Câu chuyện lạm thu luôn là câu chuyện cũ rích, xảy ra cả chục năm gần đây và dù được các cơ quan ban ngành tìm mọi cách chống nhưng nó vẫn sống khỏe.
Thậm chí rất khỏe khi mỗi năm mỗi khác và mỗi năm lại sinh ra những thứ phí khác để lạm thu.
Như đến hẹn lại lên, đầu năm là nóng chuyện lạm thu. Khi con cái vui bước đến trường là phụ huynh lại “méo mặt” với những khoản thu. Không chỉ những khoản thu năm nào cũng vậy, mà còn cả loạt những khoản thu mới.
Đầu năm, các vị phụ huynh trường tiểu học Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) than trời vì các khoản thu đầu năm như tiền tiếng Anh có yếu tố nước ngoài 150.000 đồng, bộ sách tiếng Anh 120.000 đồng, tiền đồng phục, tiền sổ liên lạc điện tử…
Tuy bức xúc nhưng không ít người “ngậm đắng, nuốt cay” đóng học cho con mong con mình yên ổn để học lấy cái chữ. Một số lại bức xúc lấy diễn đàn mạng xã hội để phản ánh. Một số bức xúc mời cơ quan báo chí vào cuộc.
Mới đây nhất là chuyện học sinh trường Tiểu học Chu Văn An (Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đang chia sẻ trên mạng xã hội danh sách các khoản thu của trường với dòng cuối: "…ta cần có 16.738.000 đồng", làm nóng dư luận mấy ngày qua. Dù sau này thông tin đã được bác bỏ, nhưng bảng kê ấy ban đầu là có, gây sốc bao người.
Chuyện trường Trung học cơ sở Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), khối lớp 9 lạm thu lên tới 20 khoản thu, với số tiền hơn 9,1 triệu đồng, buộc lãnh đạo huyện Thủy Nguyên phải đình chỉ chức vụ hiệu trưởng trường này trong 15 ngày…
Hội phụ huynh đang thành hội "phụ thu"? (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ) |
Vì sao chuyện lạm thu vẫn được nhắc tới như một quái thai trong trường học như vậy?
Năm nào cũng vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có chỉ đạo chống lạm thu rất nghiêm khắc, nhiều biện pháp cứng rắn nhưng tình hình lạm thu vẫn tiếp diễn và càng biến tướng?
Phải chăng tại ngân sách nhà nước giao cho giáo dục thấp? Chắc chắn là không phải bởi hiện nay Giáo dục được hưởng đến 20% tổng chi ngân sách nhà nước mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2015, theo thống kê từ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, chi đầu tư phát triển giáo dục đào tạo là 33.756 tỷ đồng. [1]
Những con số biết nói này không thể nói ngành giáo dục nước nhà thiếu đói đến mức “thu tăng”, “thu thêm” cả.
Vậy căn nguyên câu chuyện lạm thu đến từ đâu.
Xã hội từ bấy lâu nay vẫn “xì xào” về câu chuyện hiệu trưởng như ông vua con trong trường học, còn giáo viên, họ phải răm rắp nghe theo cấp trên như những con cừu.
Đã có ý kiến cho rằng sinh khí ngôi trường như thế nào phụ thuộc vào 50% hồng phúc của hiệu trưởng. Thế mới thấy, quyền lực của hiệu trưởng lớn như thế nào.
Là người có địa vị, có quyền lực nên các vị muốn trường mình phải đẹp, lớp học phải đạt chuẩn, phải công nghệ thông tin phổ cập và phải ngoại ngữ… cho bằng chị bằng em.
Những khoản này tất nhiên sẽ được xã hội hóa giáo dục.
Xã hội hóa giáo dục đang được các vị hiệu trưởng hiểu sai hay cố tình hiểu sai. Người ta đánh tráo khái niệm “khuyến khích”, “huy động” thành các khoản thu mang tính tự nguyện và... biến nó thành miếng bánh ngọt để thụ hưởng.
Chỉ cần lạm thu mỗi phụ huynh vài trăm ngàn đồng, cả lớp sẽ là vài triệu đồng cả cả trường sẽ là hàng trăm triệu đồng. Tiền đó đầu tư đi đâu? Chẳng ai biết.
Liệu các vị hiệu trưởng có cưỡng lại được “mỏ tiền” từ các vị phụ huynh được “tạo điều kiện” hay “tự nguyện” như vậy?
Những khoản vô lý nằm ngoài quy định của Luật Giáo dục (học sinh đi học chỉ phải đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất; học phí và lệ phí tuyển sinh) vẫn được hợp lý hóa một cách “rất minh bạch” thông qua Ban phụ huynh.
Qua các vụ việc lạm thu có thể thấy, các khoản lạm thu đều được nhà trường thông báo rằng đều có sự thoả thuận và nhất trí của Hội phụ huynh học sinh (?!).
Với cách giải thích này thì các trường có thể thoải mái thu thêm ngoài quy định. Chỉ có phụ huynh là phải “cắn răng” đóng góp, vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con em mình.
Không ít người lao động rớt nước mắt vì những khoản thu vô lý. Nhưng vẫn không thể đấu tranh “đã có sự đồng thuận” rồi cơ mà!
Không ai có thể phủ nhận đươc vai trò của Hội phụ huynh học sinh. Thế nhưng, bên cạnh mặt tích cực trong quá trình tham gia quản lý học sinh hội phụ huynh đã trở thành “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng.
Từ lúc nào, các vị phụ huynh trong ban phụ huynh thành những “con cừu” trong tay hiệu trưởng?
Những lá đơn thế này liệu có làm các hiệu trưởng khác "chùn" tay? (Ảnh: Lại Cường) |
Hội phụ huynh thành hội “phụ thu”. Sinh ra đủ các loại khoản đóng góp cho nhà trường… Biết là vô lý, nhưng các bậc phụ huynh đều rất khó lòng từ chối.
Từ sự khó lòng từ chối ấy đã khiến các vị phụ huynh vô cảm trước nỗi khổ của những vị phụ huynh khác. Họ cũng chính là nạn nhân của lạm thu nhưng họ lại im lặng, không phải đối mà còn đồng thuận.
Lạm thu, loạn thu đang trở thành căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Muốn trấn hưng giáo dục nước nhà phải loại bỏ được lòng tham, sự vô cảm trong cách quản lý giáo dục.
Có như vậy, niềm vui đến trường của con trẻ sẽ không còn là nỗi đau đáu lạm thu, loạn thu hay bị tận thu của phụ huynh.
Tài liệu tham khảo
[1] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2015-09-21/dam-bao-20-tong-chi-ngan-sach-cho-giao-duc-dao-tao-24570.aspx