Tuyển sinh ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm không đủ chỉ tiêu

20/12/2023 09:15
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công tác tuyển sinh ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm tại một số trường đại học vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Truyền thông ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm còn hạn chế

Thời điểm này, nhiều trường đại học đã bắt đầu thông tin về việc tuyển sinh năm học tới. Học sinh lớp 12 có nhu cầu học lên đại học đã rục rịch tìm kiếm thông tin về ngành học, phương án tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều ngành học rất ít được học sinh biết đến. Đơn cử như ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Dù đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề được nhiều doanh nghiệp lĩnh vực đồ ăn, đồ uống...và mỗi gia đình quan tâm mỗi ngày.

Chia sẻ với phóng viên, em Nguyễn Phan Phương Uyên (học sinh lớp 12 Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, Hà Tĩnh) cho rằng, việc tìm hiểu các thông tin về ngành, trường đào tạo, phương thức tuyển sinh… sẽ giúp em chủ động lựa chọn được cơ sở đào tạo ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, nhiều lần Phương Uyên cảm thấy bối rối vì một số ngành được cho là "hot" thì ngập tràn thông tin, có ngành lại rất ít thông tin.

“Em chưa biết đến ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Các ngành liên quan đến thực phẩm như Công nghệ thực phẩm, em đã từng nghe qua nhưng cũng chưa tìm hiểu sâu vì không rõ cơ hội việc làm ra sao”, Phương Uyên cho hay.

Ngoài ra, khi nhắc đến ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Phương Uyên cũng chưa hình dung được chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai sẽ như thế nào... Học sinh này băn khoăn, sinh viên theo học ngành này sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc trong các cơ quan quản lý về lĩnh vực an toàn thực phẩm hay có thể làm việc tại các đơn vị tư nhân? Đồng thời, tỷ lệ người làm việc đúng ngành học sẽ ra sao, có thể làm việc trái ngành hay không?

Uyên chia sẻ: "Em thường tìm hiểu các ngành học có nhiều thông tin truyền thông để giúp em giải đáp được những thắc mắc về ngành nghề, hiểu được cơ hội công việc tương lai cũng như xu hướng của xã hội, từ đó an tâm với sự lựa chọn của mình hơn".

Băn khoăn của thí sinh cũng phản ánh một thực tế ở một số cơ sở giáo dục đại học là ngành này đang gặp khó trong tuyển sinh.

Tuyển sinh được 50% chỉ tiêu vì thí sinh chưa hiểu hết về ngành học

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết, năm 2023 trường tuyển được 15/30 sinh viên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Theo thầy Thắng, ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm gặp khó trong công tác tuyển sinh bởi đây là ngành học mới xuất hiện, nhiều học sinh phổ thông chưa hiểu hết thông tin về ngành. Trong đợt tuyển sinh năm 2024 sắp tới, Trường Đại học An Giang sẽ chú trọng hơn về công tác quảng bá và tăng cường có hiệu quả cho việc tư vấn tuyển sinh đối với ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

"Chương trình đào tạo của ngành này được thiết kế 132 tín chỉ, với thời gian đào tạo 4 năm. Ngành học đào tạo theo định hướng ứng dụng về chuyên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Theo học ngành này, người học sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực kiểm tra, đảm bảo chất lượng thực phẩm, quản lý an toàn vệ sinh và đảm bảo dinh dưỡng thực phẩm; biết ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quản lý chế biến thực phẩm ở quy mô công nghiệp và phân phối, lưu thông thực phẩm trên thị trường.

Mức điểm chuẩn trúng tuyển ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học An Giang hai năm gần đây là 16 điểm", thầy Thắng chia sẻ thêm.

Về đào tạo, ngoài thực hành tại trường về quy trình chế biến và phân tích chất lượng sản phẩm, sinh viên sẽ được đi tham quan, thực tập ở các chi cục an toàn thực phẩm cấp tỉnh. Tại đây các em tham gia công tác điều tra ngộ độc thực phẩm, thanh tra an toàn thực phẩm, truyền thông giáo dục về an toàn thực phẩm...

Quá trình thực tập ở các nhà máy, công ty, sinh viên được học hỏi về quy trình đảm bảo chất lượng, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, kiểm tra chất lượng sản phẩm, xây dựng các quy trình thực hiện HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn), ISO (tiêu chuẩn hóa quốc tế)... nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cũng thông tin, sinh viên theo học ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm sẽ đóng mức học phí trung bình khoảng 13,5 triệu đồng/năm. Để theo đuổi ngành học này, người học cần trang bị kiến thức về kiểm soát chất lượng trong tất cả các quy trình công nghệ chế biến của các công ty và nhà máy; các quy định chất lượng của các nước cho các sản phẩm để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đạt chất lượng và yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, người học cũng cần trang bị tốt vốn ngoại ngữ.

Nhắc đến những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo ngành học này, thầy Thắng nhấn mạnh: "Nhà trường có khoảng 24 năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo chuyên ngành Công nghệ thực phẩm. Đây là nền tảng giúp cho nhà trường dễ dàng hơn khi tổ chức đào tạo chuyên Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nhà trường có lực lượng giảng viên cơ hữu có năng lực chuyên môn sâu và cao, trong đó có 1 phó giáo sư, 5 tiến sĩ và đông đảo thạc sĩ. Phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ và đa dạng trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo. Tuy nhiên, một vài phòng thí nghiệm chuyên sâu, đặc thù chưa được trang bị bởi hạn chế về nguồn kinh phí".

Ảnh minh họa: Fanpage Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.

Ảnh minh họa: Fanpage Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.

Đánh giá về cơ hội việc làm, thầy Thắng nhận định: "Gần đây, các công ty hoạt động trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm rất cần người lao động am hiểu về các quy trình đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm của công ty (chuyên về hồ sơ đảm bảo chất lượng). Đây là một lĩnh vực mới của xã hội, do đó, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành này là cao, tương tự ngành Công nghệ thực phẩm".

