Lương khởi điểm cử nhân ngành Đảm bảo chất lượng và ATTP khoảng 10 triệu/tháng

23/12/2023 07:42
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sinh viên tốt nghiệp ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm được đánh giá có cơ hội nghề nghiệp khá đa dạng và rộng mở. 

Một số trường đại học còn gặp khó trong công tác tuyển sinh ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Một trong những nguyên nhân được "người trong cuộc" chỉ ra là do hoạt động truyền thông ngành học còn nhiều hạn chế, học sinh phổ thông chưa hiểu hết về ngành học, chẳng hạn như cơ hội việc làm, triển vọng nghề nghiệp của lĩnh vực này.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Hồ Ngọc Diễm (sinh năm 1994, quê Đồng Tháp) cựu sinh viên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (hiện là Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Giai đoạn đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề tương lai tôi có tìm hiểu một số ngành liên quan đến định hướng của bản thân, trong đó có ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Thời điểm đó, ngành học này là cái tên khá mới, lạ. Tuy nhiên, sau quãng thời gian gắn bó với công việc chuyên ngành, tôi nhận thấy chương trình đào tạo ở trường đã cung cấp nền tảng và hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc hiện tại".

Sinh viên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi thực hành. Ảnh: NTCC.

Sinh viên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi thực hành. Ảnh: NTCC.

Ngọc Diễm đánh giá, ngành học này phù hợp với những người yêu thích lĩnh vực thực phẩm nhưng không có nhu cầu chuyên sâu về mảng kỹ thuật công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm, thay vào đó sẽ tập trung đảm bảo tính an toàn và chất lượng của sản phẩm.

Ngoài ra, theo Diễm cơ hội công việc ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cũng hết sức rộng mở nếu người học có đủ quyết tâm, chủ động. Sau khi tốt nghiệp, Ngọc Diễm làm công việc đúng chuyên ngành và cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn ban đầu. Hiện tại, Ngọc Diễm đang làm việc tại Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Cựu sinh viên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cũng cho biết: "Mức lương sẽ tùy theo vị trí công việc, đơn vị tuyển dụng, về lâu dài sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực tư vấn, đánh giá, trở thành các chuyên gia đánh giá chứng nhận cho các tập đoàn lớn".

Ngành học có triển vọng việc làm theo xu thế phát triển của xã hội

Ông Nguyễn Dương Chí Thiện, Phó Trưởng Phòng Quản lý chất lượng - Lương thực, Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời cho biết: Theo xu thế hội nhập, xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu đòi hỏi yếu tố tiêu chuẩn chất lượng cao, hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng nghiêm ngặt thì sinh viên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm có cơ hội việc làm rất đa dạng và rộng mở.

Ông Nguyễn Dương Chí Thiện - Phó Trưởng Phòng Quản lý chất lượng - Lương thực, Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời. Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Dương Chí Thiện - Phó Trưởng Phòng Quản lý chất lượng - Lương thực, Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời. Ảnh: NVCC.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc tại các vị trí như: Kiểm định chất lượng, giám sát chất lượng, đăng ký công bố sản phẩm... Đồng thời, ông Thiện cũng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm hiện nay.

Ông Thiện nhận định: "Các vị trí công việc liên quan đến ngành học này đòi hỏi phải có nền tảng ngoại ngữ. Tiếng Anh là công cụ giúp chúng ta phát triển, giao tiếp và tiếp cận với các đối tác nước ngoài, cũng như tham khảo tìm hiểu các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Bởi thế, nếu sinh viên hạn chế về mặt ngoại ngữ thì sẽ khó để đáp ứng yêu cầu công việc và bắt kịp được đặc thù, sự phát triển của lĩnh vực này".

Cũng theo Phó Trưởng Phòng Quản lý chất lượng - Lương thực, Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời, xét về chuyên môn, đa số sinh viên đều nắm được kiến thức nền tảng ngành học, tuy nhiên, để hoàn thành công việc đạt hiệu quả tốt thì cần thêm thời gian và sự đào tạo, thực chiến tại môi trường làm việc thực tế. Theo đó, thông thường, công ty sẽ có hướng đào tạo dành cho nhân viên mới ra trường là 2 tháng. "Nhân lực ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là vị trí đảm bảo chất lượng hiện đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Tùy theo đơn vị tuyển dụng cũng như vị trí công việc, mức lương khởi điểm của ngành này sẽ từ 9-10 triệu đồng/tháng. Sau thời gian làm việc, chứng minh được năng lực, có chuyên môn sâu thì mức lương sẽ cao hơn nữa", ông Thiện cho biết thêm.

Ngoài ra, ông Thiện cũng đánh giá cao các bạn sinh viên có khả năng giao tiếp, chủ động học hỏi và nâng cao năng lực. Ông đưa ra ví dụ: Khi chuẩn bị xây dựng một bộ hệ thống quản lý chất lượng mới phải am hiểu thông tin, nắm rõ, cập nhật các quy định... Nếu không chủ động trau dồi thì sẽ khó đáp ứng được nhu cầu công việc này.

