Xin giới thiệu "ban Phụ thu", chuyện thật buồn đầu năm học

03/09/2018 06:07
Nguyễn Cao
(GDVN) - Làm sao để dẹp được vấn nạn này cho môi trường giáo dục không còn những tiếng oán hờn, than trách từ các bậc phụ huynh là điều ai cũng mong muốn.

LTS: Tiếp tục bàn luận về vấn đề lạm thu - một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận trong cả nước, tác giả Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ cùng độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Câu chuyện lạm thu đã được biết đến trong nhiều năm học đã qua, dư luận đã nói mãi, đã nhàm chán trước vấn nạn này.

Song, nó vẫn được hồi sinh ở mọi nơi, mọi lúc, nhất là khi bước vào năm học mới thì vấn nạn lạm thu lại nảy sinh ở một số trường với nhiều chiêu thức khác nhau nhằm che đậy bản chất của vấn đề.

Làm sao để dẹp được vấn nạn này cho môi trường giáo dục không còn những tiếng oán hờn, than trách từ các bậc phụ huynh là điều ai cũng mong muốn.

Vấn nạn lạm thu đầu năm học mới (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).
Vấn nạn lạm thu đầu năm học mới (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).

Ngay trước thềm năm học mới 2018-2019, các phụ huynh học sinh cả nước đã nhận được một thông tin vô cùng phấn khởi:

Chính phủ đã đồng ý miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh Trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29 khóa XI.

Nhưng, niềm vui ấy cũng chẳng tày gang bởi việc miễn học phí theo các đối tượng đã nêu ở trên chưa được triển khai cho các địa phương nhưng hàng loạt các khoản thu đã được một số nhà trường liệt kê và thu ngay từ khi học sinh đầu cấp mới đến nhập học khiến cho phụ huynh chán ngán.

Nào là tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền xã hội hóa giáo dục, tiền xây dựng trường, tiền học thêm, tiền quỹ hội, quỹ lớp, tiền Đoàn - Đội, tiền bìa bao, nhãn vở, đồng phục, tiền học kỹ năng sống, tiền ghế chào cờ, bảo trì máy tính, tiền vệ sinh lớp học, tiền sổ điểm điện tử…lên đến nhiều triệu đồng.

Trong ma trận tiền như thế thì phụ huynh nào có đủ khả năng là chối từ không nộp cho con em mình.

Xin giới thiệu "ban Phụ thu", chuyện thật buồn đầu năm học ảnh 2Lẽ nào chúng ta bất lực với lạm thu?

Dù không muốn và thấy có nhiều khoản tiền đóng không phù hợp nhưng rồi các bậc phụ huynh cũng đành ngậm ngùi đóng các khoản tiền để cho con được nhập học đầu năm... cho yên chuyện.

Hiện nay, phần lớn các trường khi phát động các khoản thu mà vướng vào Thông tư 29, Thông tư 55 của Bộ Giáo dục thì Hiệu trưởng nhà trường lách bằng chiêu thức kêu gọi trên tinh thần tự nguyện.

Có điều “tự nguyện” lại được giao cho các giáo viên chủ nhiệm lớp phổ biến cho phụ huynh biết là lớp mình đóng khoảng bao nhiêu để cân đối với tổng tiền nhà trường phát động. Thế rồi, phần lớn phụ huynh lựa chọn phương án chia đều trên đầu học sinh để đóng góp.

Nhiều Hiệu trưởng rất ranh ma khi phần nhiều các khoản tiền kêu gọi đóng góp lớn hàng năm thì họ đều đứng ngoài cuộc để nhằm tránh liên lụy về sau.

Cho dù trong những buổi họp phụ huynh toàn trường thì họ vẫn ngồi đó nhưng vị Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh mà họ đã “gà” trước đứng lên trình bày các khoản thu, hình thức thu.

Tất nhiên là Hội cha mẹ học sinh phải gánh phần trách nhiệm nếu sự việc lạm thu bị phát giác, dư luận lên tiếng phản đối.

Biên bản họp thì Ban đại diện Cha mẹ học sinh đứng lên phát động đóng góp, người ký tên trong các lá thư ngỏ cũng là Ban đại diện Cha mẹ học sinh.

Như vậy, Hiệu trưởng nhà trường thường là người “không liên quan” gì đến các khoản thu thì làm sao có thể trách và truy tố được các lãnh đạo nhà trường?

Rõ ràng, đây là một chiêu ranh ma mà đôi lúc vì cả nể hoặc không nắm được bản chất sự việc mà Ban đại diện cha mẹ học sinh phải gánh thay cho các Hiệu trưởng.

Xin giới thiệu "ban Phụ thu", chuyện thật buồn đầu năm học ảnh 3Trăm phương ngàn kế lách luật để lạm thu!

Có một thực tế nữa là có những đơn vị trường khi bị phát hiện lạm thu, thu không đúng quy định nhưng đa phần được xử lý nội bộ và yêu cầu nhà trường trả lại tiền cho phụ huynh.

Chỉ khi dư luận biết chuyện, râm ran trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cấp trên mới đưa ra các hình thức kỷ luật.

Nhưng, hình thức kỷ luật dành cho các cán bộ vi phạm chưa đủ sức răn đe, đa phần là rút kinh nghiệm hay khiển trách, rất hiếm khi bị truy tố nên nhiều Hiệu trưởng nhà trường vẫn sẵn sàng tìm cách làm lợi cho mình.

Môi trường giáo dục là đào tạo con người, bồi dưỡng về tri thức và nhân cách cho con người. Nếu môi trường giáo dục tốt, sẽ đào tạo ra những con người tốt, nếu môi trường giáo dục không lành mạnh chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ công dân tương lai của đất nước.

Vậy nhưng, nhiều Hiệu trưởng khi được bổ nhiệm thì hứa với lãnh đạo, hứa với tập thế nhà trường sẽ hết sức mình vì sự nghiệp giáo dục, vì sự tiến bộ của trường, của ngành.

Để rồi, những lời hứa ấy đôi khi đã bay biến mất. Họ trở về với bản chất thật của mình, đôi lúc chà đạp lên lương tâm, đạo đức của một người thầy để tìm mọi cách thu lợi bất chính cho mình.

Lạm thu đầu năm học - câu chuyện buồn xưa cũ nhưng luôn được các Hiệu trưởng nhà trường áp dụng thành công trong những ngày đầu năm học với vô vàn những chiêu thức.

Điều dư luận chờ đợi là sự nghiêm minh của các Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện (cấp bổ nhiệm) và lãnh đạo ngành giáo dục đưa ra những biện pháp căn cơ để làm trong sạch môi trường giáo dục.

Đừng để những gia đình nghèo phải gồng mình mỗi khi con em họ bước vào năm học mới, đừng để những em học sinh nghèo phải lỡ bước đến trường vì một “chữ tiền” khô khốc và tàn nhẫn.

Nguyễn Cao