Lớp học trường làng ở Hà Tĩnh có gần 70% học sinh đạt trên 27 điểm khối C00

20/07/2023 13:50
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lớp 12A5 Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi có điểm trung bình môn Lịch sử là 9,3. Trong đó có 25 em đạt trên 27 điểm theo các tổ hợp xét tuyển đại học.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi – một ngôi trường thuộc vùng nông thôn huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã gặt hái được nhiều “trái ngọt”.

Lớp học "yêu Lịch sử" với 3 điểm 10 và điểm trung bình môn Lịch sử là 9,3.

Lớp học "yêu Lịch sử" với 3 điểm 10 và điểm trung bình môn Lịch sử là 9,3.

Đặc biệt, thầy trò lớp 12A5 vui mừng, tự hào khi điểm trung bình môn Lịch sử và Ngữ văn đều đạt 9,3 điểm, gần 100% học sinh của lớp đạt điểm 9 trở lên với môn môn Ngữ văn. Với môn Lịch sử, lớp có 30/36 em đạt từ điểm 9 trở lên, có 9 em đạt 9.75 điểm và 3 em đạt điểm 10.

Bên cạnh đó, lớp 12A5 còn có 25/36 em đạt trên 27 điểm xét tuyển đại học theo tổ hợp C00.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thầy giáo Lê Tiến Võ – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi cho biết, năm nay, nhà trường đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Toàn trường có 384/387 thí sinh dự thi (có 2 học sinh được đặc cách tốt nghiệp, 1 thí sinh có lý do đặc biệt không dự thi được), 100% học sinh dự thi đều đỗ tốt nghiệp.

Đặc biệt, điểm trung bình cả 9 môn thi của trường đều cao hơn điểm trung bình của toàn tỉnh Hà Tĩnh và cao hơn điểm trung bình toàn quốc.

Toàn trường có 495 điểm 9 và điểm 10, trong đó có 16 điểm 10 (môn Lịch sử có 4 điểm 10 và môn Giáo dục công dân có 12 điểm 10).

Về điểm thi tổ hợp môn xét tuyển đại học theo các khối truyền thống, trường có 55 em đạt 27 điểm trở lên, 13 em đạt 28 điểm trở lên.

Đặc biệt, nổi bật là lớp 12A5, có 25 học sinh đạt trên 27 điểm tổ hợp C00, trong đó có 12 em từ 28 điểm trở lên. Điểm trung bình các môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân của lớp đều trên 9, riêng môn Ngữ văn và Lịch sử đạt 9,3.

“Đó là thành tích đáng tự hào của nhà trường. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, thầy trò vỡ oà trong niềm vui và hạnh phúc. Kết quả đó rất xứng đáng với nỗ lực dạy và học của các thầy cô giáo và các em học sinh”, Thầy Lê Tiến Võ chia sẻ.

Chia sẻ về thành tích của học trò, cô giáo Ngô Thị Thúy – Giáo viên chủ nhiệm, đồng thời là giáo viên dạy Lịch sử của lớp 12A5 cho biết: “Tôi rất tự hào về học trò của mình. Các em đều chăm ngoan, học giỏi, luôn tự giác và có ý thức trong học tập.

Đặc biệt, là học sinh nông thôn, gia đình thuần nông và có hoàn cảnh khó khăn, các em không học thêm ở trung tâm nào nhưng đã xuất sắc vượt qua kỳ thi”.

Cô Thuý cho biết, bí quyết để học sinh yêu môn Lịch sử là người giáo viên phải biết cách truyền cảm hứng và tạo động lực học tập cho học sinh. Ảnh: NTCC

Cô Thuý cho biết, bí quyết để học sinh yêu môn Lịch sử là người giáo viên phải biết cách truyền cảm hứng và tạo động lực học tập cho học sinh. Ảnh: NTCC

Chia sẻ về bí quyết để các em học sinh yêu môn Lịch sử, cô Thuý cho biết, giáo viên phải tạo được niềm tin yêu của học trò, niềm tin đó được xây dựng từ thái độ làm việc nghiêm túc, tận tụy, tâm huyết của giáo viên, để truyền cảm hứng “yêu Lịch sử” đến với các em.

Đặc biệt, quá trình giảng dạy, cô Thuý không áp dụng các nguyên tắc cứng nhắc hay tạo áp lực cho học sinh, ngược lại, cô đã giúp các em hình thành ý thức tự học, tự bồi dưỡng, tạo động lực để các em chủ động học tập. Mỗi giờ học, từng sự kiện, câu chuyện Lịch sử đã mang đến hứng thú cho học trò.

Và để có được kết quả ngày hôm nay, một phần vì nhà trường đã tổ chức ôn tập sớm cho học sinh ngay từ đầu năm học. Khi chưa có đề minh họa, giáo viên bám đề minh họa và đề thi chính thức của năm học liền kề để ôn tập cho học sinh.

Ví dụ, ở phần Lịch sử thế giới, những năm gần đây, đề chỉ ra ở mức độ nhận biết, thông hiểu; còn các chuyên đề của Lịch sử Việt Nam, học sinh sẽ được trang bị khá đầy đủ cả 4 mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đến vận dụng cao.