Ngành học mũi nhọn của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh

Cùng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, người tiêu dùng ngày càng đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn cho thực phẩm - bên cạnh các tiêu chí cảm quan, dinh dưỡng, chất lượng là sự an toàn.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Theo xu hướng quốc tế và nhu cầu trong nước, ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm của trường ra đời, đào tạo các kỹ sư, chuyên gia có năng lực đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn, thông qua việc nhận dạng các mối nguy, các kẽ hở của việc kiểm soát trong toàn bộ chuỗi thực phẩm và xây dựng các biện pháp kiểm soát, kế hoạch lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tối ưu, đúng trọng điểm.

Thầy Sơn cũng đánh giá cơ hội nghề nghiệp liên quan đến ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm: "Sinh viên tốt nghiệp ngành học này có cơ hội nghề nghiệp rất đa dạng. Các em có thể làm việc ở các công ty thực phẩm, phù hợp với các vị trí: Quản lý chất lượng, kiểm soát chất lượng, nghiên cứu và phát triển, điều hành sản xuất, kế hoạch vật tư, xây dựng và công bố chất lượng sản phẩm... Hoặc các vị trí chuyên viên đánh giá nhà cung cấp, quản lý chất lượng và an toàn trên toàn bộ quy trình sản xuất và bảo quản sản phẩm... tại các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp, hệ thống nhà hàng, siêu thị.

Người học cũng có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước với các vị trí chuyên viên thanh tra, đánh giá, cấp phép cho các công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Hay các công ty tư vấn đào tạo hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm với vị trí chuyên gia đào tạo và tư vấn xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, tư vấn công bố chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp có thể trở thành chuyên gia đánh giá các hệ thống quản lý chất lượng và các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tại các công ty đánh giá cấp chứng nhận. Mức lương khởi điểm cho sinh viên mới tốt nghiệp là khoảng từ 9-10 triệu đồng/tháng".

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cũng thông tin thêm, năm 2023 ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng; xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; xét tuyển theo kết quả học bạ; xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Điểm chuẩn năm 2023 với các phương thức xét tuyển như sau: Phương thức xét học bạ trung học phổ thông 22 điểm, xét tuyển thẳng có điểm chuẩn là 24; xét điểm đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh là 600 điểm và phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 18 điểm.

Về học phí, sinh viên đóng 33 triệu đồng/ năm và mức học phí này cũng được giữ nguyên trong cả khóa học. Hiện tại, quy mô đào tạo ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm là khoảng hơn 430 sinh viên, thầy Sơn đánh giá đây là một trong những ngành đào tạo mũi nhọn của nhà trường.

100% sinh viên tốt nghiệp được giới thiệu việc làm

Cùng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Tiến sĩ Lương Hùng Tiến - Trưởng khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên (sau đây gọi là Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) chia sẻ: Cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường đủ đáp ứng đào tạo ngành học này.

Tiến sĩ Lương Hùng Tiến - Trưởng khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Lương Hùng Tiến - Trưởng khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC.

Chương trình đào tạo cử nhân về Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, năng động, sáng tạo và có trách nhiệm với công việc; có khả năng khởi nghiệp, có kiến thức chuyên môn về kiểm soát quá trình sản xuất và chất lượng thực phẩm; thành thạo các kỹ năng kiểm tra, phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm, xác định mối nguy trong an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thầy Tiến thông tin, sinh viên theo học ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên được thực hành theo khối kiến thức về cơ sở ngành, chuyên ngành như: Hoá sinh, vi sinh, nguyên lý an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý chất lượng, phân tích và kiểm soát mối nguy thực phẩm, ứng dụng chỉ thị phân tử và hoá sinh miễn dịch trong kiểm nghiệm nông sản thực phẩm, quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc.

Các hoạt động thực hành, thực tập nghề nghiệp, rèn nghề được tiến hành tại phòng thí nghiệm của khoa và trường, các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp liên kết với nhà trường.

Trưởng khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết thêm: "Khối lượng thực hành, thực tập nghề nghiệp, rèn nghề và thực tập tốt nghiệp chiếm 50% thời lượng của chương trình đào tạo. Trong đó, hoạt động thực tập nghề nghiệp, rèn nghề, thực tập tốt nghiệp của sinh viên được tiến hành tại các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước liên kết với nhà trường. Tại các đơn vị này, sinh viên sẽ được tham gia các hoạt động như: Phân tích và đánh giá chất lượng sản phẩm, xây dựng hồ sơ hệ thống quản lý chất lượng, giám sát và vận hành các hệ thống quản lý chất lượng.

Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo, các hoạt động đoàn thể, hoạt động ngoại khoá… góp phần hoàn thiện các kỹ năng và năng lực.

Năm học 2023-2024, sinh viên phải đóng mức học phí là 346.000 đồng/tín chỉ. Mức học phí này thấp hơn rất nhiều so với các trường khác có đào tạo cùng khối ngành.

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm được khoa và nhà trường giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp. Cho đến nay, 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được giới thiệu việc làm. Mức thu nhập bình quân của sinh viên sau khi làm việc sau khi tốt nghiệp từ 8 triệu đồng/ tháng trở lên".

Phạm Thi