Từ khi có thông báo của Chính phủ, đến thời điểm hiện tại, bên cạnh các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng thông báo tăng học phí năm học 2023-2024 theo Nghị định 81/2021/NĐ–CP.
Trường nghề dự kiến tăng học phí theo Nghị định 81
Chia sẻ về học phí năm nay của trường với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, năm học 2023 – 2024, mức học phí áp dụng cho các nghề của trường đều tăng.
Bởi, việc tăng học phí là tất yếu, theo đúng lộ trình và phù hợp với tinh thần của Nghị định 81/2021/NĐ–CP qui định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Học sinh Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội trong tiết học thực hành (Ảnh: Website nhà trường). |
Tuy nhiên, song hành cùng học sinh – sinh viên và thực hiện đúng nội dung của Nghị định 81; nhà trường cũng tạo điều kiện và hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế,… được tiếp cận giáo dục bình đẳng.
Bên cạnh đó, khi đăng ký vào học, trường cũng áp dụng đồng thời nhiều chính sách khuyến học, học bổng khuyến khích học tập dành cho các em có điểm thi tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ 18 điểm trở lên (xét theo từng tổ hợp môn), đạt học sinh giỏi lớp 12; thí sinh là bộ đội xuất ngũ.
Hơn nữa, trong quá trình đào tạo, trường cũng hỗ trợ nội trú cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi; học bổng cho học sinh – sinh viên đạt thành tích học tập xuất sắc mỗi học kỳ; học bổng cho các em giành giải cao tại các kỳ thi, có nhiều đóng góp trong hoạt động Đoàn – Hội và phong trào thanh niên,… và có 10 nghề đào tạo tại trường được hỗ trợ từ 70 – 100% theo qui định của Nhà nước và theo chương trình liên kết đào tạo theo “đơn đặt hàng” cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, nhìn nhận từ thực tế, các cơ chế, chính sách được triển khai song song với lộ trình tăng học phí cũng như sự đồng hành, hợp tác của doanh nghiệp đã góp phần tạo nên tâm thế vững tin, giảm bớt gắng nặng tài chính cho nhiều gia đình khi có con em đăng ký nhập học tại trường.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, là đơn vị đào tạo nghề trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vậy nên, mục tiêu của trường là làm sao đào tạo, cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, xã hội.
Chính vì vậy, năm học 2023-2024, trường dự kiến tăng từ 8-10% học phí theo Nghị định 81. Thầy Tuyền cũng cho biết thêm, mọi năm, học phí của các em sinh viên khi học tại trường chưa đến 10 triệu đồng/năm học.
Đối với công tác tuyển sinh, thầy Tuyền chia sẻ, lợi thế của Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh là có vị trí thuận lợi với 1 cơ sở nằm ở khu vực trung tâm Quận 1 và 1 cơ sở ở thành phố Thủ Đức (nơi có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp,…).
Do đó, trường rất thuận lợi trong việc thực hiện tuyển sinh cũng như kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm thực hiện nhiệm vụ tiên quyết của trường là đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhờ trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, trường được đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nơi ở cho người học ngay cạnh cơ sở đào tạo,… cùng nhiều chính sách ưu đãi, miễn, giảm học phí theo quy định hiện hành cho học sinh – sinh viên.
Vậy nên, hàng năm, Trường Cao đẳng Nghề Thành phố Hồ Chí Minh đều tuyển sinh đảm bảo chỉ tiêu được giao. Thậm chí, kể cả ngành học nặng nhọc, độc hại như cắt gọt kim loại khiến nhiều cơ sở giáo dục nghề gặp khó khăn khi tuyển sinh thì đây lại là ngành học chủ lực của trường.
Nhiều bất cập về cơ cấu và trình độ nhu cầu sử dụng lao động xã hội khi học nghề là lựa chọn sau cùng
Theo thầy Phạm Xuân Khánh, trong 3 năm gần đây, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tuyển sinh đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu đề ra.
