LTS: Kết quả đánh giá chất lượng học sinh cuối năm và khảo sát chất lượngđầu năm thường có sự chênh lệch không nhỏ. Vì sao lại như vậy?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của cô giáo Mai Hoa lý giải nguyên nhân của thực tế này.
Cứ vào đầu năm học nhiều trường lại tổ chức khảo sát chất lượng đầu năm. Và năm nào cũng thế, chất lượng học sinh yếu kém nhiều vô kể.
Có những khối lớp tỉ lệ học sinh yếu kém chiếm tới 70-80%, điểm khá giỏi hầu như rất ít. Nhưng nếu lần giở lại kết quả đánh giá cuối năm học (chỉ cách khoảng hơn 2 tháng) thì hoàn toàn ngược lại.
Tỉ lệ học sinh khá giỏi chiếm đến 70-80%, số còn lại là trung bình và tuyệt nhiên không có học sinh yếu kém. Vì sao lại có nghịch lý này?
Đơn giản chỉ vì kết quả cuối năm phải làm theo “ý chủ”, còn kết quả đầu năm sẽ lại theo chính ý mình.
Ảnh mang tính chất minh họa, nguồn: Công an Thành phố Hồ Chí Minh |
Lợi cả đôi đường
Kết quả cuối năm đạt cao, nhà trường hoàn thành mục tiêu đề ra. Giáo viên cũng được “ngẩng cao đầu” vì không bị hạ thi đua với tội danh bị cáo buộc “tay nghề chuyên môn kém, bỏ bê học trò…” hay “chưa biết vận dụng phương pháp dạy học hiệu quả”.
Chất lượng đầu năm nếu để cao, giáo viên cũng vô cùng bất lợi.
Thứ nhất, chất lượng đầu năm cao như cuối năm thì cuối năm học tới nếu chất lượng thấp hơn, giáo viên sẽ bị đánh giá giảng dạy không hiệu quả.
Thứ hai, kết quả cao toàn điểm khá giỏi sẽ chẳng có nhiều học sinh cần đi học thêm. Ngược lại, kết quả đầu năm thấp hai điều bất lợi trên bỗng trở thành điều lợi.
Phụ huynh kêu trường Hồng Bàng thi xếp lớp, trường nói chỉ khảo sát chất lượng |
Và năm nào cũng thế, sau cuộc khảo sát chất lượng học sinh đầu năm ở các trường, số lượng học sinh đăng kí đi học thêm tăng đột biến.
Nhiều thầy cô bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có lịch dạy thêm kín đặc cả tuần. Học trò vào ra cứ hết lớp này đến lớp khác.
Chuyện “kéo chất lượng đầu năm xuống mức thấp nhất có thể” trong tầm tay giáo viên. Bởi, đề khảo sát do chính tổ chuyên môn ra.
Thầy cô sẽ cho đề khó, coi kiểm tra gắt gao nếu không biết làm, học sinh chỉ ngồi cắn bút. Nếu xét một cách công tâm thì chất lượng học sinh đầu năm sẽ phản ánh chân thật hơn.
Khi con đạt kết quả thấp, không có phụ huynh nào có thể ngồi yên. Và giải pháp “nhờ cô dạy thêm, dạy kèm cho cháu” sẽ được nhiều gia đình nhắc đến. Chính phụ huynh sẽ đến năn nỉ “thầy (cô) thương tình mà giúp cho con tôi với”.
Nhiều hệ lụy
Chỉ vì cách đánh giá không trung thực của chính thầy cô, chính nhà trường, đã có khá nhiều chuyện đau lòng xảy ra.
Gia đình chị bạn có cô con gái học lớp 8. Cuối năm, em đạt học sinh giỏi. Em vinh dự được nhận thưởng tại trường, được tới nhận quà tại cơ quan mẹ và ba, được nhận quà ở cả khu phố. Đi đâu, cha mẹ em cũng giới thiệu về em đầy tự hào.
Năm trước thành tích rất cao, năm sau vẫn phải ào ào học thêm |
Thế mà đầu năm kiểm tra khảo sát, em bị điểm 4 môn Toán, điểm 5 môn Văn. Khỏi phải nói em đã bị sốc như thế nào.
Đã không hiểu con, không hiểu nhiều về môi trường giáo dục, gia đình chị đã hết lời chì chiết, mạt sát con.
Cô bé đã hết lời giải thích lớp con nhiều bạn học giỏi kiểm tra cũng không làm được bài vì đề quá khó.
Nhưng có lẽ vì sĩ diện, anh chị vẫn không thôi nặng lời.
Cô bé giam mình trong phòng suốt ngày và rơi vào trầm cảm. Khi tỉnh ngộ, anh chị đã phải tốn khá nhiều công sức, tiền bạc mới cứu được con.
Có trường hợp khác, khi thấy con bị điểm kém, mẹ chửi rủa, cha nổi giận đánh đập nên cậu bé bỏ nhà ra đi. Báo hại, gia đình ấy đã phải huy động mọi người kiếm tìm và rất may chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.
Chuyện đánh giá năng lực học sinh trong ngành giáo dục từ lâu đã được cảnh báo là thiếu trung thực. Thế nhưng vẫn chưa có giải pháp nào khắc phục hiệu quả.
Thương những đứa trẻ đã bị biến thành những “con cờ” chỉ để phục vụ cho lợi ích riêng của một số người.