Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Minh Đức chỉ ra bất cập trong việc tính lương cho giáo viên.
"Hiện nay Chính phủ đã có nghị định về mức lương tối thiểu vùng.
Dựa theo căn cứ đó các doanh nghiệp phải trả lương cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên lương giáo viên lại được tính theo thang bảng lương của viên chức vì thế khi nhân với hệ số lương cơ bản lại thành ra thấp hơn mức lương tối thiểu vùng".
Nâng lương cho giáo viên là cách đầu tư trực tiếp tốt nhất cho giáo dục |
Ông Đức phân tích: Mức lương dành cho giáo viên hiện nay tại một số địa phương rất thấp.
"Tôi đã đi nhiều nơi, có những nơi chẳng hạn như các cô nuôi ở Bắc Hà lương chỉ khoảng 1,3 triệu đồng/ 1 tháng.
Ngay tại Quốc Oai, Hà Nội có những thầy giáo dạy 20 năm hợp đồng lương vẫn chỉ ở mức 1,3 triệu đồng.
Những giáo viên mới vào trường hệ số lương 1,34 như vậy chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/ 1 tháng".
Theo ông Đức với mức lương như thế giáo viên không thể đảm bảo cuộc sống của cá nhân và gia đình.
Hệ quả nhiều thầy cô phải bươn trải làm thêm những công việc khác, thời gian và tâm trí dành cho việc dạy học sẽ xao nhãng.
Tiến sĩ Vũ Minh Đức cũng chỉ ra: "Nếu mức lương hiện nay đảm bảo cuộc sống thì tôi tin rằng giáo viên sẽ rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh đó chất lượng đầu vào của sinh viên các trường sư phạm cũng sẽ được nâng lên nếu như chúng ta có mức đãi ngộ tốt cho giáo viên".
Năm 2019, Công đoàn Giáo dục Việt Nam mong muốn Chính phủ có những chính sách hợp lý để làm sao mức lương tối thiểu của giáo viên không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
"Sau này khi sửa đổi luật lao động mức lương tối thiểu vùng sẽ chuyển sang mức sống tối thiểu vùng.
Tôi hy vọng mức lương tối thiểu của giáo viên sẽ không thấp hơn mức sống tối thiểu vùng để thầy cô có thể chăm sóc cho gia đình của họ.
Hiện nay Công đoàn Giáo dục Việt Nam đang thực hiện thống kê tổng số giáo viên đang có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng để có được con số cụ thể nhất báo cáo với Chính phủ".
Là một người đi nhiều nơi cũng như tiếp xúc với nhiều giáo viên trong cả nước. Ông Đức rất thấu hiểu tâm tư, tình cảm của các thầy cô:
"Việc tính lương hiện nay về lý thì không sai vì có căn cứ theo luật cán bộ công chức và theo thang bảng lương nhưng thực tế cuộc sống của các thầy cô rất khó khăn.
Để đảm bảo cuộc sống họ phải làm thêm rất nhiều nghề mới có thể nuôi được gia đình.
Cho nên tôi cho rằng mong muốn tăng lương là một mong muốn hết sức chính đáng".
Giáo sư Trần Hồng Quân (phải) và Tiến sĩ Vũ Minh Đức (trái) thảo luận về vấn đề tiền lương của giáo viên (Ảnh: Vũ Ninh) |
Phân tích những hệ lụy từ việc tính lương thấp như hiện nay, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhận định:
Thứ nhất: Với mức lương thấp như hiện nay giáo viên họ sẽ cảm thấy chưa tương xứng với công sức lao động của họ. Từ đó họ sẽ có cái nhìn tự ti về nghề cũng như tiêu cực bản thân.
Thứ hai: Việc thay đổi tiền lương cũng khiến cho ngành sư phạm trở thành một ngành nghề thu hút sự quan tâm của xã hội.
Từ đó chất lượng tuyển sinh của các trường đại học khối ngành sư phạm sẽ được nâng cao rõ rệt.
Công đoàn ngành Giáo dục cũng muốn lương giáo viên bằng với lực lượng vũ trang |
Bên cạnh các biện pháp và chính sách của các cơ quan nhà nước, ông Đức cũng nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo và công đoàn.
"Ngoài chính sách về tiền lương cũng cần phải nói ở một số đơn vị người lãnh đạo chưa có sự quan tâm đầy đủ đến đội ngũ cán bộ, viên chức, giáo viên.
Chúng ta cần tạo một không khí hoạt động dân chủ, uốn nắn những hành vi chưa chuẩn trong đó cũng cần nhấn mạnh vai trò của công đoàn để làm sao giáo viên họ không cảm thấy tự ti với chính nghề của mình".