Ngành học Thiết kế công nghiệp: Nơi tuyển sinh thuận lợi, trường gặp khó khăn

16/12/2023 06:28
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Khó khăn trong việc đào tạo của các ngành thiết kế nói chung và ngành Thiết kế công nghiệp nói riêng là còn hạn chế về quy định bằng cấp đối với giảng viên.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trọng Nga – Trưởng khoa Tạo dáng Công nghiệp (Trường Đại học Mở Hà Nội) cho hay, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, hiện đại hiện nay, nhu cầu về nhân lực liên quan đến mỹ thuật ứng dụng như Thiết kế công nghiệp của nhà trường cũng ngày càng tăng cao.

Hơn nữa, với bề dày hơn 30 năm đào tạo của khoa Tạo dáng công nghiệp, sinh viên khi tham gia ngành học này đều được trang bị kiến thức, kỹ năng về nền tảng nghệ thuật và phương pháp thiết kế, các kỹ thuật ứng dụng và sử dụng công nghệ trong thiết kế, xu hướng phát triển các ứng dụng đồ họa trên thế giới,... nhằm đáp ứng nhu cầu của những nơi sử dụng lao động và xã hội.

Triển lãm bài tốt nghiệp của sinh viên khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ảnh: Website nhà trường).
Triển lãm bài tốt nghiệp của sinh viên khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ảnh: Website nhà trường).

Thầy Nga bày tỏ, với bề dày và uy tín trong chất lượng đào tạo, chính tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao đã là kênh truyền thông hiệu quả nhất cho ngành Thiết kế công nghiệp nói riêng và khoa Tạo dáng Công nghiệp nói chung.

Không những vậy, khoa còn có hệ thống tuyển sinh trực tuyến tương đối tốt góp phần giúp thí sinh tìm hiểu được đầy đủ thông tin về yêu cầu năng lực cũng như yêu cầu đầu vào, đầu ra của mỗi ngành, chuyên ngành. Chính vì vậy, những năm gần đây, ngành Thiết kế công nghiệp của khoa luôn tuyển sinh được đủ chỉ tiêu với số lượng thí sinh đăng ký ngày càng gia tăng.

Thầy Nga chia sẻ, hiện ngành Thiết kế công nghiệp đang được khoa đào tạo với 3 chuyên ngành là Thiết kế Đồ hoạ, Thiết kế Nội thất và Thiết kế Thời trang. Trong đó, chuyên ngành Thiết kế đồ họa của ngành Thiết kế công nghiệp là thu hút đông người học nhất do có nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp tăng cao cùng mức thu nhập hấp dẫn.

Đối với chuyên ngành Thiết kế đồ họa, người học sau khi tốt nghiệp ngoài cơ hội làm việc cho các công ty thiết kế đồ họa chuyên nghiệp như các công ty quảng cáo, công ty thiết kế, công ty truyền thông và tổ chức sự kiện, các tòa soạn, các nhà xuất bản, cơ quan truyền hình, báo chí,..., có thể thấy rằng, hầu như các công ty hiện nay đều cần một nhà thiết kế để thiết kế sản phẩm và làm đồ họa để quảng bá cho sản phẩm đó.

Hơn nữa, có thể thấy rằng khi xã hội ngày càng hiện đại, nhu cầu về thiết kế nội thất cho nhà ở, văn phòng, công ty cũng ngày càng cao. Do vậy, chuyên ngành Thiết kế Nội thất cũng là một chuyên ngành học thu hút nhiều thí sinh đăng ký hơn bởi sự phát triển nghề nghiệp của nó phù hợp với xu thế xã hội hiện đại.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Nội thất có thể làm tại các công ty thiết kế nội thất, kiến trúc và xây dựng, các công ty sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ nội thất, công ty tư vấn dịch vụ nội thất và kiến trúc, các tập đoàn lớn, đa quốc gia về môi trường, quy hoạch kiến trúc, các tổ chức chính phủ, sở quy hoạch, kiến trúc, tài nguyên môi trường, thành lập các doanh nghiệp, công ty nội thất, thiết kế, giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, cùng chuyên ngành,…

Mặc dù là một chuyên ngành có chỉ tiêu tuyển sinh ít hơn 2 chuyên ngành còn lại bởi mang tính đặc thù hơn, đòi hỏi người có niềm đam mê mạnh mẽ tuy nhiên hàng năm, khoa vẫn tuyển sinh đủ chỉ tiêu cho chuyên ngành Thiết kế thời trang.

