Lựa chọn môn học tổ hợp lớp 10 cần lưu tâm tới định hướng nghề nghiệp

07/07/2023 06:42
TS Trần Vân Anh – Phó phòng Đào tạo Hệ thống Giáo dục Ban Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có nhiều tiêu chí để lựa chọn môn học, nhưng có một số câu hỏi căn bản mà cha mẹ cùng như học sinh cần trả lời trong quá trình chọn môn lựa chọn.

Mỗi năm mùa thi các thầy cô thường nhận được những cuộc gọi từ bạn bè, đồng nghiệp, học sinh nhờ tư vấn nên vào đăng ký vào trường nào, hoặc con, cháu đỗ cả chuyên và trường điểm, trường chất lượng cao thì nên học trường nào.

Đặc biệt, khi Chương trình phổ thông mới 2018 bắt đầu được triển khai, các cha mẹ và học sinh càng có thêm nhiều câu hỏi, băn khoăn, lo lắng khi tìm hiểu về chọn các môn học tổ hợp. Tại sao phải lựa chọn môn học, chọn xong nếu học không hợp có được đổi môn học không, rồi chọn môn học lựa chọn xong thì thi thế nào?

Khi tiếp xúc với các cha mẹ có con trong độ tuổi chuẩn bị vào trung học, nhất là khi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp, thầy cô thấu hiểu tâm trạng bối rối khi cha mẹ bắt đầu đặt bút lựa chọn các môn tổ hợp nói riêng và bước đầu nghĩ đến việc định hướng nghề nghiệp sau này. Nhiều cha mẹ chia sẻ thẳng thắn, thực sự họ không có nhiều thông tin cũng như không biết cần phải chọn như thế nào, cũng không biết chọn thế nào mới là đúng, là hợp, là tốt cho con họ.

Có nhiều cách, tiêu chí để lựa chọn môn học, nhưng có một số câu hỏi căn bản mà cha mẹ cùng như học sinh cần trả lời trong quá trình chọn môn lựa chọn.

Tiến sĩ Trần Vân Anh – Phó phòng Đào tạo Hệ thông giáo dục Ban Mai chia sẻ trực tiếp với cha mẹ, học sinh về cách lựa chọn tổ hợp vào lớp 10.Tiến sĩ Trần Vân Anh – Phó phòng Đào tạo Hệ thông giáo dục Ban Mai chia sẻ trực tiếp với cha mẹ, học sinh về cách lựa chọn tổ hợp vào lớp 10.

Môn học lựa chọn là gì?

Từ năm học 2022 – 2023, học sinh lớp 10 bắt đầu với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chia hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12. Từ lớp 1 đến lớp 9, ngoài kiến thức và kĩ năng từ các môn học, học sinh đã làm quen với nghề nghiệp và được hướng nghiệp theo các cấp độ tăng dần. Đến khi vào lớp 10, học sinh cơ bản đã phải trả lời được câu hỏi: Tôi muốn làm nghề gì trong tương lai? Hay “Tôi muốn học ngành nào khi vào đại học?”.

Để đáp ứng mục tiêu giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10, học sinh sẽ học 8 môn học bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh, Quốc phòng an ninh, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Các học sinh sẽ phải đăng ký học tổ hợp lựa chọn với 4 môn trong các nhóm: nhóm Khoa học tự nhiên (Vật Lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Như vậy, môn học lựa chọn là các môn học mà học sinh được lựa chọn học để phù hợp với mục tiêu định hướng cho nghề nghiệp.

Tại sao bắt đầu vào lớp 10, học sinh phải lựa chọn các môn học?

Ngoài học các môn học bắt buộc, học sinh được chọn 4 môn học học trong số các môn học: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế & Pháp luật, Công nghệ, Tin học, Mĩ thuật, Âm nhạc. Việc đăng ký lựa chọn môn học được thực hiện ngay từ khi học sinh bắt đầu vào lớp 10. Đối với học sinh, các môn lựa chọn là những môn học mà học sinh học suốt 3 năm Trung học phổ thông.

Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ thi 4 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn trong số 4 môn đã lựa chọn.

Theo phương thức tuyển sinh vào cao đẳng, đại học mà các trường đang sử dụng, có thể sử dụng kết quả của các môn học lựa chọn để xét tuyển bằng xét tổ hợp các môn học, hoặc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển. Như vậy, việc xác định 4 môn học lựa chọn phù hợp sẽ giúp học sinh tập trung vào thế mạnh và mục tiêu, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, công sức để phát hiện và theo đuổi nghề nghiệp tương lai.

Đối với các nhà trường, việc tổ chức dạy học cùng lúc cả môn bắt buộc cho tất cả học sinh và dạy học môn lựa chọn khác nhau theo đăng ký của học sinh đòi hỏi điều kiện về phòng học, thiết bị dạy học, giáo viên, cách thức tổ chức và sắp xếp thời khóa biểu, không đơn giản như tất cả học như nhau. Vì vậy, đăng ký môn học lựa chọn của học sinh là một trong những căn cứ để nhà trường chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực đảm bảo cho năm học, như giáo viên, kế hoạch giảng dạy môn học, tập huấn giáo viên, nhân viên…và cách thức tổ chức hoạt động dạy và học trong nhà trường cho năm học mới.

Tư vấn hướng nghiệp từ sớm giúp cha mẹ có lộ trình đồng hành cùng con lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với năng lực, sở trường.

Tư vấn hướng nghiệp từ sớm giúp cha mẹ có lộ trình đồng hành cùng con lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với năng lực, sở trường.

Căn cứ vào đâu để lựa chọn môn học?

Để lựa chọn được 4 môn học trong số các môn lựa chọn, cha mẹ học sinh và học sinh không thể chọn đại.

Có nhiều phương án tổ chức 4 môn lựa chọn, nhưng các phương án phải đảm bảo nhu cầu của người học và bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Học sinh và ha mẹ học sinh nên xác định môn học lựa chọn dựa trên các yếu tố sau: mục tiêu nghề nghiệp của học sinh, năng lực thế mạnh của học sinh (và gia đình), tương lai của thị trường lao động, điều kiện của nhà trường phổ thông.

Một là, căn cứ vào mục tiêu nghề nghiệp của học sinh. Học sinh cùng cha mẹ trả lời các câu hỏi căn bản, như: Học sinh muốn làm nhóm ngành nghề nào sau khi tốt nghiệp? Để làm ngành nghề đó, học sinh sẽ học các năng lực của nghề ở đâu? Trường đại học hoặc hoặc trường nghề nào sẽ đào tạo ngành nghề đó? Khoa, ngành đào tạo đó tuyển sinh bằng những phương thức nào, học xét các tổ hợp môn học nào? Từ đó, học sinh và cha mẹ lựa chọn các môn học liên quan đến các tổ hợp xét tuyển. Với cách làm này, ưu điểm là học sinh buộc phải hoạch định mục tiêu tương lai và biết được nghề nghiệp mình ước ao có thể đạt được bằng cách nào. Tuy nhiên, mấu chốt ở đây phải là học sinh biết được mình muốn trở thành ai, làm gì trong tương lai và biết được đâu là điểm mạnh yếu để phát huy, khắc phục cho phù hợp.

Hai là, căn cứ vào năng lực và sở thích hiện tại của học sinh. Đây là căn cứ được nhiều học sinh dùng để lựa chọn. Ưu điểm của cách làm này là học sinh có cảm giác an toàn và tự tin vì các môn học lựa chọn thường là các môn học sinh học tốt hơn, hoặc yêu thích hơn. Học sinh tập trung vào học tập các môn sở trường, cho đến năm lớp 12, học sinh sẽ nghiên cứu phương thức tuyển sinh của các trường và các ngành có xét tuyển các tổ hợp có môn học mình thế mạnh. Đến lúc này, có thể học sinh và cha mẹ tiếp tục vòng lặp “đau đầu để chọn trường” và “vào đại học nhưng chưa biết ra trường làm nghề gì”.

