Lộ trình tăng tỉ lệ tiến sĩ đến năm 2025 ở dự thảo Chuẩn CS GDĐH là bất khả thi

05/06/2023 06:27
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lộ trình tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đến năm 2025 theo dự thảo là gấp gáp và bất khả thi, nhiều trường sẽ không đạt được tiêu chuẩn như vậy.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Trước quy định ở Tiêu chuẩn 2, Tiêu chí 2.3 của dự thảo về Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian đã có nhiều ý kiến đóng góp cho rằng cần xem xét lại quy định này.

Chia sẻ ý kiến với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho biết, quy định về việc tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ với mục đích tốt nhằm thực hiện chiến lược nâng cao trình độ giảng viên, từ đó phát triển chất lượng đào tạo cho người học.

Tuy nhiên, cần phải xem xét lại các tỉ lệ đã phù hợp với thực trạng của từng trường chưa bởi thực trạng của cơ sở giáo dục đại học hạng 1, hạng 2 hay hạng 3 là khác nhau (sắp xếp theo khung xếp hạng của Nghị định 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ).

Giảng viên Trường Đại học Đồng Nai trong tiết dạy (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai).

Giảng viên Trường Đại học Đồng Nai trong tiết dạy (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai).

Bên cạnh đó, việc phân chia tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giữa các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo trình độ tiến sĩ và cơ sở không đào tạo tiến sĩ nên chia nhỏ thêm đối với nhóm có trường đào tạo theo định hướng nghiên cứu và trường đào tạo theo định hướng ứng dụng.

Việc phân chia trường có mục định hướng nghiên cứu và ứng dụng vốn được căn cứ vào năng lực và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở giáo dục đại học xác định mục tiêu phát triển, định hướng hoạt động theo Luật Giáo dục đại học 2018.

Các trường có định hướng ứng dụng vốn có tỉ lệ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ thấp hơn mà việc đào tạo thường gắn với doanh nghiệp, tập trung đào tạo vào 3 lĩnh vực là kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc để đáp ứng được mục tiêu làm việc không chỉ của các doanh nghiệp trong nước mà cả trên thế giới.

Do đó, các trường theo định hướng ứng dụng, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ thường thấp hơn so với các trường định hướng nghiên cứu. Việc phân chia được cụ thể và chi tiết thêm sẽ giúp đánh giá Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vừa được chính xác hơn, vừa phù hợp hơn với Luật Giáo dục đại học hiện hành.

Hơn nữa, theo thầy Đức, cần xem xét lại thời gian lộ trình để các trường đạt chuẩn trong dự thảo về tiêu chuẩn giảng viên.

Trong Tiêu chuẩn 2, Tiêu chí 2.3 về Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian quy định, cần đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ; trên 10% riêng đối với các trường chuyên ngành đặc thù; Đạt trên 40% và từ năm 2025 đạt trên 50% đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ; trên 20% riêng đối với các trường chuyên sâu nghệ thuật hoặc thể dục, thể thao có đào tạo tiến sĩ.

Thầy Đức cho rằng, mốc thời gian quá gấp gáp như vậy sẽ gây ra khó khăn cho các trường khi không kịp để phấn đấu trở thành chuẩn như quy định. Đến lúc đó, nếu phải đi điều chỉnh sẽ rất mất công và tốn kém.

Cũng theo thầy Đức, nhìn vào thực tế, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường đại học của nước ta hiện nay đang còn thấp, đặc biệt là ở các trường mới mở.

Không những vậy, để đánh giá được chất lượng giảng dạy của giảng viên còn cần đánh giá theo nhiều phương diện khác như năng lực và kinh nghiệm chứ không riêng gì bằng cấp.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Phan Thanh Tiến - Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế nêu ý kiến, lộ trình tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của dự thảo rất khó thực hiện.

“Muốn tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cần phải có lộ trình hợp lý với độ giãn thời gian để có được tỉ lệ mong muốn phải gấp ít nhất 1,5 lần số năm đào tạo tiến sĩ.

Để đào tạo được một tiến sĩ phải tốn thời gian ít nhất là 3 – 4 năm, trong khi đó, theo dự thảo, đến năm 2025, phải đạt trên 25% với trường không đào tạo tiến sĩ và đạt trên 50% đối với trường có đào tạo tiến sĩ là bất hợp lý bởi thời gian để thực hiện đạt Chuẩn cũng chỉ còn hơn 1 năm”, thầy Tiến bày tỏ quan điểm.

Cũng theo thầy Tiến, tỉ lệ quy định số giảng viên có trình độ tiến sĩ của dự thảo là khá cao so với thực trạng của nước ta. Nếu quy định này được đưa ra, sẽ có khoảng 50% cơ sở giáo dục đại học không đạt được tiêu chuẩn này.

Tỉ lệ này cũng bất cập ở chỗ, một số trường có truyền thống đào tạo lâu đời sẽ dễ dàng đạt được nhưng nhìn từ thực tế, việc tuyển sinh của các trường này hiện nay đang rất khó khăn.

Trong khi đó, một số trường mới hay có những ngành mới mở, khả năng tuyển sinh thuận lợi hơn lại khó đạt được tỉ lệ yêu cầu về số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ này.

Thầy Tiến cho rằng, quy định tỉ lệ giảng viên phân chia giữa cơ sở có đào tạo tiến sĩ và cơ sở không đào tạo tiến sĩ là cách phân chia chưa cụ thể và sẽ khó đánh giá được chính xác.

Đối với quy định về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, cần phải phân chia giữa ngành đào tạo tiến sĩ và ngành không đào tạo tiến sĩ thay vì đánh giá chung trong toàn trường. Bởi, trong cùng một trường, không phải ngành học nào cũng đào tạo tiến sĩ.

Tường San