Theo thầy Nga, với định hướng đào tạo người học về thời trang ứng dụng, cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành này của trường cũng rất rộng mở như có thể làm việc tại doanh nghiệp may, công ty thiết kế thời trang, những cơ sở sản xuất về may mặc, và các lĩnh vực ngành nghề liên quan đến ngành công nghiệp thời trang… hoặc có khả năng thành lập doanh nghiệp, các công ty, cửa hàng, dịch vụ về thời trang, …

Trên thực tế, dù đây là chuyên ngành có chỉ tiêu tuyển sinh ít nhất ngành Thiết kế công nghiệp nhưng những người nổi tiếng, thành công nhất của khoa lại đến từ chuyên ngành này.

Thầy Nga cho biết thêm, do đây là ngành học về thiết kế, vì vậy, ngoài sự cố gắng, nỗ lực cũng đòi hỏi người học phải có một phần năng khiếu cùng khả năng cảm thụ nghệ thuật và đam mê để theo ngành này.

Ngoài ra, về thu nhập, thầy Nga bày tỏ, mức lương khởi điểm của người học sau khi tốt nghiệp ngành Thiết kế công nghiệp có mức lương khá hấp dẫn, từ 10-15 triệu đồng/tháng trở lên, thậm chí, nhiều bạn sinh viên từ năm 3 đã có thể đi làm thêm và có thu nhập khá cao.

Bên cạnh những thuận lợi để hút người học, thầy Nga cũng chỉ ra hạn chế trong công tác tuyển sinh đối với ngành học Thiết kế công nghiệp. Bởi, đây là một ngành học đi theo xu thế phát triển của xã hội, do đó, ngày càng có thêm nhiều cơ sở mở đào tạo dẫn tới gia tăng sự cạnh tranh trong công tác tuyển sinh giữa các trường.

Về công tác đào tạo, thầy Nga cho hay, để có thể đáp ứng được yêu cầu của những nơi sử dụng lao động trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển hiện nay, khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội luôn cố gắng tạo điều kiện về cơ sở thực hành cùng định hướng phương pháp học tập để nâng cao tính chủ động và các kỹ năng cần thiết cho sinh viên ngành Thiết kế công nghiệp.

Hơn nữa, khoa cũng luôn quan sát nhu cầu của xã hội, từ đó có những cải tiến trong kiến thức và môn học để thích ứng kịp thời với sự phát triển không ngừng hiện nay; chú trọng trong việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp để giúp cho sinh viên có được sự hỗ trợ cả về chuyên môn và cơ sở vật chất thực hành hiện đại.

Tuy nhiên, khó khăn chung trong việc đào tạo của các ngành thiết kế nói chung và ngành Thiết kế công nghiệp nói riêng là còn hạn chế về quy định yêu cầu bằng cấp đối với giảng viên. Trên thực tế, nhiều họa sĩ, nhà thiết kế nổi tiếng có nhiều kinh nghiệm để đào tạo về mặt kiến thức thực tiễn, ứng dụng cao cho sinh viên nhưng bằng cấp chưa đáp ứng theo quy định hiện hành nên khó có thể là giảng viên dạy học tại các cơ sở đào tạo.

Đây cũng là vướng mắc còn tồn tại được thầy Cao Anh Liệu, phụ trách công tác tuyển sinh tại khoa Mỹ thuật ứng dụng (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) chỉ ra trong việc đào tạo các ngành học về thiết kế, mỹ thuật.

Thầy Nga cho rằng, phần thực hành đối với sinh viên học các chuyên ngành về thiết kế là rất quan trọng, vậy nên, trong các tiết học thực hành, trường cũng mời các chuyên gia, họa sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn cao để về dạy kết hợp cùng các giảng viên nhà trường.

Mặt khác, về công tác tuyển sinh, thầy Liệu cho biết thêm, nhiều năm nay, ngành Thiết kế công nghiệp của trường tuyển không đủ người học do nhu cầu của thí sinh đăng ký ngành này rất ít.

Tường San