Ngành Hàn chật vật tuyển sinh vì thuộc nghề nặng nhọc, độc hại

12/07/2023 06:46
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cơ hội việc làm rộng mở và có thu nhập cao tại các DN trong và ngoài nước, tuy nhiên ngành Hàn lại đang “khát” nguồn lao động do giới trẻ không mặn mà.

Thu không đủ chi

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Văn - Trưởng khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, cơ hội việc làm đối với sinh viên học ngành Hàn tương đối rộng mở vì nhu cầu tuyển dụng với nhiều vị trí việc làm của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang cần nhiều.

Năm nay nhà trường vẫn thực hiện xét tuyển theo 3 hình thức: xét học bạ, dùng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 và dùng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh viên học ngành Hàn công nghệ cao tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên học ngành Hàn công nghệ cao tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. (Ảnh: Website nhà trường).

Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng năm đều hợp tác với nhà trường để tìm kiếm nguồn nhân công về làm việc. Tuy vậy, công tác đào tạo đối với ngành Hàn tại trường vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Văn cho biết trong những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành Hàn ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng khá hạn chế (khoảng 50 chỉ tiêu/năm).

Số lượng sinh viên xét tuyển vào ngành giữ ở mức tương đối, mỗi năm trường chỉ mở một lớp với khoảng 35 sinh viên.

Ngoài ra, xuất phát từ cá nhân sinh viên lựa chọn vào ngành tương đối ít dẫn đến kết quả tuyển sinh không được như mong đợi.

Lý giải về nguyên nhân khiến số lượng tuyển sinh với ngành học ngày một giảm, Trưởng khoa Cơ khí cho biết có nhiều lý do dẫn đến việc ít sinh viên chọn ngành Hàn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Trong đó, ở nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí gồm có Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển; Công nghệ chế tạo máy; Công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ; Công nghệ ô tô; Công nghệ hàn…

Bởi vậy, tâm lý chung của phụ huynh hay học sinh cũng khá dè dặt với ngành Hàn.

Việc ngành Hàn nằm trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến công tác truyền thông tuyển sinh của các trường cao đẳng.

Ngoài ra, thầy Văn cho rằng hiện nay cùng với sự phát triển xã hội, cơ hội việc làm trong nhiều ngành nghề khác rộng mở, là những nguyên nhân khiến cho nghề Hàn không nhận được sự quan tâm của giới trẻ.

Ngành Hàn nằm trong danh mục ngành nghề độc hại nên Nhà nước hỗ trợ chi trả 70% mức học phí. Tuy nhiên, thầy Văn cho biết đối với đào tạo ngành Hàn thì nguồn thu không đủ cho nguồn chi.

Vị trưởng khoa lý giải, để đào tạo ra một người kỹ sư thực hành thông thạo với nghề và đáp ứng được yêu cầu tại một doanh nghiệp lớn, uy tín cần phải đầu tư rất nhiều.

Trong đó, nghề Hàn khi thực hành sẽ tiêu hao nguồn vật tư tương đối lớn, ngoài ra việc xử lý chất thải trong quá trình đào tạo các ngành học này đang còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đầu tư. Đặc biệt, quy mô nhà xưởng để đào tạo ngành vẫn còn hạn chế khiến việc đào tạo còn gặp nhiều vướng mắc.

Để khắc phục tình trạng này, thầy Văn cho biết Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng lựa chọn chú trọng vào chất lượng đào tạo, chỉ tuyển sinh trong phạm vi đảm bảo được chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, không chạy theo số lượng.

Ngoài ra để đảm bảo nguồn nhân lực cung ứng ra thị trường, sinh viên theo học các ngành liên quan đến cơ khí, kỹ thuật tại trường đều được đào tạo cơ bản về ngành Hàn.

Khi vào làm tại các doanh nghiệp nếu có yêu cầu chỉ cần thực hiện chuyển đổi ngành nghề và đào tạo thêm sẽ dễ dàng đạt được trình độ, đảm bảo công việc.

Theo đó, trung bình hằng năm ngành Hàn sẽ có khoảng 30-40 sinh viên tốt nghiệp theo nghề và làm việc tại các doanh nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và đảm bảo bắt kịp sự phát triển chung, không chỉ ngành Hàn mà tất cả các ngành khác của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đều được xây dựng và đào tạo dựa trên nền tảng là nhu cầu tuyển dụng của xã hội cùng với ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành để có phương pháp giảng dạy hiệu quả.

Nhà trường đã tập trung đầu tư các trang thiết bị máy móc sát với thực tế tại các doanh nghiệp để đảm bảo môi trường học tập hiện đại cho sinh viên.

“Mục tiêu cuối cùng là làm sao để sinh viên sau khi tốt nghiệp tại trường có thể tự tin khi làm nghề, nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc thực tế”, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Văn khẳng định.

Để nâng cao tính ứng dụng trong đào tạo, sinh viên học ngành Hàn với thời gian là 2,5 năm không chỉ tiếp nhận lý thuyết trên giảng đường mà sẽ được trải nghiệm, làm việc trong môi trường doanh nghiệp.

Ngay từ năm hai, sinh viên đã được đi thực tập nên phần lớn sau khi ra trường sinh viên khá tự tin, không bị bỡ ngỡ khi làm việc.