Ba là, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ hiện đại và xu thế toàn cầu hóa, có nhiều nghề sẽ mất đi và nhũng nghề mới ra đời. Việc lựa chọn môn học cũng cần đón lấy xu thế này thay vì bó khung hạn hẹp trong các nghề truyền thống đã biết. Vì vậy, việc chọn môn cần thiết để tạo nền tảng năng lực cho tương lai phải là ưu tiên. Điều này có thể mâu thuẫn với việc chọn môn học dựa trên sở trường và sở thích của học sinh. Giữa năng lực học sinh có sẵn, điều học sinh thích và năng lực học sinh cần phải có, cha mẹ cần phân tích để học sinh đặt ưu tiên của mình vào bối cảnh kinh tế – xã hội và điều kiện bản thân để không bị mất phương hướng, mất thời gian và tiêu hao nguồn năng lượng tích cực của bản thân vì lựa chọn chưa phù hợp.

Bốn là, điều kiện tổ chức dạy học các môn lựa chọn của trường học. Điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, tầm nhìn của lãnh đạo… là yếu tố tiên quyết để nhà trường tổ chức các hoạt động dạy học. Điều kiện lý tưởng nhất là học sinh đăng ký học môn nào sẽ được đáp ứng nhu cầu cho tất cả học sinh. Một số trường đã xây dựng sẵn các nhóm môn học lựa chọn và học sinh có thể chọn 1 nhóm trong các nhóm đó. Với trường hợp này, sẽ có môn học trùng với mong muốn của học sinh và sẽ có môn không phải môn học yêu thích. Trường hợp khác, là nhà trường thiết lập sẵn các nhóm môn lựa chọn cho học sinh. Cách làm nào cũng có ưu điểm và hạn chế của cách làm đó, không có cách tốt nhất, chỉ có cách phù hợp với điều kiện hiện tại. Vì vậy, nếu lấy việc chọn trường phù hợp là một căn cứ, cha mẹ và học sinh nên khảo sát, tìm hiểu về cách thức và các môn học lựa chọn của trường trung học phổ thông để có thông tin làm căn cứ xác định môn học lựa chọn.

Có thay đổi được môn đã lựa chọn không?

Vì các môn lựa chọn được đặt ra để giúp học sinh xác định và lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai. Vì vậy, có thể thấy đây là bước chuẩn bị, bước dự bị cho trường đại học hoặc trường nghề mà học sinh sẽ phát triển sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, cần đảm bảo sự lựa chọn là một quyết định có cân nhắc kỹ càng và trách nhiệm trong suốt 3 năm học trung học phổ thông.

Học sinh sẽ học các môn lựa chọn trong suốt 3 năm trung học phổ thông. Học sinh không được khuyến khích thay đổi môn lựa chọn vì điều này còn liên quan đến điểm quá trình của các môn tổ hợp mà học sinh dùng để đăng ký thi, đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học. Trường hợp đặc biệt phải thay đổi thì phải học hết năm học và hiệu trưởng nhà trường sẽ là người quyết định đồng ý hay không. Khó khăn cho người học là thay đổi môn lựa chọn là phải học lại môn học đó để có điểm. Đối với học theo năng lực hay theo tín chỉ thì việc này có thể thực hiện dễ dàng hơn, nhưng tổ chức học theo niên chế và có xét lên lớp hàng năm sẽ gặp vướng về hoàn thành môn học theo năm học. Với bất cập này, có thể sớm muộn các cơ quản quản lý giáo dục sẽ có văn bản quy định hoặc hướng dẫn, nhưng cho đến khi có được một lộ trình hoàn chỉnh cho việc chuyển đổi môn học lựa chọn hoặc khả năng tốt nghiệp sớm, muộn khác nhau của học sinh, thì cha mẹ và học sinh nên cân nhắc kỹ khi chọn môn học và có giải pháp khác để không đưa ra giải pháp thay đổi môn học lựa chọn giữa chừng.

TS Trần Vân Anh – Phó phòng Đào tạo Hệ thống Giáo dục Ban Mai