Mầm non tư thục được vay vốn với lãi suất thấp: Chính sách nhân văn, thiết thực

26/05/2022 06:40
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chủ trường mầm non tư thục bày tỏ sự phấn khởi khi được Chính phủ tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp, giảm gánh nặng kinh tế sau 2 năm đại dịch Covid-19.

Ngày 27/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo đó, mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.

Mức cho vay cụ thể đối với mỗi trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định dựa trên phương án vay vốn.

Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Đồng tiền cho vay và trả nợ bằng đồng Việt Nam. Lãi suất cho vay là 3,3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg, sẽ có trên 3.200 trường mầm non, tiểu học và trên 12.300 cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên cả nước trong diện được hưởng thụ chính sách.

Các trường mầm non tư thục có thể vay vốn với lãi suất thấp tối đa 200 triệu đồng/trường (Ảnh: Phạm Linh)

Các trường mầm non tư thục có thể vay vốn với lãi suất thấp tối đa 200 triệu đồng/trường (Ảnh: Phạm Linh)

Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đoàn Thị Thanh Nhàn – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Vàng (phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, với trách nhiệm là chủ trường của hai cơ sở mầm non, 2 năm đại dịch Covid-19, cô phải đối diện với vô vàn khó khăn.

“Những đợt trường học phải đóng cửa vì dịch Covid-19, tiền thuê là chi phí nặng nhất đối với tôi cũng như các chủ trường mầm non tư thục khác.

Chỉ riêng một cơ sở tại phường Trần Nguyên Hãn, tôi phải chi trả 28 triệu đồng/tháng, cộng thêm cơ sở còn lại thì mỗi tháng tiền nhà lên đến hơn 50 triệu đồng.

Khi học sinh tới trường, tôi còn phải tự chi tiền để bù những khoản như tu sửa cơ sở vật chất; học liệu và trang thiết bị cho giáo viên, học sinh; các khoản phát sinh.

Khó chồng khó nên khi nắm được thông tin về gói hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp của Chính phủ, tôi cảm thấy rất vui, rất ý nghĩa.

Hiện, tôi đang được Ngân hàng Chính sách xã hội quận Lê Chân hỗ trợ làm thủ tục vay gói lãi suất thấp để bù đắp chi phí tu sửa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho nhà trường” cô Thanh Nhàn chia sẻ.

Sự quan tâm của Chính phủ mang lại động lực để các chủ trường mầm non tư thục tiếp tục gắn bó, cống hiến cho ngành (Ảnh: Phạm Linh)

Sự quan tâm của Chính phủ mang lại động lực để các chủ trường mầm non tư thục tiếp tục gắn bó, cống hiến cho ngành (Ảnh: Phạm Linh)

Hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Vàng cho biết thêm, chủ trường một số cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã được vay gói lãi suất thấp theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg với thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong vòng 5 ngày.

Thủ tục vay vốn với lãi suất thấp theo gói ưu đãi của Chính phủ được rút gọn và giải ngân nhanh giúp các trường khắc phục khó khăn nhanh nhất có thể (Ảnh: Phạm Linh)

Thủ tục vay vốn với lãi suất thấp theo gói ưu đãi của Chính phủ được rút gọn và giải ngân nhanh giúp các trường khắc phục khó khăn nhanh nhất có thể (Ảnh: Phạm Linh)

Chia sẻ những khó khăn trong 2 năm đại dịch cũng như niềm vui khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, cô Vũ Phương Thảo – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi nhà hạnh phúc (phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, nhà trường có 3 cơ sở đặt tại các quận trung tâm của thành phố.

Đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà trường không chỉ cần chi trả các khoản cố định như tiền mặt bằng, điện, nước mà còn chi phí duy trì, bảo dưỡng toàn bộ cơ sở vật chất.

Từ những trang thiết bị đơn giản như đồ chơi, đồ dùng học tập cho đến các đồ dùng điện tử phục vụ cho việc vui chơi, học tập của trẻ đều sẽ hao mòn theo thời gian.

“Từ đầu năm 2021 đến nay, thời gian trường được hoạt động chăm sóc trẻ chỉ được khoảng nửa năm. Theo đó, phần thu về không thể đáp ứng được các khoản phải chi cố định.

Thứ nhất phải kể đến khó khăn chung của là về tài chính bởi đặc trưng trường tư thục phải tự chịu trách nhiệm về những khoản thu, chi của mình.

Đa số các trường tư thục đều phải thuê địa điểm với chi phí cao hàng chục triệu đồng. Nếu có nhiều cơ sở thì con số phải lên đến hàng trăm triệu đồng mà không phải chủ nhà nào cũng đồng cảm, hỗ trợ cho mình khi phải đóng cửa vì dịch.

Bên cạnh gánh nặng tài chính, trường còn có nhiều khó khăn, vướng mắc mà không nhiều người nhìn thấy như vấn đề nhân sự.

Khi trường hoạt động trở lại, lúc này giáo viên đã quen với công việc khác và mang tâm lý sợ sẽ tiếp tục bám nghề thì sẽ tái diễn những đợt nghỉ dịch không thu nhập, cuộc sống bấp bênh.

Mỗi đợt mở cửa trở lại, nhà trường lại nháo nhào đi tìm giáo viên, nhân sự và động viên những nhân viên cũ quay trở lại” cô Phương Thảo cho biết thêm.

Khó về nhân lực lại càng khó về chi phí duy trì 3 cơ sở cùng một lúc, cô Phương Thảo chia sẻ bản thân nhiều lúc rất nản và không biết có thể duy trì đến lúc nào.

Chính sách vay vốn với lãi suất thấp có ý nghĩa thiết thực với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trong thời điểm khó khăn này (Ảnh: Phạm Linh)

Chính sách vay vốn với lãi suất thấp có ý nghĩa thiết thực với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trong thời điểm khó khăn này (Ảnh: Phạm Linh)

Chia sẻ về chính sách vay vốn với lãi suất thấp theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg, cô Phương Thảo cũng bày tỏ: “Đây là chính sách thiết thực đối với các trường mầm non tư thục ở thời điểm hiện tại.

Không chỉ giải quyết một phần khó khăn tài chính của các chủ trường, chính sách còn thể hiện sự quan tâm của nhà nước với khối mầm non tư thục”.

Cùng trải qua 2 năm bấp bênh bởi dịch Covid-19, cô Nguyễn Thị Thuý Hồng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Kitty (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, nhà trường phải gồng gánh hàng loạt các chi phí như tu sửa cơ sở vật chất, hỗ trợ đóng bảo hiểm cho giáo viên, tiền nhà,…

Cô Thuý Hồng chia sẻ: “Chính sách của nhà nước hỗ trợ các chủ trường mầm non tư thục rất thiết thực, cần thiết và thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với hệ thống này.

Qua hơn 2 năm ‘gồng gánh’ kinh tế để duy trì giúp cơ sở được tiếp tục hoạt động, có quá nhiều chủ trường đuối sức.

Đồng thời, rất nhiều cơ sở phải đóng cửa vì không còn kinh phí. Số tiền hỗ trợ tuy không thể giải quyết toàn bộ những khó khăn nhưng sẽ phần nào giảm được gánh nặng cho chủ đầu tư.

Tạo thêm động lực để không chỉ riêng tôi mà còn nhiều chủ trường khác có thể tiếp tục gắn bó, cống hiến với ngành.

Tôi rất mong các ban, ngành lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể các đơn vị được hưởng chính sách từ Chính phủ kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này”.

Phạm Linh