Thầy Văn khẳng định để giúp thu hút sinh viên theo học ngành Hàn, vai trò truyền thông rất quan trọng. Trong đó việc định hướng nghề nghiệp cho các em ngay từ đầu là yếu tố cốt lõi.

Ngay từ cấp trung học phổ thông, đội ngũ giáo viên dạy bộ môn Công nghệ, Kỹ thuật Công nghiệp cần có sự thay đổi định kiến về ngành Hàn.

Điều cần thiết là cần tư vấn tuyển sinh chi tiết và quá trình phụ huynh, học sinh tự tìm hiểu về ngành Hàn đúng đắn.

Trên thực tế, ngành Hàn hiện nay không còn phải hoạt động chân tay như trước mà đều được thay thế bằng máy móc, robot. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ là làm công việc chủ yếu là thiết lập số liệu cho máy móc, dây chuyền và là người giám sát quá trình thực hiện và kiểm tra thành phẩm.

Cần có chính sách đặc thù cho nguồn nhân công ngành Hàn

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Đặng Đình Vệ - Trưởng khoa Xây dựng, Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh khẳng định ngành Hàn là ngành công nghiệp gốc, thuộc nhóm ngành nghề truyền thống.

Đối với các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp đóng tàu,... rất cần nguồn nhân lực ngành này. Đặc biệt là hàn công nghệ cao từ 3G-6G có sứ mệnh cũng như tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển chung của xã hội.

Tuy có vai trò lớn, nhưng ngành Hàn hiện nay lại đang “khát” nguồn nhân công. Tỷ lệ tuyển sinh ngành Hàn trong 2-3 năm gần đây của Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh là 50 chỉ tiêu.

Thầy Vệ cho biết, chủ yếu nhà trường tuyển đủ số lượng sinh viên theo học hệ trung cấp, còn cao đẳng không đủ chỉ tiêu. Lý do là nhiều học sinh muốn học nghề song song với học văn hóa để sau khi ra trường sẽ có cơ hội việc làm ngay.

Ngoài ra thời gian đào tạo ngắn, chi phí không tốn kém cũng là điều kiện các em cân nhắc, đỡ phần gánh nặng kinh tế cho gia đình.

“Vì đặc thù các vùng miền nên nhà trường tuyển sinh đều là ở vùng nông thôn hoặc vùng đang chuyển đổi nông thôn sang thành thị, người trẻ có xu hướng học đi đôi với hành để có công ăn việc làm”, thầy Vệ thông tin thêm.

Điều đáng mừng là trong 2 năm trở lại đây số lượng sinh viên lựa chọn học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng có xu hướng tăng do nhận thức nghề nghiệp và yêu cầu công việc nên nhà trường đã tuyển được sinh viên ở các lớp cao đẳng liên thông.

Theo thầy Vệ, 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm với mức lương tương đối ổn định dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Ngoài các chính sách ưu tiên, hỗ trợ riêng với ngành Hàn, nhà trường đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhờ đó, ngoài tuyển dụng nhiều vị trí việc làm các doanh nghiệp còn tài trợ học phí cho sinh viên, thực hiện cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ về làm tại doanh nghiệp 2-3 năm.

Đối với ngành Hàn, sinh viên theo học cần đảm bảo được khối lượng kiến thức, kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Trưởng khoa Xây dựng chỉ ra 3 yêu cầu với sinh viên ngành này.

Thứ nhất, điều quan trọng đầu tiên là sinh viên phải thực sự yêu, đam mê với nghề Hàn.

Thứ hai, sinh viên phải đảm được sức khỏe dẻo dai, bền bỉ bởi do đặc thù nghề nghiệp các bạn không chỉ làm việc cả trong nhà xưởng mà đôi khi còn phải ra ngoài trời để lao động.

Thứ ba, để có thể tốt nghiệp và làm nghề, sinh viên buộc phải đảm bảo được yêu cầu về chuẩn đầu ra của nghề đối với hệ trung cấp, cao đẳng.

Yêu cầu trên thực tế không quá cao, điều cốt lõi là sinh viên cần nhiệt huyết với nghề.

Thầy Vệ nhấn mạnh, ngoài những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và sự nỗ lực trong đào tạo của nhà trường, vấn đề nhận thức nghề nghiệp của cá nhân học sinh, sinh viên cũng tác động một phần không nhỏ trong tỷ lệ tuyển sinh.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đã chủ động đổi mới chương trình đào tạo và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tiếp cận với nền lao động khoa học tiên tiến.

Thầy Vệ cho biết, trong chương trình đào tạo sẽ có những môn học thiên về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và áp dụng tối đa công nghệ 4.0.

Ngoài ra, còn có các module đào tạo robot hàn, khi đó người lao động phải có kiến thức, kỹ năng để làm chủ công nghệ và điều khiển robot, thực hiện tổ chức sắp xếp các chương trình hàn.

Ngành Hàn của trường hiện có 8-10 giảng viên chức trách, ngoài ra còn có các giảng viên kiêm nhiệm và mời giảng viên từ doanh nghiệp về giảng dạy để bắt kịp với thực tế, giúp việc đào tạo hiệu quả hơn.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và ngày càng thu hút được sinh viên theo học, thầy Vệ kiến nghị các cấp, các ngành cần quan tâm hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như đổi mới chương trình đào tạo, dạy học với ngành này để đáp ứng yêu cầu cao của doanh nghiệp, xã hội.

Phương Nga