Cơ hội việc làm được đánh giá là rộng mở

Cùng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Toản - Trưởng khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế (sau đây gọi là Trường Đại học Nông Lâm Huế) cho biết: Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm năm 2022 và 2023 đều giữ mức 40 sinh viên. Năm 2022 có 14 sinh viên trúng tuyển, năm 2023 có 6 sinh viên.

Chương trình đào tạo ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong vòng 4,5 năm với hình thức "đào tạo theo học chế tín chỉ”, gồm có 157 tín chỉ, trong đó kiến thức giáo dục đại cương (41 tín chỉ); kiến thức cơ sở ngành (35 tín chỉ); kiến thức chuyên ngành (52 tín chỉ); kiến thức bổ trợ (6 tín chỉ); thực tập nghề nghiệp (9 tín chỉ) và khóa luận tốt nghiệp (14 tín chỉ).

Ngoài các học phần thuộc kiến thức giáo dục đại cương, để trang bị cho sinh viên các kiến thức xã hội, các học phần thuộc khối kiến thức cơ bản làm nền tảng đi sâu vào chuyên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Ở phần kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành các môn học đưa vào đều có kiến thức chuyên sâu vào lĩnh vực Quản lý chất lượng thực phẩm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Hệ thống Quản lý chất lượng thực phẩm; Kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng các sản phẩm thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Quá trình công nghệ trong chế biến thực phẩm…

Thầy Toản cũng chia sẻ thêm, theo học ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm tại Trường Đại học Nông Lâm Huế sinh viên sẽ được thực hành chuyên ngành, thực tập thực tế, thực hành ở các cơ quan, tổ chức ngoài trường.

“Thực hành chuyên ngành có 2 mục tiêu là giúp cho sinh viên có kiến thức về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và trang bị kỹ năng phân tích các chỉ tiêu chuyên ngành về kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm. Sinh viên sẽ được thực hành tại các phòng thí nghiệm về Quản lý chất lượng thực phẩm thuộc Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Huế. Ngoài ra, sinh viên sẽ được đến tham quan, học tập việc quản lý, kiểm soát, phân tích chất lượng thực phẩm tại các cơ sở quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm sẽ có 3 đợt đi thực tập thực tế bên ngoài nhà trường: Tiếp cận nghề (2 tuần), thao tác nghề (3 tuần) và thực tế nghề (4 tuần). Trong đó, ở giai đoạn thực tế nghề giúp các em tìm hiểu tổng quát và sâu sắc các vấn đề tại cơ sở sản xuất thực phẩm, vận dụng các kiến thức cơ sở và chuyên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm để thuận lợi cho việc thực hiện khóa luận tốt nghiệp cũng như hòa nhập với thực tế sản xuất sau khi ra trường.

Ngoài ra, sinh viên cũng có cơ hội thực hành trực tiếp ở các cơ quan, nhà máy chế biến thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, siêu thị... trên toàn quốc có liên quan đến ngành học. Sinh viên có thể được sắp xếp dự các buổi trao đổi, báo cáo của chuyên gia, nhà quản lý ngành công nghệ thực phẩm để tìm hiểu về thực trạng sản xuất và quản lý chất lượng thực phẩm ở địa phương cũng như trong khu vực”, thầy Toản thông tin.

Về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đào tạo ngành học, thầy Toản chia sẻ: Khoa Cơ khí - Công nghệ đã xây dựng được 5 phòng thực hành thí nghiệm với hơn 300 thiết bị máy móc chuyên đào tạo cho ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, có sự hỗ trợ từ các phòng thí nghiệm – thực hành của các khoa khác trong Trường Đại học Nông Lâm Huế. Các phòng này đã đáp ứng đầy đủ học phần có thực hành, thực tập của ngành học.

“Khoa Cơ khí - Công nghệ có 6 bộ môn gồm: Quản lý chất lượng thực phẩm, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ thực phẩm, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật công trình và Kỹ thuật điều khiển & tự động hóa. Khoa có 48 cán bộ, giảng viên trong đó có 1 giáo sư - tiến sĩ, 4 phó giáo sư - tiến sĩ, 11 tiến sĩ, 32 thạc sĩ.

Trên cơ sở đội ngũ giảng viên cơ hữu trực thuộc Khoa Cơ khí - Công nghệ, các khoa thuộc Trường Đại học Nông Lâm Huế, số lượng cán bộ dự kiến phân công giảng dạy học phần thuộc khối kiến thức chuyên nghiệp là 20 giảng viên Khoa Cơ khí - Công nghệ, trong đó có 1 giáo sư - tiến sĩ, 3 phó giáo sư - tiến sĩ, 6 tiến sĩ, 10 thạc sĩ. Ngoài ra, để triển khai thực hành, thực tập các học phần có 2 kỹ thuật viên tham gia hướng dẫn đều có trình độ thạc sĩ.

Các giảng viên cơ hữu tham gia đào tạo có thể đảm nhận được tổng số tín chỉ 157/157, đạt 100% các học phần của chương trình đào tạo đại học ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm”, thầy Toản khẳng định.

Thầy Toản cũng cho rằng, sinh viên tốt nghiệp ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm có cơ hội việc làm khá rộng mở. Tùy theo vị trí công việc và đơn vị tuyển dụng, mức lương trung bình có thể dao động khoảng 8-20 triệu đồng/tháng cho sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường.

Mặc dù trường có thuận lợi về mặt cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên cơ hữu, tuy nhiên, ngành học này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Số lượng sinh viên lựa chọn và nhập học ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm chưa đạt được kỳ vọng đặt ra.

Phạm Thi