủ về nghề dạy học.
Ngoài ra mô hình này có khi sẽ mở ra nhiều cơ hội sinh viên được các trường phổ thông có đủ thời gian để đánh giá, ghi nhận và “ngắm chọn” để họ có thể trao cơ hội việc làm cho những sinh viên có chất khi có nhu cầu”, thầy Trang thông tin.
Bên cạnh đó, Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng cũng thường xuyên tổ chức hội nghị liên kết đào tạo.
Các trường sư phạm nên ngưng đào tạo một số chuyên ngành thừa |
Đây cũng là phương thức nhà trường tạo mối liên hệ, hợp tác với các đơn vị để sinh viên có thể được quan tâm nhiều hơn khi về thực tập và có thể trở thành ứng viên dự tuyển vào các vị trí nhu cầu tuyển dụng sau khi ra trường.
Với những hội nghị mang tính liên kết, cam kết ghi nhớ này là diễn đàn để sinh viên hiểu biết về yêu cầu của nhà tuyển dụng, về những phong cách làm việc của mỗi đơn vị tuyển dụng…
Qua đó, tự tìm cơ hội cho bản thân và quan trọng hơn là để xác định sự phù hợp của cá nhân đối với một vị trí lựa chọn để có những lựa chọn phát huy được năng lực, sở trường của bản thân.
“Ở Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, sinh viên ngành Sư phạm không chỉ có cơ hội trở thành giáo viên, mà còn có nhiều định hướng nghề nghiệp khác.
Các em được học bằng đại học chính quy thứ hai với thời lượng khoảng 1/3 chương trình học của ngành thứ nhất ở các ngành như: cử nhân khoa học cùng khối ngành sinh viên đang học.
Bên cạnh đó, những chương trình chia sẻ kinh nghiệm giữa các thế hệ sinh viên Sư phạm thành đạt với các sinh viên hiện tại sẽ là cầu nối đưa sinh viên đến với những cơ hội, có khi rất bất ngờ”, thầy Trang cho biết.
Ngoài ra, với một số cơ hội học tập sau Đại học ngay trong nhà trường, sinh viên ngành Sư phạm cũng có thể trở thành giảng viên, cán bộ của nhà trường.
Và trong tương lai, nếu nhà trường có chủ trương triển khai mô hình đào tạo Thạc sĩ theo phương thức “chuyển tiếp từ Đại học và rút ngắn thời gian đào tạo” để sinh viên Sư phạm được cấp bằng Thạc sĩ.
Đây cũng là một trong những vấn đề mà nhà trường đang hướng đến. Từ đây, cơ hội việc làm của sinh viên sẽ dễ dàng hơn.
“Tuy nhiên, cam kết góp phần rất quan trọng giúp sinh viên có việc làm, đó là năng lực tự chủ của sinh viên.
Nếu chỉ chờ đợi và thụ động thì mọi cam kết hay giải pháp hỗ trợ của nhà trường sẽ không thể có hiệu quả”, thầy Trang nhấn mạnh.