Để đạt được kết quả như vậy, trước hết, chất lượng đào tạo, thương hiệu của nhà trường đã luôn được chú trọng, khẳng định, các ngành nghề đào tạo mang tính thực tiễn cao cùng với đó là áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ trong cách thức tuyên truyền tuyển sinh. Cụ thể: Năm 2020, trường tuyển sinh được 1325 em; Năm 2021, trường tuyển sinh được 1294 em; Năm 2022, trường tuyển được 1355 em.
Như vậy, có thể thấy, con số tuyển sinh của nhà trường qua các năm ổn định. Đặc biệt, trong 2 năm 2020 và 2021, dù chịu sự tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID–19, nhà trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra. Đó là kết quả rất đáng khích lệ trong công tác tuyển sinh của nhà trường.
Đặc biệt, con số tuyển sinh trên cũng đã khẳng định vị thế và chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội; đồng thời thể hiện được kết quả trong công tác phân luồng và nhận thức của xã hội về học nghề đã thay đổi.
Tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, công tác tuyển sinh có nhiều điều kiện thuận lợi để “hút” thí sinh đăng ký nhập học như: nhà trường luôn xem công tác tuyển sinh là khâu quan trọng nhất trong hoạt động của nhà trường; đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường có trình độ và kinh nghiệm cao.
Không những vậy, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cũng là nơi đào tạo nhiều ngành nghề xã hội “khát” nhân lực, có những ngành không cần quảng bá, tư vấn nhiều nhưng số lượng sinh viên tuyển được luôn và vượt chỉ tiêu. Trường cũng được Bộ Lao động Thương binh – Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy hoạch là trường chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng đào tạo được doanh nghiệp và thị trường lao động đánh giá cao.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong công tác tuyển sinh, tiêu biểu.
Thứ nhất, sự thay đổi về cơ chế chính sách, các trường đại học được thành lập nhiều, điểm chuẩn đầu vào đại học thấp, do đó, số lượng các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường cao đẳng giảm theo từng năm;
Thứ hai, sự cạnh tranh của các đơn vị đào tạo cùng địa bàn gây nên sự khó khăn trong công tác tuyển sinh của nhà trường so với những năm trước;
Thứ ba, do có qui định mới về việc đào tạo liên thông nên ảnh hưởng đến việc tuyển sinh vào hệ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp;
Thứ tư, nhu cầu học tập của một số ngành của trường đào tạo giảm vì khi ra trường, các em khó tìm việc làm, nhất là các ngành thuộc nhóm nghề: Ngoại ngữ, Kinh tế, Nông nghiệp – Tài nguyên – Môi trường.
Theo thầy Khánh, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn như vậy một phần do phụ huynh và học sinh vẫn mong muốn học đại học vì tâm lý ưa chuộng bằng cấp và đặt nặng vấn đề này.
Ngoài ra, công tác thông tin về tuyển sinh trường nghề, tuyên truyền và định hướng, phân luồng chưa được tốt; số lượng các trường đại học ngày càng nhiều nên tỷ lệ các em lựa chọn học nghề sẽ ít hơn.
Mặt khác, thầy Khánh cũng chỉ ra rằng, một nguyên nhân nữa khiến cho trường nghề khó tuyển sinh là các văn bản hướng dẫn thực hiện của Luật giáo dục nghề nghiệp hiện hành chưa cụ thể và rõ ràng, khiến cho học sinh không hiểu đúng về ngành nghề mình theo học, thí sinh phải tự tìm kiếm thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, mã trường, mã ngành.
Cũng theo thầy Phạm Xuân Khánh, để công tác tuyển sinh tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nói riêng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung trong những năm tới đây được khởi sắc, cần: Xây dựng đội ngũ làm công tác tuyển sinh, truyền thông về giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt, chuyên nghiệp; Đa dạng hóa các hình thức quảng bá tuyển sinh; Tăng cường công tác quản lý dạy và học; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc phục vụ giảng dạy và học tập; Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và các tổ chức.
Tựu chung lại, công tác tuyển sinh là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi trường. Để công tác tuyển sinh thật sự có hiệu quả và chất lượng, cần phải kết hợp và sử dụng đồng thời rất nhiều biện pháp.