Lương thấp, công việc áp lực là nguyên nhân khiến 167 GV Quảng Ngãi nghỉ việc

21/01/2023 06:36
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên phải công tác ở điều kiện xa nhà trong khi mức lương và phụ cấp thấp khiến họ nghỉ việc.

Thiếu giáo viên hàng ngàn giáo viên, hai năm qua, Quảng Ngãi đã tổ chức 2 kỳ thi tuyển dụng giáo viên với quy mô lớn nhằm đảm bảo đội ngũ giảng dạy.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là chỉ tiêu tuyển dụng nhiều nhưng rất ít thí sinh đăng ký dự thi ở bậc mầm non và tiểu học. Đây cũng là hai bậc học có số lượng giáo viên nghỉ việc nhiều nhất trong hai năm qua ở Quảng Ngãi.

Lương thấp, áp lực lớn

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi, tính đến đầu năm học 2022-2023, địa phương này có 590 trường học, trung tâm với tổng số giáo viên, cán bộ quản lý toàn tỉnh là 18.373 người.

Giáo viên đang công tác ở các vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn khi phải xa nhà, sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn. Ảnh: AP

Giáo viên đang công tác ở các vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn khi phải xa nhà, sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn. Ảnh: AP

Từ năm 2020 đến năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 167 giáo viên và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông xin nghỉ việc rời khỏi ngành. Trong đó, cấp học mầm non có 116 người, tiểu học có 14 người, cấp trung học cơ sở có 24 viên chức và cấp trung học phổ thông có 13 viên chức.

Viết đơn xin nghỉ việc từ cuối tháng 10 năm 2022, cô giáo NTL. (giảng dạy tại một trường mầm non ở vùng cao huyện Sơn Tây) cho biết, áp lực của giáo viên mầm non rất lớn, trong khi mức lương và các khoản hỗ trợ khác không đủ để trang trải chi phí, sinh hoạt hàng ngày.

“Buổi sáng, giáo viên phải có mặt từ 6h sáng để dọn dẹp trường lớp, chuẩn bị đón trẻ. Quần quật suốt một ngày dài, có khi đến 19h mới về đến nhà.

Qúa trình chăm sóc, dạy dỗ các bé, giáo viên cũng thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại hỏi han, có khi là thăm dò từ phía phụ huynh. Nhiều người nghi ngại giáo viên không quan tâm đến con em mình nên làm đơn gửi phản ánh chỗ này, chỗ kia khiến chúng tôi chịu áp lực rất lớn”.

Chị L. cho hay, hơn 5 năm đi dạy học ở các điểm trường vùng cao, nơi chủ yếu là con em đồng bào người dân tộc thiểu số nhưng mức lương của chị cũng chỉ xấp xỉ 3,5 triệu đồng/tháng. Khoản tiền ấy không đủ để chị gồng gánh, trang trải lo cho hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trường mầm non Hoa Lan (thành phố Quảng Ngãi) nơi chị ĐTNH. giảng dạy suốt 7 năm qua phải đóng cửa.

Ban đầu, chị H. cũng đi tìm một công việc “thời vụ” để chờ ngày nhà trường mở cửa đón học sinh trở lại. Nhưng rồi những khó khăn về tài chính sau đại dịch khiến trường học thu hẹp quy mô, cắt giảm số lượng giáo viên, nhân viên. Chị H. nhận những khoản hỗ trợ thất nghiệp ít ỏi rồi khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm công việc mới.

Chị tâm sự: “Làm giáo viên mầm non vất vả, lương thấp nhưng dù sao mình cũng đã gắn bó nhiều năm nay nên không muốn nghỉ.

Nhưng giờ nhà trường khó khăn, không đủ sức lo cho hết thầy cô nên mình cũng phải chịu. Nhiều giáo viên mầm non ở các cơ sở ngoài công lập như chúng tôi cũng đã phải nghỉ việc để tìm việc mới”.

Cần quan tâm nhiều hơn đến giáo viên vùng biên giới, hải đảo

Ngày 15/1, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho hay:

“Nguyên nhân chính vẫn là do chế độ, chính sách tiền lương và các khoản phụ cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý còn thấp chưa đảm bảo cuộc sống, chưa an tâm công tác.

Một số viên chức có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, áp lực về thời gian làm việc, đặc biệt là đối với giáo viên mầm non phải làm việc 10 giờ/ngày cũng là những yếu tố dẫn đến giáo viên xin nghỉ việc.

Một số giáo viên trẻ có gia đình ở xa nơi làm việc, điều kiện sinh hoạt, đi lại, chăm sóc gia đình gặp nhiều khó khăn. Một số viên chức sức khỏe không đảm bảo công tác, thường xuyên đi tái khám, điều trị bệnh lâu dài”.

Cũng theo ông Thái, trong thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục đã có những tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách, chế độ hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giúp họ yên tâm công tác.

Cụ thể, bên cạnh thực hiện đầy đủ chế độ lương, phụ cấp thâm niên nhà giáo, các chế độ phụ cấp chức vụ, khu vực… theo quy định hiện hành của nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 126 của Chính phủ.

Sự hỗ trợ kịp thời này đã phần nào giúp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra.

Đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, ông Thái nói: “Ngành giáo dục cần tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền quan tâm, ban hành các chính sách, chế độ ưu đãi đối với giáo viên, cán bộ quản lý.

Đặc biệt là giáo viên, cán bộ quản công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm động viên khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên an tâm công tác.

Giáo viên và cán bộ quản lý công tác ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sau 5 năm công tác cần được nhà nước tiếp tục quan tâm có chính sách hưởng chế độ thu hút”.

(Còn nữa)

Trước đó, ngày 8/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 5886/BGDĐT-NGCBQLGD gửi các tỉnh thành về báo cáo thực trạng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghỉ việc. Trong đó yêu cầu các địa phương thống kê đầy đủ về thực trạng này nhằm đề xuất những giải pháp hạn chế tình trạng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc.

AN NGUYÊN