Miễn học phí cho học sinh và nâng lương giáo viên cần được thực hiện song song

15/07/2022 06:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo, việc nâng lương cho giáo viên và miễn học phí cho học sinh, cần được thực hiện đồng thời.

Ngày 4/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận xã hội đặc biệt là phụ huynh học sinh.

Có ý cho rằng, bên cạnh việc miễn học phí trong trường công, thì cũng cần phải nâng lương cho giáo viên để cải thiện cuộc sống, yên tâm công tác.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo- nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay, việc miễn học phí là cần thiết nhưng chúng ta làm còn chậm, đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu.

"Nhiều nước trên thế giới coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên họ miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến bậc trung học phổ thông", thầy Bảo nói.

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Trước ý kiến cho rằng các địa phương có thể tự chi ngân sách cho việc miễn học phí như Thành phố Hải Phòng đã thực hiện, Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo cho hay, các địa phương có tiềm lực kinh tế hoàn toàn có thể thực hiện được việc này, còn với những địa phương còn nhiều khó khăn thì chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, để làm được điều này không khó.

"Để địa phương có thể tự giải quyết vấn đề ngân sách cho giáo dục, thì cần phải chống tham nhũng, lãng phí. Làm được điều này, địa phương nào cũng có thể miễn học phí cho các bậc học", thầy Bảo chia sẻ.

Về ý kiến cho rằng, cần nâng lương cho giáo viên song song việc miễn học phí, để tránh "chảy máu chất xám" trong trường công, Phó giáo sư Bảo cho hay, nhân tố làm nên sự nghiệp giáo dục là bắt nguồn từ thầy cô đúng như câu nói "phi sư bất thành", nếu không có người thầy tốt thì khó có sự nghiệp giáo dục thành công.

Vì vậy, thầy Bảo cho rằng, các địa phương cần có chế độ tuyển dụng, ưu đãi đối với những sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm loại giỏi, xuất sắc.

"Theo tôi, việc miễn học phí cho học sinh và nâng lương cho giáo viên trường công lập cần được thực hiện song song", thầy Bảo nhấn mạnh.

Phó giáo sư Bảo chia sẻ thêm, thực tế hiện nay, việc chi ngân sách cho giáo dục còn hạn hẹp, nên nhiều trường công đã vận động xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, dựa vào điều đó, một số trường đã lợi dụng điều này nhằm tư lợi, gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh là cần phải lên án.

"Chúng ta cần tăng cường giám sát và kiểm tra công tác thu chi của nhà trường, đồng thời nâng cao vai trò của Hội cha mẹ học sinh cùng cộng đồng. Nếu nơi nào làm đúng thì khích lệ, nếu nơi nào lợi dụng thì cần phải lên án", thầy Bảo nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, Phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho hay, việc miễn học phí mang tính chất an sinh, xã hội không liên quan đến chất lượng giáo dục.

Để nâng cao chất lượng giáo dục thì nhân tố quan trọng nhất là nhà giáo.

"Muốn nâng cao chất lượng nhà giáo thì phải nâng cao năng lực dạy học của thầy cô. Hiện chúng ta vẫn đang thực hiện các giải pháp để bồi dưỡng cho giáo viên.

Đặc biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi năng lực giáo viên về nhiều mặt", thầy Rỹ cho hay.

Phó giáo sư Rỹ chia sẻ thêm, để học sinh đạt phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là cả một quá trình lâu dài, chứ không phải trong một thời gian ngắn.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là cơ sở vật chất như hệ thống nhà trường, cơ sở dạy học và thiết bị trường học gồm đồ dùng dạy học, nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phó giáo sư Rỹ cho biết, yếu tố quan trọng cuối cùng là công tác quản lý của ngành giáo dục.

Về việc nâng lương cho giáo viên, phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ cho rằng, việc nâng lương là để giáo viên tập trung học vào công việc dạy học, cũng là cách để làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn.

Tuy nhiên việc nâng lương cho giáo viên đã được đề xuất lâu nay nhưng chưa thực hiện được.

"Hiện nay, có hơn 1 triệu giáo viên, nếu nâng lương thì những ngành khác cũng phải nâng lương, đó là một bài toán khó", phó giáo sư Rỹ nhận định.

Mạnh Đoàn