Năm 2021, Đại học Thái Nguyên tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm và năng lực Ngoại ngữ cho giáo viên dạy tiếng Anh phổ thông các cấp của 7 tỉnh thành trên cả nước gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Quảng Ninh, Lai Châu, Điện Biên và Lào Cai. Đây cũng là một trong những nội dung nằm trong khuôn khổ kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia năm 2021 mà Đại học Thái Nguyên đang thực hiện.
Khác với mọi năm, trong năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn nên đã gây ảnh hưởng lớn đến công tác bồi dưỡng giảng viên tiếng Anh của các tỉnh, đặc biệt công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông.
Hình ảnh lễ khai mạc khóa Bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giảng viên tiếng Anh và giảng viên giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh của Đại học Thái Nguyên (trong ảnh là Phó giáo sư Trần Viết Khanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu) |
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những tác động của dịch COVID đối với hoạt động đào tạo, Phó giáo sư Trần Viết Khanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, công tác tổ chức đào tạo phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, hình thức đào tạo phải chuyển từ hình thức đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tuyến, kế hoạch đào tạo cũng bị điều chỉnh.
Công tác đánh giá cuối khóa học cũng bị không thể thực hiện theo dự kiến, nhiều học viên đã học xong nhưng không đi thi do là ở vùng phong tỏa hoặc là các F phải thực hiện theo quy định phòng chống dịch của Tỉnh.
Để thích nghi với tình hình dịch bệnh thì Đại học Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, đối với công tác phối hợp giữa các cấp quản lý
Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn, Đại học Thái Nguyên đã sử dụng triệt để các phương tiện trực tuyến để phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh trong công tác hành chính và tổ chức đào tạo.
Việc triển khai nhịp nhàng và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương theo phương châm vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả. Đại học Thái Nguyên đã nhận được sự hỗ trợ tối đa của Tỉnh như điều chỉnh mềm dẻo giữa lịch học từ trực tiếp sang trực tuyến, điều chỉnh hình thức giảng dạy thực tế tại địa phương.
Tận dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý nhanh các tình huống trong quá trình bồi dưỡng, ngoài việc phối hợp chính thức bằng các văn bản, Nhà Trường thành lập 02 nhóm trao đổi (1 nhóm với các sở, 1 nhóm với học viên và giảng viên) để kịp thời thông báo thông tin cũng như giải đáp, hỗ trợ các vướng mắc trong quá trình bồi dưỡng.
Sự hỗ trợ kịp thời của Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia trong việc điều chỉnh số lượng học viên của các tỉnh, đồng ý cho Đại học Thái Nguyên điều chỉnh hình thức đào tạo phù hợp.
Các trường phổ thông tạo điều kiện trong công tác tổ chức, bố trí giờ giảng và các lớp học để phục vụ giờ giảng thực tế chương trình nghiệp vụ sư phạm.
Thứ hai, đối với công tác tổ chức đào tạo
Đại học Thái Nguyên đã tổ chức rà soát điều chỉnh chương trình đào tạo, bổ sung những nội dung liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kết hợp tổ chức đào tạo trực tiếp với đào tạo trực tuyến, những tỉnh không thể đào tạo trực tiếp thì Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo trực tuyến.
Thực tế công tác tổ chức giảng dạy được điều chỉnh mềm dẻo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương trên cơ sở đảm bảo chất lượng đầu ra của chương trình đào tạo.
Ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới vào giảng dạy như dạy học lai ghép, dạy học phối hợp, dạy học đảo ngược,…Thông qua đó, học viên có thể ứng dụng triển khai đối với học sinh của mình.
Công tác quản lý đào tạo thực hiện nghiêm túc như đào tạo trực tiếp.
Ý thức học tập của học viên tại các Tỉnh rất tốt. Nhiều học viên đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn về địa lý và dịch bệnh để tham gia đầy đủ khóa bồi dưỡng.
Thứ ba, đối với công tác thi kiểm tra, đánh giá
Công tác thực tế giảng dạy ở các địa phương vẫn được triển khai. Giảng viên và học viên có cơ hội để thực hành, thực tế giảng dạy.
Đối với thi nâng bậc thì Đại học Thái Nguyên đã xây dựng đề án báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức kỳ thi đúng theo kế hoạch đề ra. Để tổ chức 1 kỳ thi an toàn cho học viên, Nhà trường đã xây dưng đề án báo cáo và được Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên cho phép tổ chức thi, tạo đường link để hỗ trợ giới thiệu cho học viên đi thi về chỗ ở, xét nghiệm COVID- 19.
Tuy nhiên, theo thầy Khanh, trong công tác đào tạo giáo viên ngoại ngữ theo đề án vẫn còn gặp nhiều thách thức như một số học viên đã được bồi dưỡng nhiều lần nhưng không đạt chuẩn. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét có hướng giải quyết đối với những giáo viên đã tham gia học và thi nhiều lần nhưng không nâng bậc năng lực, có tính đến độ tuổi và điều kiện giảng dạy.
Do đó, Đại học Thái Nguyên vẫn tổ chức đánh giá chéo năng lực ngoại ngữ cho học viên, tuy nhiên Nhà trường đề xuất lãnh đạo Bộ có thể cân nhắc xem xét cho các đơn vị được tự tổ chức đánh giá vì hệ thống đề thi, kết quả thi là do Cục Quản lý chất lượng quản lý, nên không ảnh hưởng đến tính bảo mật cũng như kết quả thi thực tế.
Được biết, hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 900 giáo viên bộ môn tiếng Anh tại các trường học, trong đó, hơn 93% đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ (so với tỷ lệ gần 40% vào năm 2027). Công tác phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và với các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học thuộc Đại học Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bồi dưỡng giáo viên, tạo nguồn học liệu. Chất lượng dạy và học môn tiếng Anh được nâng lên hằng năm theo hướng bền vững.