Lực lượng lao động ‘‘ly nông’’, ‘’ly hương’’ khiến ngành nông nghiệp loay hoay

21/12/2022 06:48
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào lĩnh vực nông lâm, thủy sản nhưng số lượng tuyển sinh vài năm trở lại đây của các ngành này chỉ đạt từ 30-40% chỉ tiêu.

Hiện nay, nhiều trường đại học đang gặp khó khăn lớn trong việc tuyển sinh, đào tạo khối ngành nông lâm nghiệp và thủy sản, các chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản trong tương lai gần.

Nhu cầu nhân lực cao hơn nhiều lần số lượng sinh viên ngành nông lâm nghiệp, thủy sản ra trường hàng năm

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên nói rằng, thực trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam cho thấy, nước ta đang dồi dào lực lượng lao động, nhưng lại thiếu lao động trong ngành nông nghiệp, nhất là lao động chất lượng cao.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng cho biết, ngành nông nghiệp nước ta hiện nay chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: Nguyên Phương)

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng cho biết, ngành nông nghiệp nước ta hiện nay chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: Nguyên Phương)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn là rất lớn. Mỗi năm cả nước cần trên một triệu lao động trong ngành này, nhưng đội ngũ cán bộ nông nghiệp, nông thôn chỉ có khoảng 9% là có trình độ đại học, cao đẳng; 40% có trình độ trung cấp và 10% sơ cấp.

Ngành nông nghiệp nước ta hiện nay chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, lực lượng lao động đang ‘‘ly nông’’ và ‘’ly hương’’ ngày càng trở nên phổ biến cũng là điều rất đáng báo động, đặc biệt là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

“Trong năm 2021 và năm 2022, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp đến nhà trường tuyển dụng thông qua ngày hội việc làm và qua kênh tuyển dụng của nhà trường. Qua đó cho thấy, số lượng nguồn nhân lực các tập đoàn, doanh nghiệp cần vượt xa so với số sinh viên tốt nghiệp của trường trong năm.

Cụ thể như năm 2022, số sinh viên tốt nghiệp ra trường khoảng 700 người thì có đến trên 3000 chỉ tiêu tuyển dụng từ các doanh nghiệp gửi về nhà trường.

Các tập đoàn lớn như De hues, Greenfeed, Đức Hạnh BMG, Hoà Phát, Invet… cũng đặt vấn đề với nhà trường đào tạo thông qua đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho người học và các hoạt động đào tạo chuyên đề, hoạt động ngoại khoá….”, Giáo sư Hùng chia sẻ.

Theo thầy Hùng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản hiện nay là do chưa có sự kết nối giữa dự báo nhân lực và đào tạo.

Hiện nay và trong tương lai 5 – 10 năm tới, nguồn nhân lực ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản vô cùng khan hiếm, cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở.

Hiện nay sinh viên theo học ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản khi còn đang học đã được các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt hàng và tuyển dụng ngay trong quá trình thực tập tốt nghiệp, được hưởng lương ngay trong quá trình thực tập.

Khi tốt nghiệp, các em được các tập đoàn, doanh nghiệp tuyển dụng không phải trải qua thời gian thử việc, với mức thu nhập cao và ổn định.

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, trong khi số lượng tuyển sinh vài năm trở lại đây của các ngành nông, lâm, thuỷ sản chỉ đạt từ 30-40% chỉ tiêu.

Cơ hội việc làm đang rất rộng mở đối với các sinh viên, với mức lương khởi điểm khá hấp dẫn: “Tháng 6/2022, Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội chợ việc làm với gần 40 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng khoảng 1.800 vị trí công việc, nhưng chỉ tuyển được gần 200 sinh viên”. Con số này đã minh chứng cho thực trạng “khát nhân lực” của ngành hiện nay.

Cần có chính sách về đào tạo nguồn nhân lực ngành nông lâm

Giáo sư Nguyễn Thế Hùng khẳng định, trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản cũng đã có những bước chuyển mình đáng kể, vì vậy mà xu hướng đào tạo tại các trường đại học đã có nhiều thay đổi tích cực.

Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên đang từng bước xây dựng chuyển đổi số trong công tác đào tạo: Rà soát bổ sung, cập nhật lại toàn bộ các chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Bên cạnh đó, nhà trường đã và đang xây dựng mở mới một số chương trình đào tạo phù hợp với bối cảnh hiện nay như: Nông nghiệp công nghệ cao; Công nghệ số trong nông nghiệp…

Đặc biệt, nhà trường chú trọng đào tạo lý thuyết gắn với thực hành. Hiện tại, trường có ký kết hợp tác với trên 130 doanh nghiệp. Đây vừa là địa bàn thực tập vừa là nơi tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp của nhà trường. Toàn bộ sinh viên từ năm thứ 2 đã được gửi về để thực hành, thực tập nghề nghiệp, rèn nghề và thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp.

Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác thực tập nghề nghiệp cho sinh viên tại một số quốc gia như: Nhật bản, Israel, Đan Mạch…. Mỗi năm nhà trường cử được từ 200-300 sinh viên đi thực tập tại nước ngoài trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Rất nhiều sinh viên sau khi đi thực tập nghề nghiệp tại nước ngoài về đã tự khởi nghiệp thành lập các công ty, trang trại…

Cần từng bước thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo nhân lực lĩnh vực nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. (Ảnh minh hoạ: Đại học Thái Nguyên)

Cần từng bước thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo nhân lực lĩnh vực nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. (Ảnh minh hoạ: Đại học Thái Nguyên)

Ngoài những chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhà trường có nhiều chính sách ưu tiên khác cho sinh viên như: Cấp học bổng toàn khóa, học bổng thủ khoa; học bổng khuyến khích do các tổ chức quốc tế tài trợ, học bổng doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được ưu tiên đi thực tập nghề nghiệp tại nước ngoài.

Thầy Hùng cho rằng, theo xu hướng phát triển của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần chú trọng đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành; từng bước thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo nhân lực lĩnh vực nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản đề xuất, Đảng, Nhà nước cần ban hành Nghị quyết riêng về phát triển nguồn nhân lực nông lâm nghiệp phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể, cần có các chính sách hợp lý và cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Cần nghiên cứu kỹ đặc điểm từng vùng, miền để có những chính sách đào tạo nhân lực cho phù hợp.

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phải toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn dài hạn, có bước đi thích hợp; bảo đảm tính hài hòa về cơ cấu và cân đối nhân lực theo ngành, lĩnh vực, vùng, miền trên cơ sở cơ cấu kinh tế và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp với việc đào tạo nguồn nhân lực của ngành. Nông lâm nghiệp cần được coi là ngành đặc thù, do vậy cần có chính sách về học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên các ngành nông lâm nghiệp (giống với sinh viên ngành sư phạm) để thu hút người học cả về số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, cần có chính sách về lương, thưởng ưu đãi cho những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, các trường đào tạo chuyên về nông lâm nghiệp chưa thể thực hiện tự chủ tài chính, do vậy cần tăng cường phân bổ tài chính chi thường xuyên và ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất để các trường có điều kiện tái đầu tư cho xây dựng đội ngũ cán bộ trình độ cao và nâng cấp cơ sở vật chất.

Nguyên Phương