“Trong quá trình cung cấp kiến thức, vì khối lượng kiến thức lớn nên tôi chú ý chốt từ khóa quan trọng, giảng giải chi tiết, tỉ mỉ để học sinh hiểu được vấn đề. Ngoài ra, khi hệ thống kiến thức qua bảng biểu, sơ đồ so sánh sẽ giúp học sinh tiếp thu bài học nhanh hơn.

Đặc biệt, các em được luyện nhuần nhuyễn kĩ năng làm đề thi trắc nghiệm, học sinh cần làm việc trên đề, gạch chân các từ khóa quan trọng ở câu hỏi, tìm từ sai ở câu trả lời để loại trừ đáp án sai.

Với vai trò giáo viên chủ nhiệm, điều tôi tự hào là đã tạo được động lực học tập cho học sinh. Một số em ban đầu học chưa tốt, hay không có ý định thi đại học nhưng cuối cùng đã “chuyển hướng” và đạt kết quả cao trong kỳ thi”, cô Thuý chia sẻ.

Chia sẻ về bí quyết dạy học, cô giáo Luyện Quỳnh Nga – giáo viên dạy Ngữ văn cho hay, môn Ngữ văn có tính đặc thù hơn các môn học khác, là môn thi tự luận duy nhất, cũng là môn thi đòi hỏi tính sáng tạo của học trò.

Các em học sinh luôn nỗ lực và học hỏi lẫn nhau với tinh thần "cả lớp cùng tiến". Ảnh: NTCC

Các em học sinh luôn nỗ lực và học hỏi lẫn nhau với tinh thần "cả lớp cùng tiến". Ảnh: NTCC

Bên cạnh bám sát chương trình, đề thi minh hoạ, cô luôn tìm kiếm nguồn học liệu đa dạng, tham khảo thêm góp ý, chia sẻ của đồng nghiệp, đặc biệt là từ cô giáo Nguyễn Thị Loan, thầy giáo Phạm Duy Diễn- những giáo viên giàu kinh nghiệm trong việc giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp cho học sinh những năm qua.

Vì năm học vừa qua, kỳ thi vẫn theo chương trình hiện hành nên điều quan trọng là phải giúp học sinh nắm vững các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, sau đó giáo viên sẽ cho các em làm đề, đi từ vấn đề cơ bản đến nâng cao.

Đối với phần nghị luận xã hội, cô luôn khuyến khích các em đưa ra được quan điểm, cách nhìn của bản thân trước mỗi vấn đề. Mỗi đề bài nghị luận xã hội cũng chính là bài học cuộc sống mà cô muốn gửi gắm tới học sinh.

Điều quan trọng là tất cả các em học sinh lớp 12A5 luôn có ý thức tự học, tự tìm tòi, nỗ lực không ngừng nghỉ và đặc biệt luôn học hỏi lẫn nhau với tinh thần "cả lớp cùng tiến".

Thầy Lê Tiến Võ cho biết, những năm qua, nhà trường đều có thành tích nổi bật trong giáo dục mũi nhọn cũng như giáo dục đại trà, trường cũng luôn đứng tốp đầu toàn tỉnh về kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Kỳ thi vừa qua, bên cạnh thành tích của lớp 12A5 thì lớp 12A4 cũng đạt kết quả cao, lớp có 29/31 thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên ở môn Ngữ Văn (trong đó có 4 em đạt 9,75 điểm). Tất cả thí sinh của lớp đều đăng ký nguyện vọng khối D01.

Hay như lớp 12A6, dù không phải lớp mũi nhọn của trường nhưng điểm thi trung bình môn Ngữ Văn cũng đạt 9,1 điểm.

Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng xây dựng môi trường học tập tích cực, giúp học sinh luôn tự giác, chủ động trong học tập.

Là học sinh trường làng, đa số bố mẹ các em đều làm nông nhưng học sinh của trường luôn chăm ngoan, phấn đấu, vươn lên để đạt thành tích cao.

Nhiều em đã được tuyển thẳng vào các trường đại học top đầu như Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội,… nhưng vẫn nghiêm túc trong việc học, ôn tập và trở thành thủ khoa của trường.

Các thầy cô giáo cũng luôn hết lòng, nhiệt huyết với học sinh, dành thời gian, tâm lực, trí lực, đồng hành cùng các em trên chặng đường học tập. Thầy cô có nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong khai thác học liệu, nhờ đó, học sinh đã học tập hiệu quả.

Nhà trường cũng tích cực nâng cao hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học, hướng tới phát triển năng lực học sinh, hướng dẫn học sinh tự học, coi trọng việc tự học của học sinh và đánh giá tự học của học sinh. Hàng tháng, hàng kỳ đều có đánh giá việc thực hiện kế hoạch dạy học để từ đó có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn dạy học.

Cùng với đó, trường thực hiện tốt việc thi đua khen thưởng, khích lệ học sinh, giáo viên trong công tác dạy và học; phối hợp tốt với Hội cha mẹ học sinh trong việc quan tâm, động viên cũng như quản lý nề nếp học sinh trong giai đoạn cần phải tập trung ôn tập giai đoạn cuối năm học.
Phạm Minh