Những ngày vừa qua, dư luận nắm bắt được thông tin về tình trạng có giáo viên lên lớp nhưng “không nói gì” qua phát biểu của em Phạm Song Toàn (học sinh Trường trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè).
Theo đó, tại buổi gặp gỡ, bày tỏ ý kiến của mình trước mặt Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng có liên quan, em Phạm Song Toàn chia sẻ: “Cô giáo Toán của em trong lớp không hề giảng bài, trò chuyện với học sinh, mà chỉ chép, giao bài tập”.
“Con chỉ mong cô giáo dạy Toán cũng bình thường như mọi người khác, được một lần nói chuyện với cô thôi. Đây là một điều rất bình thường với những người khác, nhưng lại là mong muốn rất lớn với con” – nữ sinh Toàn kiến nghị.
Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc, Giáo viên lên lớp mà “không nói gì” thì khác nào một cái máy cung cấp thông tin (Ảnh: Báo Lao động) |
Đánh giá về kiến nghị của học trò này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục khẳng định:
“Phát biểu mà cũng là kiến nghị của học sinh Phạm Song Toàn là điều mà các nhà sư phạm cần chú ý để thay đổi ngành giáo dục trong việc đào tạo và đào tạo lại giáo viên.
Đặc biệt, ý kiến của em học sinh này rất đúng với tình hình hiện nay khi một số giáo viên đứng lớp nhưng chỉ thực hiện việc truyền thụ kiến thức như một cái máy truyền thụ thông tin chứ chưa chú trọng tới việc dạy người.
Mà điều này là hoàn toàn không đúng với phương pháp sư phạm của thế kỉ 21, đặc biệt hiện nay ngành giáo dục đang triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương.
Bởi theo tinh thần của Nghị quyết 29 thì giáo dục cần chú ý tới cả dạy chữ và dạy người để hình thành con người hành động, có ý thức xã hội, ý thức cộng đồng... do đó giáo viên không thể đơn thuần chỉ là người thực hiện một hoặc chuỗi thao tác lao động”.
Nữ sinh Sài Gòn bật khóc nói về giáo viên “không nói gì cả” trong lớp |
Thầy Hạc nêu quan điểm: “Trước đây ngành giáo dục chú ý tới cả dạy chữ và dạy người tuy nhiên mười năm gần đây, người ta chú ý quá nhiều tới dạy chữ khiến vấn đề dạy người không được chú trọng”.
Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới thì giáo dục không những phải chú trọng tới năng lực mà còn cả yếu tố hình thành con người để thế hệ trẻ trở thành công dân có ích, sống có trách nhiệm, có ý thức bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước, biết chia sẻ với bạn bè, người thân...
Thầy Hạc cho biết thêm, mặc dù tất cả những điều này đã có trong môn Tâm lý học và Giáo dục học ở giảng đường đại học tuy nhiên một số trường sư phạm mà cụ thể là nhiều cử nhân chỉ chú ý tới việc truyền thụ kiến thức mà chưa chú trọng tới giáo dục học.
Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, song song với việc truyền thụ kiến thức thì giáo viên là phải có nhiệm vụ dạy người, có như vậy mới đào tạo được học sinh toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới.